Cụ thể, nhóm ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật… bình quân số bài ISI và Scopus của những người được xét công nhận trong năm 2016 là 5.76 bài/người. Bên khối khoa học xã hội và nhân văn là 0.19 bài/người. Chia cụ thể từng ngành nhỏ thì thấy ngành giáo dục học, có tổng số tạp chí ISI 270 tạp chí, năm 2016 có 1 GS và 33 PGS được bổ nhiệm thì chỉ có 1 bài ISI. Ngành Tâm lý học có 547 tạp chí ISI có 2 GS và 9 PGS được bổ nhiệm thì có 1 bài ISI, Scopus. GS Phú cũng chỉ ra rằng có tới 6 chuyên ngành “trắng” bài khoa học ISI.
Viện Toán học vừa có văn bản chính thức góp ý dự thảo quyết định ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS gửi đến ban soạn thảo Bộ GD-ĐT và Hội đồng chức danh GS nhà nước. Theo văn bản này, Viện Toán học đề nghị cần bỏ một số tiêu chuẩn không phù hợp với thông lệ quốc tế. Cụ thể, bỏ yêu cầu viết sách. Viết sách, nhất là sách tốt, không phải là một việc dễ. Thế nhưng những lập luận trong dự thảo không chú ý đến đặc thù quan trọng nhất của các nhà xuất bản là lợi nhuận.
Thứ hai là bỏ yêu cầu bắt buộc hướng dẫn nghiên cứu sinh, thạc sĩ. Nội dung này, Viện Toán cho rằng phần lớn các nơi trên thế giới, người ta xem việc được hướng dẫn nghiên cứu sinh là một quyền của người được phong học hàm. Đây không phải là quyền lợi vật chất mà là quyền lợi tinh thần. Do vậy, đại đa số các trường tại các nước khoa học tiên tiến, không bao giờ đưa đòi hỏi đã hướng dẫn thành công nghiên cứu sinh làm tiêu chuẩn. Ngoài ra, văn bản góp ý cũng kiến nghị bỏ yêu cầu chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học và chủ trì hoặc tham gia xây dựng, phát triển chương trình đào tạo. Bỏ yêu cầu về tính liên tục của quá trình đào tạo.
Viện Toán cũng kiến nghị giải pháp đối với ủy viên Hội đồng ngành. Theo đó, kết hợp yêu cầu: “Có uy tín chuyên môn và khoa học cao, là nhà khoa học đầu ngành thuộc lĩnh vực chuyên môn đang đảm nhiệm” trong dự thảo, với yêu cầu: “Đối với nhóm ngành Khoa học tự nhiên, có trên 50% số thành viên Hội đồng có ít nhất 8 bài báo đăng trên các tạp chí ISI, trong đó có ít nhất 3 bài đăng trên các tạp chí ISI trong 10 năm cuối”…
Bên cạnh đó, cũng nhiều ý kiến lo ngại với đặc thù của ngành khoa học nhân văn, sẽ rất khó để có thể có những công bố quốc tế để áp theo tiêu chí mới trong dự thảo.