Tuy vụ kiện diễn ra hơn 14 năm, nhưng cho đến nay dư âm và những vấn đề được đề cập vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Quyết tâm theo kiện
Ngày 26/3/2002, bà Deadria Farmer-Paellmann, 36 tuổi, một nhà hoạt động da đen cùng một số người Mỹ da đen khác thuộc dòng dõi những người nô lệ đã nộp đơn kiện 3 công ty hàng đầu của Mỹ là Aetna Inc., CSX Corp. và Fleet Boston Financial Corp. lên toà án liên bang Brooklyn ở thành phố Newyork, Mỹ. Ngay sau khi biết chuyện, giới luật gia tuyên bố, đây là vụ kiện đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ về vấn đề này.
Tại buổi họp báo, bà Deadria Farmer-Paellmann tuyên bố, sẽ theo vụ kiện này đến cùng bởi nhận trọng trách lớn từ những người nô lệ châu Phi trước đây và con cháu ngày nay của họ, do đó phải đấu tranh để đòi quyền lợi.
Cũng tại cuộc họp báo, bà Deadria Farmer-Paellmann cho biết, sẽ tiếp tục đưa 12 công ty lớn của Mỹ ra trước vành móng ngựa và hy vọng các công ty này sẽ dũng cảm thừa nhận những việc làm sai trái trước đây của các bậc tiền bối.
Theo giới truyền thông, 12 công ty kể trên thuộc các lĩnh vực công nghiệp, chế tạo, ngân hàng... Tuy nhiên, họ có thể lựa chọn một trong hai cách: hoặc hòa giải hoặc ra tòa.
Trong đơn kiện dài 21 trang của mình, bà Deadria Farmer-Paellmann nhấn mạnh, định nghĩa về nô lệ là tước bỏ một cách bất lương, vô nhân đạo đối với sinh mạng, tự do, di sản văn hóa của người châu Phi; tiếp đến là tước bỏ thành quả lao động của họ.
Trong thời gian từ năm 1619 đến năm 1865 có hơn 8 triệu người châu Phi cùng con cháu của họ đã bị bán sang Mỹ làm nô lệ. Những người này buộc phải lao động cực nhọc tại các nông trường trồng thuốc lá, trồng bông, trồng mía; nhiều công ty của Mỹ đã thông qua việc bóc lột sức lao động thậm tệ, ngược đãi, thậm chí bỏ đói nô lệ để làm giàu nhanh chóng...
Để có tư liệu viết đơn kiện, bà Deadria Farmer-Paellmann, người đã lấy bằng luật đã phải bỏ ra mấy năm trời để nghiên cứu lịch sử buôn bán nô lệ tại Mỹ nói riêng và thế giới nói chung. Hơn 16 năm trước (tháng 3/2000), bà Deadria Farmer-Paellmann đã buộc Aetna Inc. phải công khai xin lỗi những người da đen từng bị Aetna Inc. đối xử bất công.
Nhưng thượng tuần tháng 3/2002, Aetna Inc. tuyên bố, công ty phải suy nghĩ việc công khai xin lỗi những việc mà cách đây hơn 150 năm công ty này đã làm đối với những người nô lệ; sau đó đưa ra phương án khả thi để bồi thường cho số thân nhân của những nô lệ kể trên.
Aetna Inc. còn cho biết, hơn 20 năm qua, họ đã đầu tư 36 triệu USD để xây dựng khu nhà ở cho người da đen và từ đó tên tuổi của bà Deadria Farmer-Paellmann nổi như cồn.
Bà Deadria Farmer-Paellmann |
Quá khứ bi ai
Hơn 100 năm trước, những nô lệ da đen châu Phi đã bị bán, đưa tới Mỹ và họ buộc phải dùng máu, nước mắt và sinh mạng của mình để tạo nên những cơ sở vật chất ngày hôm nay cho nước Mỹ. Và hơn 100 năm sau, con cháu của những nô lệ kể trên đã đâm đơn kiện, đòi lại sự công bằng cho cha ông họ.
Ngay sau khi vụ kiện được đăng tải, giới luật gia bình luận, nếu vụ kiện thành công sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hàng trăm cơ cấu thương nghiệp trên thế giới. Trong đó đáng quan tâm nhất là tập đoàn truyền thông Courant bởi trước năm 1823 họ vẫn cho đăng những quảng cáo mua bán nô lệ. Nhiều luật sư Mỹ cũng đã kiện thành công cho những người sống sót qua 2 cuộc đại chiến thế giới và họ được nhận khoản tiền bồi thường theo yêu cầu.
Chính những thành công kể trên đã tập hợp được một đoàn luật sư đứng ra đấu tranh cho quyền lợi của số con cháu những người nô lệ xấu số. Theo tiết lộ của một thành viên trong đoàn luật sư cho biết, việc khởi kiện Aetna Inc., CSX Corp. và Fleet Boston Financial Corp. chỉ là bước khởi đầu của một loạt vụ kiện tiếp theo. Và danh sách công ty bị kiện đã lên tới con số 100.
