Mỗi người đều lưu lại một dấu ấn không trùng lắp, họ đã bền bỉ với nghề cho dù sân khấu cải lương, tuồng đã trải qua nhiều thăng trầm. Đó là những nam nghệ sĩ chuyên đóng kép chính. Có thể vai của họ là mùi, độc, lẵng, nhưng ở cương vị nào họ cũng chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp. Hiện nay, họ lại là những nghệ sĩ "đắt sô" nhất, tạo được sức hút khán giả, dù tuổi đời đã bước vào hàng U60 – U70.
Mỗi người đều lưu lại một dấu ấn không trùng lắp, họ đã bền bỉ với nghề cho dù sân khấu cải lương, tuồng đã trải qua nhiều thăng trầm. Đó là những nam nghệ sĩ chuyên đóng kép chính. Có thể vai của họ là mùi, độc, lẵng, nhưng ở cương vị nào họ cũng chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp. Hiện nay, họ lại là những nghệ sĩ "đắt sô" nhất, tạo được sức hút khán giả, dù tuổi đời đã bước vào hàng U60 – U70.
|
Ở tuổi 64, nghệ sỹ Minh Phụng vẫn là cánh chim vượt bão không đơn lẻ |
1. NS Bạch Tuyết và Thanh Sang với hai đêm liveshow 50 năm một tình yêu nghệ thuật của NS Thanh Sang tổ chức tại Nhà hát TP.HCM đã gây nên cơn sốt vé. Giá vé chính thức 200 ngàn đồng/vé, nhưng đến giờ mở màn phe vé chợ đen hét giá 1,5 triệu đồng/vé, vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu người xem. Nhờ đâu Thanh Sang ở tuổi 65 vẫn thu hút đông đảo khán giả như thế? Theo soạn giả Lê Duy Hạnh – Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM, NS Thanh Sang đã 6 năm tạm xa sân khấu do mang nhiều căn bệnh. Lần trở lại này anh một mình thể hiện 5 vai diễn để đời: Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Trần Đại Đảnh (Tần Nương Thất), Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), Đường Minh Hoàng (Dương Quí Phi) và Lục Vân Tiên (Kiều Nguyệt Nga).
Bên cạnh đó, chất giọng trầm buồn và phong cách diễn xuất chân thật của Thanh Sang đã gieo vào lòng người xem sự xúc động mãnh liệt. Đứng bên cạnh các nữ bạn diễn như: Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Phượng Hằng, Cẩm Tiên..., anh lúc nào cũng khiêm tốn, làm điểm tựa cho các bạn diễn tỏa sáng. Một điều mà theo tác giả Lê Duy Hạnh, anh lấy lại phong độ bởi cung cách làm việc hết sức nghiêm túc của một nghệ sĩ đàn anh. Bao giờ tập tuồng anh cũng đến sớm, không tỏ thái độ ngôi sao mà cùng nhân viên hậu đài, diễn viên múa, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng làm việc cật lực để có được hai đêm ấn tượng.
2. Còn nghệ sĩ Nam Hùng gần như gắn chặt với ngôi nhà chung của sân khấu, tham gia công tác xã hội, góp phần xây dựng Ban Ái hữu Nghệ sĩ TP.HCM ngày càng trở thành cơ sở tín nhiệm đối với giới nghệ sĩ. Từ sau liveshow của con gái- NS Thanh Thanh Tâm với chủ đề Vọng phu, NS Nam Hùng vẫn gắn bó với sàn diễn và sân khấu video. Nghề nghiệp của anh vẫn tỏa sáng với hàng loạt vai diễn mà qua lời nhận xét của các nhà chuyên môn, thì “gừng càng già, càng cay”.
Anh đi vào các vai phản diện rất chuẩn xác, cái ác không được thể hiện bằng sự đanh thép, dữ dội, nhưng ngầm bên trong là những làn sóng nham hiểm, làm tan nát con tim khán giả khi xem anh diễn. Diễn hài pha một chút lẵng như thầy lý trong Ngao Sò Ốc Hến, thì không ai có thể qua mặt NS Nam Hùng, hoặc vai Đổng Trác bụng bự, râu rìa, anh có nét diễn hóm hỉnh, làm người xem vừa ghét, vừa thích thú, buồn cười.
