Điện thoại “dẫn đường”
Từ ý tưởng trên, ứng dụng Lookout ra đời, với tính năng nhận dạng hình ảnh và trí tuệ nhân tạo để mô tả một hiện trường thông qua chiếc camera của điện thoại.
Ứng dụng đang thử nghiệm, sẽ được phát hành vào cuối năm nay, bắt đầu từ các thiết bị Pixel.
Cụ thể, nếu bạn đi vào hành lang của một tòa nhà và đang đeo trên cổ hoặc cầm trên tay chiếc điện thoại có hệ điều hành Android, đồng thời cài đặt ứng dụng Lookout. Lúc này, hãy bật ứng dụng này lên và hướng chiếc điện thoại ra ngoài, Lookout sẽ cung cấp các tín hiệu thính giác, giúp người khiếm thị phát hiện người và các vật thể chẳng hạn như thang máy, nhà vệ sinh, phòng ăn… thậm chí có thể đọc phần văn bản ở các bảng thông báo nơi công cộng.
Lookout sử dụng camera sau của điện thoại thông minh xác định các mục tiêu phía trước hoặc xung quanh, sau đó đưa ra thông tin bằng tín hiệu âm thanh. Đặc biệt, ứng dụng hoạt động không cần kết nối mạng Internet.
Lookout có 4 chế độ khác nhau trợ giúp cho người khiếm thị. Đầu tiên thường được sử dụng ở các địa điểm công cộng như văn phòng, khu mua sắm, nhà hàng… Chế độ thứ hai giúp người khiếm thị thực hiện các công việc trong nhà như nấu một bữa ăn, quét nhà, giặt đồ, lên cầu thang…
|
Ứng dụng điện thoại trợ giúp người khiếm thị. |
Thứ ba là chức năng chụp ảnh nhanh một văn bản và đọc to thành tiếng giúp người khiếm thị. Sau cùng là chế độ đang thử nghiệm các tính năng khác trợ giúp người khiếm thị trong tương lai.
Google cho biết Lookout được thiết kế để giúp người dùng tương tác với những gì đang diễn ra mà không cần phải đưa ra quá nhiều thông tin. Đơn giản ứng dụng này chỉ cần mô tả các mục tiêu quan trọng nhất, cần thiết nhất cho người dùng. Nếu muốn ngăn chặn ứng dụng này tường thuật mọi thứ xung quanh, người dùng chỉ cần đặt một tay lên máy ảnh hoặc chạm vào nó một cái để tạm dừng.
Ứng dụng Lookout sử dụng các công nghệ tương tự như Google Lens, một công cụ tìm kiếm trực quan. Đồng thời nó cũng kết hợp học máy (machine learning), nhận dạng hình ảnh và một số mô hình học máy khác nhau.
“Những gì người mù cần là tiếp cận thông tin. Đã có rất nhiều lần các nhà nghiên cứu khoa học phát triển các thiết bị và làm cho người khiếm thị “nhìn thấy” được, nhưng thực sự vấn đề mấu chốt là nằm ở việc lấy thông tin thị giác và dịch nó thành thông tin không trực quan”, Erin Lauridsen-Giám đốc công nghệ truy cập tại LightHouse ở San Francisco, Mỹ nói.
Google không phải là nơi đầu tiên sử dụng trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh để giúp người khiếm thị. Microsoft có một ứng dụng tương tự cho iOS gọi là Seeing AI. Seeing AI có thể đọc văn bản in hoặc viết tay, mô tả màu sắc và nhận biết mệnh giá tiền tệ.
Không giống như Google Lookout, Seeing AI có một thành phần nhận dạng khuôn mặt. Sau khi hướng điện thoại vào một người, Seeing AI mô tả mục tiêu và cho biết mục tiêu đang ở cách bao xa. Nếu bạn đã “dạy” ứng dụng này nhận dạng khuôn mặt, nó sẽ cho bạn biết tên của người đó. Google cho biết, họ có thể thêm nhận diện khuôn mặt vào Lookout trong tương lai.
Công nghệ dựa trên ứng dụng dành cho người khiếm thị không chỉ giới hạn ở các công ty lớn. Mới đây, một học sinh trung học 18 tuổi tại một chương trình hè của MIT đã tạo ra ứng dụng VocalEyes AI có thể mô tả cảm xúc hoặc tuổi tác của một người dựa trên khuôn mặt của họ.
Ngoài ra còn có nhiều ứng dụng truyền thống vẫn sử dụng con người thay vì AI. Ví dụ, một loại kính thông minh đã được Aira phát triển để giúp người khiếm thị có cuộc sống dễ dàng hơn.
