Đầu năm 2018, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UBKHCNMT) của Quốc hội đã khảo sát một số đoạn tuyến của dự án và chỉ ra những điểm cần khắc phục.
Đoạn tuyến phía Bắc khó về vốn, địa hình
Đoạn tuyến tránh thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn) có chiều dài 11km, tổng mức đầu tư (TMĐT) 641 tỷ đồng. Theo thiết kế, đoạn này được xây theo tiêu chuẩn đường cấp III miền núi. Tuyến này công tác giải phóng mặt bằng (GPMT) cơ bản đã xong nhưng vướng đường dây điện 110kV khu vực Nà Khoang.
Đối với đoạn đi trùng QL3, đoạn qua đèo Giàng, đèo Gió là một trở ngại lớn khi chỗ này có địa hình phức tạp, nhiều đèo dốc dài, quanh co, bán kính cong nhỏ. Theo đánh giá của UBKHCNMT, QL3 là tuyến đường huyết mạch vận chuyển liên vùng từ cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng) qua Bắc Kạn và Thái Nguyên để về Hà Nội; lượng lưu thông lớn. Với điều kiện khai thác hiện nay, xe lưu thông khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao. Do đó nhiều đơn vị đề nghị cải tạo tuyến đường này. Qua khảo sát thực tế, UBKHCNMT đề nghị nghiên cứu cải thiện đoạn đường trên theo hướng cải tạo, xây cầu cạn và đường hầm ở những vị trí cần thiết.
Với đoạn tuyến Chợ Mới (Thái Nguyên) - Ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang) thì đang khó khăn về ngồn vốn. Dự án này có chiều dài tuyến khoảng 47km, TMĐT khoảng 2.727 tỷ đồng. Hiện, còn khoảng 300m chưa được bàn giao mặt bằng ở dự án này. Theo Bộ GTVT, dự án này đang khó khăn về nguồn vốn nên mới triển khai được khoảng 17,4km từ Chợ mới đến Chợ Chu; còn 30km từ Chợ Chu đi Ngã ba Trung Sơn chưa được triển khai thi công. Phương tiện giao thông hiện đang phải lưu thông tạm qua các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đến Ngã ba Trung Sơn để qua cầu Bình Ca sang QL2.
Qua miền Trung trễ vài năm?
Đối với Dự án Cam Lộ - La Sơn đi qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có chiều dài khoảng 102km (xây mới 86,7km; tận dụng 15,5km đi trùng với tuyến tránh TP Huế), tốc độ thiết kế 80km/h; quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 22m. Đoạn này dự kiến được đầu tư theo hình thức BT, tuy nhiên sau đó do việc thu xếp nguồn vốn khó khăn nên vẫn chưa triển khai được. Theo UBKHCNMT, hiện nay, công tác khảo sát, cập nhật báo cáo nghiên cứu khả thi đã cơ bản hoàn thành, dự kiến được phê duyệt trong tháng 5/2018, phấn đấu khởi công dự án vào đầu năm 2019. Như vậy, Dự án đoạn Cam Lộc - La Sơn sẽ chậm 3-4 năm so với yêu cầu.
Đoạn tuyến La Sơn - Túy Loan có chiều dài 78km, đi qua hai tỉnh Thừa Thiên Huế và TP.Đà Nẵng. TMĐT hơn 11.400 tỷ đồng; sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ (Nhật Bản). Đoạn tuyến nay có quy mô là đường cao tốc (60 - 80km/h). Hiện nay, công tác giải phóng mặt bằng đã được 87%; khối lượng thực hiện dự án đạt khoảng hơn 53% hợp đồng. Đây là dự án được thực hiện theo hình thức BT.
Qua khảo sát mới đây, đoàn công tác của UBKHCNMT nhận thấy, công tác thi công tại đoạn tuyến này đang diễn ra khẩn trương, áp dụng công nghệ và các phương tiện thi công cơ giới; tinh thần làm việc tích cực. Dự án đã thi công xong một số cầu cạn, thông tuyến hầm Mũi Trâu… Đoạn từ Hòa Liên đến Túy Loan của dự án đang gặp khá nhiều khó khăn khi mới chỉ bàn giao mặt bằng được 1,88km/11,5km (được 16%). Nếu tiến độ giải phóng mặt bằng tiếp tục chậm trễ sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án (dự kiến cuối năm 2018) và phá vỡ phương án tài chính của dự án nói trên.
UBKHCNMT kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn đề trả nợ nguồn vốn vay đầu tư dự án theo hình thức BT đoạn La Sơn - Túy Loan bắt đầu từ tháng 3/2018 như cam kết của Chính phủ với Ngân hàng Tokyo - Mitsumishi UFF Nhật Bản; báo cáo Quốc hội xem xét, bố trí kinh phí còn thiếu 1.700 tỷ đồng để thực hiện hoàn chỉnh dự án, sớm phát huy hiệu quả đầu tư dự án.
Ngoài ra, cơ quan này cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT cần nghiên cứu và phê duyệt điều chỉnh phương án thiết kế, thi công đối với tuyến tránh Ngân Sơn, tuyến tránh Nà Phặc và đoạn còn lại của tuyến đường Hồ Chí minh đi trùng QL3, đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn nhằm hạn chế cua gấp tay áo, bán kính nhỏ cong, độ dốc lớn để tăng năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông…