Thái Bình: Gương sáng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Vừa qua, tham dự Hội nghị tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tại thôn Kìm (xã Vũ Lạc, TP Thái Bình), bà Phạm Thị Loan (SN 1939) đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện cho bản thân và hai người con cùng một người cháu trong gia đình đều là lao động tự do chưa tham gia BHXH.
Bà Phạm Thị Loan và người thân nhận sổ BHXH tự nguyện.
Bà Phạm Thị Loan và người thân nhận sổ BHXH tự nguyện.

Nhận cuốn sổ BHXH trên tay, bà Phạm Thị Loan phấn khởi chia sẻ: “Trước đây tôi đã được nghe về loại hình BHXH tự nguyện nhưng chưa có dịp tìm hiểu sâu; nay được đến dự Hội nghị tư vấn, đối thoại về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình do BHXH tỉnh tổ chức, tôi thấy chính sách của Đảng và Nhà nước hết sức nhân văn, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội được có lương hưu, tự chủ tài chính khi về già”.

Cùng với đó, bà Loan đã vận động người thân, các con, cháu trong gia đình tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động. Khi được hỏi, vì sao bản thân tuổi đã cao mà vẫn quyết định tham gia loại hình BHXH này, bà Loan tâm sự: “Tham gia BHXH tự nguyện là khi còn có sức khỏe để lao động, có thu nhập mình tích lũy “của để dành” để sau này khi về già có lương hưu hằng tháng và cấp thẻ BHYT đi khám chữa bệnh. Tôi năm nay 83 tuổi vẫn quyết định tham gia để làm gương cho con cháu. Hơn nữa, khi tham gia BHXH tự nguyện chẳng may qua đời thì con cháu cũng được nhận tiền tử tuất, nếu tôi tham gia được 5 năm trở lên thì còn có chế độ trợ cấp mai táng phí của Nhà nước. Tôi thấy chính sách BHXH tự nguyện hết sức nhân văn đối với mọi người dân”.

Được biết, để lan tỏa tính nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện đến với mọi người dân trên địa bàn tỉnh, những năm qua BHXH tỉnh Thái Bình đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, đổi mới mạnh mẽ công tác truyền thông, đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Đặc biệt 4 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên diện rộng, BHXH tỉnh Thái Bình đã linh hoạt triển khai công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT nói chung và tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình nói riêng.

Theo đó, rất nhiều mô hình truyền thông trực tiếp tại cộng đồng được triển khai đa dạng như: Tổ chức các đợt ra quân trên địa bàn toàn tỉnh, từng huyện; phát tờ rơi, tờ gấp tại các điểm trung tâm, các khu chợ, nơi tập trung đông người; tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt chuyên môn của các hội đoàn thể, tuyên truyền nhóm nhỏ cho các cụm dân cư; tổ chức hội nghị tuyên truyền tại các thôn, tổ vào buổi tối, vào ngày nghỉ cuối tuần để nhân dân có thể thuận lợi tham dự v.v...

Kết quả 4 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh Thái Bình phát triển được 1.127 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng số người tham gia loại hình BHXH này lên 42.005 người.

Với nhiều giải pháp đồng bộ và linh hoạt, BHXH tỉnh Thái Bình cho biết sẽ phấn đấu đưa chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình đến mọi người dân trên địa bàn tỉnh để ngày càng có nhiều hộ dân như gia đình bà Loan phấn khởi lựa chọn tham gia BHXH tự nguyện để được hưởng chế độ an sinh lâu dài; hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân.

BHXH tự nguyện là một trong những chính sách an sinh xã hội mang tính nhân văn của Đảng và Nhà nước ta, tạo điều kiện cho người lao động làm nông nghiệp hoặc làm các công việc không có hợp đồng lao động có lương hưu và thẻ BHYT để duy trì cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động.

Theo quy định, đối tượng tham gia BHXH tự nguyện bao gồm: 1. Người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; 2. Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến BHXH tự nguyện. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng các chế độ sau: Chế hộ hưu trí; Chế độ trợ cấp BHXH 1 lần; Chế độ tử tuất.

Đọc thêm