Thời gian qua, tại TP Cần Thơ, công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung. Nhiều đơn vị, địa phương rất sáng tạo với nhiều mô hình truyền thông, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT. Trong đó có mô hình “Cà phê sáng trao đổi với Nhân dân gắn với tuyên truyền BHXH, BHYT” do UBND phường Xuân Khánh (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) phối hợp với BHXH quận Ninh Kiều (TP Cần Thơ) tổ chức.
Những buổi “cà phê sáng đặc biệt”
Những buổi cà phê sáng cuối tuần tại phường Xuân Khánh trong tháng 7 vừa qua có thể xem là khá đặc biệt. Nơi đây không xuất hiện những gian hàng hay băng rôn mà chỉ có những buổi cà phê sáng trao đổi người dân tham gia chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Khác với nhiều địa phương trong cả nước sẽ đi từng nhà, mời từng người dân tham gia, BHXH quận Ninh Kiều phối hợp với địa phương triển khai mô hình nhằm tạo ra không gian thoải mái, gần gũi để mọi người có thể trao đổi, chia sẻ và tìm hiểu về các chính sách bảo hiểm mà không cảm thấy áp lực. Đây không chỉ là nơi để giao lưu mà còn là cơ hội để tuyên truyền và giải đáp thắc mắc liên quan đến BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.
Theo BHXH TP Cần Thơ, người dân đến với mô hình “cà phê sáng” sẽ được chia sẻ, trao đổi về những quyền, lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, những quy định mới khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực. Cụ thể, thời gian tham gia BHXH để hưởng lương hưu giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm, bổ sung thêm chế độ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả, mỗi đợt “cà phê sáng” có trên 10 người tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân hoặc người thân và hơn 20 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Bà Châu Thị Thu Hằng - Chủ tịch UBND phường Xuân Khánh cho biết, mục tiêu chính của mô hình “cà phê sáng” là giúp người dân hiểu và nâng cao nhận thức về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình. Qua những buổi trao đổi, người dân được cung cấp thông tin một cách dễ hiểu và gần gũi, giúp họ hiểu rõ hơn về các quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm.
Cũng theo bà Hằng, tại đây người dân có thể thoải mái đặt câu hỏi và nhận được giải đáp trực tiếp từ các chuyên viên tư vấn. Điều này giúp xóa tan những hiểu lầm và lo lắng về các chương trình bảo hiểm, từ đó tăng cường sự tin tưởng và sẵn sàng tham gia khi có điều kiện.
“Mô hình cà phê sáng không chỉ là nơi trao đổi thông tin mà còn là dịp để tạo sự gắn kết cộng đồng. Khi người dân cùng ngồi lại, chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm cá nhân, họ sẽ cảm thấy mình là một phần của cộng đồng lớn. Khi đó người dân không chỉ hiểu rõ về quyền lợi của mình mà còn nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ sức khỏe và an sinh xã hội”, bà Hằng nói.
Linh hoạt nhiều giải pháp
|
Đông đảo người dân tham gia mô hình “cà phê sáng”. |
Ngoài mô hình “cà phê sáng”, cơ quan BHXH Cần Thơ cũng như BHXH quận, huyện đã phối hợp các sở, ban ngành, các đoàn thể chính trị xã hội và địa phương triển khai nhiều giải pháp truyền thông chính sách BHXH, BHYT thông qua các mô hình tiêu biểu như: Tuyên truyền nhóm nhỏ, tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt chi hội, tổ hội, đặc biệt là mô hình Nuôi heo đất tại huyện Cờ Đỏ; Tuyên truyền BHXH, BHYT cho các tín đồ phật giáo Hòa Hảo tại quận Thốt Nốt; Tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thông qua Tủ sách pháp luật” tại quận Cái Răng...
Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, BHXH TP Cần Thơ phối hợp với các đơn vị thực hiện công tác truyền nhóm nhỏ 844 cuộc (hơn 9.100 lượt người) và tổ chức 69 cuộc hội nghị tuyên truyền (có 4.541 người tham dự). Qua đó đã có 2.298 người tham gia BHXH tự nguyện và 8.125 người tham gia BHYT hộ gia đình.
Bên cạnh đó, đơn vị còn thực hiện truyền thông qua Cổng thông tin điện tử BHXH thành phố (Website), hay trên trang mạng xã hội của BHXH thành phố (Fanpage Facebook, Zalo OA, Youtube) với hơn 189.116 người người theo dõi, truy cập. Qua đó, người dân, người lao động đã quan tâm liên hệ hỏi về thông tin thủ tục, nơi đăng ký tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Theo BHXH TP Cần Thơ, mặc dù công tác truyền thông chính sách BHXH, BHYT được đẩy mạnh toàn diện nhưng có lúc, có nơi chưa thường xuyên, liên tục; nội dung giải pháp chưa phù hợp theo nhóm đối tượng,... từ đó hiệu quả tuyên truyền một số nơi chưa như mong đợi. Một số người dân còn trông chờ chính quyền địa phương hỗ trợ, mua cho thẻ BHYT, còn tâm lý e dè chưa quan tâm nhiều đến tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, một phần đời sống của người dân còn khó khăn, thu nhập không ổn định nên không đủ điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, từ đó ảnh hưởng công tác vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình...
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Trần Văn Khải - Phó Giám đốc BHXH TP Cần Thơ cho biết, để tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT có hiệu quả trong tình hình mới, đơn vị tiếp tục chủ động tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND, Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông về BHXH, BHYT theo các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ và địa phương... nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Cũng theo ông Khải, BHXH TP Cần Thơ sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nhân rộng các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia BHXH, BHYT...