Vai Chu Phác Viên (Lôi Vũ) cũng thế, anh khéo dấu sự toan tính bẩn thỉu của một người cha đạo đức giả bên trong cái vỏ bọc chăm sóc vợ, lo lắng cho con. Chu Phác Viên của Nam Hùng ấn tượng với người xem nhờ cách nghiên cứu vai diễn sâu sắc và chuyển tải đến tận cùng. Năm nay đã bước qua tuổi 70, nhưng anh vẫn luôn đồng hành với thế hệ diễn viên trẻ.
3. Nghệ sĩ Minh Phụng đã vượt qua cơn bệnh nguy hiểm thập tử nhất sinh như một phép mầu, mà không ai dám nghĩ là anh sẽ chiến thắng, Minh Phụng đã trở lại sân khấu, thực hiện chương trình Những cánh chim không mỏi khi con gái anh- ca sĩ Y Phụng về nước cùng cha tổ chức đêm diễn này.
Nếu báo giới Sài Gòn đặt cho anh và Lệ Thủy nghệ danh Cặp bão biển đang dâng cao (thời hai nghệ sĩ còn hát chánh cho công ty Kim Chung), thì đến nay, ở tuổi 64 anh vẫn là cánh chim vượt bão không đơn lẻ. Mỗi chương trình có anh đều có đông khán giả, sự hiện diện của anh đã góp vào chương trình những điểm sáng nổi bật.
Bên cạnh Bạch Tuyết anh đóng vai Trần Nhân Tông, bên cạnh Lệ Thủy anh tái diễn vai Tần Lĩnh Sơn thật hào hùng, chính khí. Chính tình thương của khán giả đã tiếp thêm nghị lực để anh giữ được phong độ và chất thanh xuân qua mỗi vai diễn. NS Minh Phụng cho biết: “Tôi sẽ hát đến hơi thở cuối cùng. Căn bệnh suy thận hiện nay buộc tôi phải 3 ngày trong tuần đến bệnh viện để lọc máu, nhưng tôi vẫn hết sức lạc quan, vì bên tôi vẫn còn đồng nghiệp, khán giả yêu mến mình”.
4. Năm 1964 Minh Vương đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ, cuộc thi tuyển chọn giọng ca cải lương do báo giới Sài Gòn tổ chức 4 năm một lần. Tính đến nay đã 43 năm trôi qua, vậy mà NS Minh Vương vẫn ngự trị trong lòng công chúng với giọng ca trong trẻo, ngân xa.
Đặc trưng của chất giọng Kim mà anh thừa hưởng rất hiếm trong giới sân khấu, nhất là kép. Bởi trong phép tính ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, xét ở khía cạnh dòng nhạc ngũ cung: Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, thì giọng Kim của anh ứng với cung Cống, mà theo cung điệu và thanh điệu thì cung Xê và Cống thuộc dương, Hò và Xự thuộc âm, còn Xang là lưỡng nghi (tức vừa có âm, vừa có dương), nên Minh Vương có làn hơi dài và đầy âm lượng, độ cao rất thoải mái khi cần thiết ca cấn hoặc hạ giọng trầm buồn mà không sợ hụt hơi.
Do vậy trong các vai diễn mang nhiều kịch tính, anh thường ca cấn để nhấn trọng âm khi diễn tả ca từ buồn thảm. Nhờ vào ưu điểm này mà giọng ca Minh Vương mãi mãi không già lão, chất giọng của anh lúc nào cũng chất chứa màu sắc trữ tình hơn là bi ai, dù đó là vai ông lão (Nguyễn Trãi – Rạng Ngọc Côn Sơn) hay là anh kép đa tình – Minh (Tô Ánh Nguyệt) thì người xem vẫn dành nhiều tình cảm cho Minh Vương.
Anh tâm sự, mình chưa nghĩ đến việc sẽ tổ chức liveshow như các đồng nghiệp đã làm, nhưng tình cảm của khán giả dành cho anh hơn bao giờ hết vẫn là mục tiêu để anh quyết tâm bền bỉ với nghề. Anh tâm sự: “Tôi muốn giữ vững danh hiệu Khôi nguyên vọng cổ để bản thân mình góp phần mang mùa xuân về cho sân khấu, dù năm nay tôi đã 58 tuổi”.
Thanh Hiệp