Cụ thể, khi người khiếm thị sử dụng cặp kính thông minh hoặc máy ảnh điện thoại, hệ thống cho phép hỗ trợ viên của Aira nhìn thấy những gì đang diễn ra trong thế giới thực và thông báo cho khiếm thị về tình huống hiện tại của họ. Thiết bị này rất hữu hiệu trong các hoạt động từ mua sắm, gọi Uber hay đi du lịch …giúp người khiếm thị tiếp cận một cách dễ hơn với thế giới xung quanh.
Trong khi đó, ứng dụng “Be My Eyes” dựa vào các tình nguyện viên để kiểm tra những gì xung quanh bạn thông qua một cuộc trò chuyện video trực tiếp…
Mới đây công ty Anh Deep Mind (thuộc Google) và Cơ quan dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) đang tiến hành nghiên cứu việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán các bệnh về mắt mà không cần đến bác sĩ.
|
Ứng dụng điện thoại trợ giúp người khiếm thị. |
Đặc biệt, các nhà nghiên cứu Bệnh viện Moorfields đang sử dụng các thuật toán của Deep Mind để xử lý một triệu hình ảnh chụp cắt lớp mắt nặc danh, để hiểu xem liệu các thuật toán có thể phát hiện được các dấu hiệu sớm của chứng thoái điểm vàng do tuổi tác và chứng suy giảm thị lực liên quan đến bệnh tiểu đường hay không.
Nhà sáng chế khiếm thị
Công nghệ sử dụng để trợ giúp người khiếm thị không phải bây giờ mới có. Bà Chieko Asakawa đến từ Nhật Bản, dù đã bị mù vào năm 14 tuổi trong một lần gặp nạn khi đi bơi, nhưng điều đó không hề ảnh hưởng gì đến ý chí và nỗ lực trở thành mộ nhà sáng chế, dồn tâm huyết tìm ra các công nghệ giúp người mù tiếp cận thế giới.
Bà Chieko Asakawa nhớ vào thời điểm đó chưa có máy tính cá nhân, Internet hay điện thoại thông minh. Bà phải nhờ hai anh trai đọc sách giáo khoa cho nghe và tự tạo ra các cuốn sách cho mình bằng chữ nổi Braille.
Bà nhận ra các anh trai mình không thích thú gì với việc đọc sách cho mình và bà không trách họ nên tìm cách thoát khỏi sự lệ thuộc vào người khác. Điều đó trở thành khao khát cháy bỏng trong bà, thôi thúc bà sáng tạo.
Bà bắt đầu phát triển các công nghệ làm sách kỹ thuật số như công cụ biên tập chữ Braille, từ điển chữ Braille và mạng lưới thư viện Braille. Từ đó bà rất muốn giúp những người mù cũng được tiếp cận Internet và nghĩ tới việc tìm ra cách để các nội dung website được đọc lên, giúp đơn giản hóa đáng kể giao diện người dùng.
|
Ý tưởng này đưa bà đến việc phát triển trình duyệt web Home Page Reader vào năm 1997, trước tiên bằng tiếng Nhật, sau đó được dịch sang 11 ngôn ngữ khác, giúp người mù truy cập Internet theo cách nghe nói trên. Bà nhớ mãi lời chia sẻ từ một trong những người mù đã dùng ứng dụng của bà: “Với tôi, Internet là một cửa sổ nhỏ mở ra thế giới”.
Bà Chieko Asakawa hiểu đó thật sự là một khoảnh khắc đột phá với người mù. Thế giới ảo trở nên dễ tiếp cận hơn và số người sử dụng công nghệ do bà tạo ra đã vượt mọi hình dung trước đó. Nó không chỉ giúp những người bị mù mà còn giúp các tài xế nghe email trong lúc lái xe, giúp người nội trợ nghe công thức nấu ăn khi đang trổ tài bếp núc...
Bà Chieko Asakawa cho biết mục tiêu của bà là có thể tự do đi lại và làm mọi việc giống như người bình thường. Đó chính là những nội dung trong dự án nghiên cứu ứng dụng trên điện thoại thông minh bà đang tham gia phát triển.
Ứng dụng đó với khả năng phân tích các tín hiệu và những thiết bị cảm ứng sẽ giúp người mù tự mình đi lại trong nhà cũng như ngoài đường, thậm chí còn nói cho người mù biết ai đang đi tới, tâm trạng họ ra sao để người mù có thể giao tiếp thoải mái, phù hợp nhất.
Bà tin tưởng trong tương lai với sự hỗ trợ của phần mềm này, người mù sẽ được bổ trợ những khiếm khuyết hay những điểm yếu của bản thân mình. Bản thân bà có thể tận hưởng thú vui đi mua sắm, tìm kiếm nhà hàng có món ăn ngon trong lúc tản bộ trên phố. Tuyệt vời hơn nữa là bà có thể “nhìn” thấy một người thân trước khi họ trông thấy bà.
Năm 2013, bà Chieko Asakawa tiếp tục được Chính phủ Nhật Bản trao tặng Huân chương danh dự vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực công nghệ hỗ trợ người mù.