Ngay sau khi biết tin, Aetna Inc., công ty bảo hiểm y tế lớn nhất nước Mỹ khi đó đã thừa nhận việc cung cấp chế độ bảo hiểm nhân thọ cho các nô lệ, nhưng người hưởng lại là các chủ nô. Trong khi Aetna Inc. có cử chỉ khá thân thiện kể trên thì người phát ngôn CSX Corp. lại tuyên bố, CSX Corp. ngày hôm nay không phải là CSX Corp.
Cách đây hơn 100 năm, bởi hơn 100 năm trước, CSX Corp. đã dùng nô lệ để xây dựng nên tuyến đường sắt và điều này được luật pháp khi đó thừa nhận. Còn CSX Corp. ngày hôm nay mới được thành lập từ năm 1980, do đó đơn kiện không có giá trị bởi không có cơ sở pháp lý. Riêng Fleet Boston Financial Corp. từ chối bình luận xung quanh vụ kiện này. Fleet Boston Financial Corp. mà tiền thân là ngân hàng Province được sáng lập bởi John Brown, một lái buôn nô lệ khét tiếng ở Rhode Island trước đây.
Theo giới truyền thông, sau khi Fleet Boston Financial Corp. được thành lập, John Brown vẫn tiếp tục công việc buôn bán nô lệ và số tài sản khổng lồ của Fleet Boston Financial Corp. được xây đắp bằng xương máu của không biết bao nhiêu nô lệ da đen.
Được biết, mặc dù đều là những công ty hàng đầu của Mỹ, nhưng cả ba công ty kể trên đều áp dụng đối sách “đổ lỗi cho lịch sử” - Nô lệ da đen là một trang đen tối trong lịch sử nước Mỹ, và vấn đề này đã tồn tại quá lâu, hơn nữa cách hiện tại quá xa nên tòa án ngày nay không có căn cứ để xử. Được biết, cả ba công ty kể trên đều được hưởng lợi với mức độ khác nhau nhờ chế độ nô lệ.
Đoàn luật sư hùng hậu
Giới truyền thông cho biết, tuy trong đơn kiện, bà Deadria Farmer-Paellmann không hề đề cập tới khoản tiền mà ba công ty kể trên phải trả, nhưng theo các chuyên gia thì số tiền này khoảng 1.400 tỷ USD, và đó là một con số khổng lồ.
Người thắc mắc về khoản tiền này - căn cứ vào đâu mà người ta lại đưa ra con số kể trên, và điều này vừa dễ hiểu vừa đơn giản bởi người ta dựa vào GDP trong năm 2001 của nước Mỹ để tính: 12.500 tỷ USD!
Giới truyền thông cho biết, thành viên trong đoàn luật sư của bà Deadria Farmer-Paellmann đều là những luật sư có danh tiếng ở Mỹ. Điều đặc biệt của đoàn luật sư này là đa số họ đều là hậu duệ của những người nô lệ da đen, da trắng đến từ châu Phi, châu Âu.
Mặc dù tổ tiên họ không giống nhau, nhưng lại giống nhau 2 điểm căn bản. Thứ nhất, thề đòi lại quyền lợi và công bằng mà tổ tiên đã bị bóc lột. Thứ hai, đều là thành viên của câu lạc bộ “trăm triệu USD” ở Mỹ - tư cách của thành viên “trăm triệu USD” là đã kiện thành công ít nhất 1 vụ trị giá trên 100 triệu USD.
Đáng chú ý nhất trong số thành viên của đoàn luật sư là ông Fegan. Tháng 7/2000, ông Fegan đã lập một kỳ tích trong giới luật gia thế giới và thành công của luật sư này được coi là kinh điển - không những buộc ngân hàng Thuỵ Sỹ và một số công ty Đức phải bồi thường một khoản tiền lớn cho những nạn nhân còn sống sót trong thế chiến thứ II và thân nhân của họ, mà còn yêu cầu lập “quỹ kỷ niệm, trách nhiệm và tương lai” tại Berlin, Đức.
Quỹ này có nhiệm vụ bồi thường cho khoảng 1 triệu người Do thái và không phải Do thái còn sống sót trong thế chiến thứ II. Theo ước tính của giới chuyên môn, quỹ này đã thu được 4,5 tỷ USD và nhiều vấn đề được giải quyết kể từ đó đến nay.
Một bài báo về vụ việc |
Tuy nhiên, sau nhiều phiên khai đình xét xử, vụ kiện do bà Deadria Farmer-Paellmann khởi xướng chỉ thu được thành tích khá khiêm tốn, bởi các khổ chủ cũng thuê nhiều luật sư giỏi để lách luật./.