Những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 1/2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ ngày 1/1/2023 bỏ quy định về xuất trình sổ hộ khẩu giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cảnh sát cơ động được mang vũ khí lên máy bay khi làm nhiệm vụ, khách hàng có 21 ngày để từ chối tham gia bảo hiểm đã mua.

Cảnh sát cơ động được mang vũ khí lên máy bay làm nhiệm vụ

Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) 2022 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2022, thay thế cho Pháp lệnh CSCĐ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023. Theo đó, CSCĐ có những quyền như sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ. CSCĐ cũng được quyền mang theo người vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không, lên tàu bay dân sự để làm nhiệm vụ chống khủng bố, giải cứu con tin; trấn áp đối tượng thực hiện hành vi nguy hiểm có sử dụng vũ khí, vật liệu nổ; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; sử dụng tàu bay do cấp có thẩm quyền huy động riêng cho CSCĐ để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Ngoài ra, CSCĐ được ngăn chặn, vô hiệu hóa máy bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ trực tiếp tấn công, đe dọa tấn công hoặc xâm phạm mục tiêu bảo vệ của CSCĐ trong phạm vi khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay theo quy định của Thủ tướng. CSCĐ cũng được huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Việt Nam để thực hiện các nhiệm vụ cấp bách. Bên cạnh đó, CSCĐ cũng có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp sơ đồ, thiết kế của công trình, trụ sở, nhà ở, phương tiện, trừ công trình quốc phòng, khu quân sự, phương tiện thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng; được vào trụ sở cơ quan, tổ chức, chỗ ở của cá nhân để chống khủng bố, giải cứu con tin.

Bỏ quy định về xuất trình sổ hộ khẩu giấy khi thực hiện thủ tục hành chính.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2022/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Đặc biệt, Nghị định 104/2022/NĐ-CP bỏ quy định về việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công, chủ yếu thuộc nhiều lĩnh vực như: việc làm, bảo hiểm y tế, giáo dục, y tế, đất đai, thuế, nhà ở, nhà ở xã hội, điện lực, nuôi con nuôi…

Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục trên, người dân chỉ cần xuất trình một trong các loại giấy tờ: Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Nghị định 104/2022/NĐ-CP cũng bãi bỏ, thay thế một số cụm từ liên quan tới quy định về sổ hộ khẩu tại các nghị định liên quan tới một số lĩnh vực cụ thể như: điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; hộ tịch, người có công, bảo trợ xã hội…

Đồng thời, Nghị định 104/2022/NĐ-CP cũng quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin về cư trú để giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công thông qua chức năng của hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư/Cổng dịch vụ công quốc gia. Thông qua tài khoản định danh điện tử trong ứng dụng VneID. Dùng thiết bị đầu đọc đã kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gồm thiết bị đọc mã QR hoặc đọc chip trên thẻ căn cước công dân gắn chip). Nghị định 104/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2023.

Khách hàng có 21 ngày để từ chối tham gia bảo hiểm đã mua

Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023. Tại Điều 35 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) bổ sung quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Theo đó, đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 1 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Ngoài bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm nhân thọ, Luật Kinh doanh bảo hiểm còn có nhiều điểm mới được bổ sung để phù hợp với thực tiễn. Đơn cử, Luật mới phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; quy định rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm.

Chế độ BHXH với người lao động dôi dư

Từ ngày 15/1/2023, Nghị định 97/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ có hiệu lực. Cụ thể, với người lao động dôi dư được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998 hoặc trước ngày 26/4/2002 như sau: nếu tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu từ 1 - 5 tuổi, có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên thì được hưởng lương hưu và các chế độ gồm: Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 3 tháng tiền lương/năm (đủ 12 tháng, không tính tháng lẻ) nghỉ hưu trước tuổi so với tuổi nghỉ hưu; Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,4 mức lương tối thiểu tháng tính bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH.

Trường hợp lao động dôi dư có tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu dưới 12 tháng, có đủ 20 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên được hưởng lương hưu và các chế độ gồm: Không bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi; Hỗ trợ khoản tiền bằng 0,2 mức lương tối thiểu một tháng bình quân cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH. Lao động dôi dư đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH bắt buộc tối đa 6 tháng để đủ điều kiện hưởng lương hưu (đủ 20 năm đóng BHXH) được Nhà nước đóng một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất để giải quyết chế độ hưu trí và hỗ trợ liên quan.

Đọc thêm