Những con số đè nặng lưng người dân Việt Nam

(PLO) - Có mấy con số trong thời gian này được nhắc đến nhiều, tưởng chẳng liên quan đến nhau, nhưng nó đều có chung một trọng số. Ấy là những con số đè nặng lên lưng mỗi một người dân Việt Nam…
Những con số đè nặng lưng người dân Việt Nam

Về dự án đường sắt trên cao, kết luận của chính Thanh tra TP Hà Nội cho thấy, chỉ trong 2 năm, dự án này đã đội giá 10.000 tỷ đồng. Một tờ báo đã bình luận cay đắng đây là việc vác tiền dân đi biếu nhà thầu nước ngoài. Con số này đặt trong mối tương quan của nợ công của nước ta mới thấy những nghịch lý khó lòng chấp nhận. Con số của Bộ Tài chính dự báo, giả định rằng tăng trưởng GDP vào khoảng 6,7 – 7% thì nợ công năm 2017 sẽ lên đến 64,8% GDP. Tính đến thời điểm hiện tại, nợ công Việt Nam đang là 94,85 tỷ USD, nợ bình quân là 1.039 USD/người. Quy ra tiền Việt, mỗi người dân Việt Nam đang cõng trên lưng gần 23 triệu đồng tiền nợ.

Nhưng nợ lại gắn với nhập siêu cao, trong lúc Việt Nam là một trong những quốc gia đang ở mức thu nhập trung bình thấp, và dân thì có thói quen xài sang. Từ điện thoại sang nhất đến siêu xe, hễ thế giới có là Việt Nam khắc có. “Chán đời” là điều này không phản ánh sự giàu có hay phồn vinh của cả một đất nước mà nó bắt nguồn từ tâm lý tiểu nông, “có nghèo cũng vay mượn cho thằng Tèo” bằng bạn bằng bè! Và rồi sự “sang chảnh” giả tạo được tạo ra từ những đống nợ nần, thậm chí nợ xấu, nợ tiền kiếp, nợ đời này bắt đời sau phải trả. Nợ nhiệm kỳ này… để nhiệm kỳ sau phải trả!

Nợ nần, xài sang là một nhẽ, nhưng bi kịch hơn là sự lãng phí tiền bạc của dân vào bao nhiêu dự án treo, bao nhiêu công trình xây xong bỏ phí, bao nhiêu dự án đầu tư mới đi vào hoạt động đã xuống cấp nghiêm trọng. Sự đầu tư dàn trải bị lũng đoạn, thiếu năng lực, thiếu tầm nhìn… đã làm cho đất nước nợ đầm đìa, dân tình đã nghèo lại cõng trên lưng cả đống nợ nần vì những dự án trên giấy được vẽ ra rất hoành tráng từ các khoản tiền chủ yếu đi mượn.

Để minh chứng cho sự lãng phí này không hề khó khăn khi đi lấy dẫn chứng. Nó nhiều đến mức gần như địa phương nào cũng có. Hay đơn giản nhất, chỉ cần vào google gõ từ khóa “dự án bỏ hoang”, chỉ trong khoảng 0,57 giây đã cho ra 49.900 kết quả. Trong đó có rất nhiều “dự án nghìn tỷ” mà Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có kết luận.

Nếu theo tư duy thông thường nhất, đã nghèo thì phải tiết kiệm, đã nghèo thì phải chắt bóp. Khi cùng cực lắm thì phải đi vay, đã vay thì phải trả. Muốn trả thì lại phải tiết kiệm và tích cóp và có kế hoạch chi tiêu hợp lý. 

Vậy nhưng ở ta dường như cái tư duy đơn giản này lại có chiều hướng được thực hiện ngược lại. Ấy là: Nghèo vẫn xài sang, không có thì đi vay để xài cho sướng. Vay xong thì phung phí và lãng phí. Cuối cùng là…nợ lại chồng lên nợ. Chưa cấn đến tư duy kinh tế vĩ mô của các nhà kinh tế học, một người dân có tư duy bình thường nhất cũng nhận ra rõ điều này. 

Một dự án hai năm đội vốn 10.000 tỷ chỉ là một ví dụ. Sức dân có hạn, sao có thể còng lưng trả nợ những món chi do “vung tay quá trán” mà họ không hề mong đợi? Cứ vậy, bao giờ đất nước mới thực sự hết nghèo? Bao giờ mới hết những nỗi ám ảnh nợ nần?.

Đọc thêm