Những điều khác về phái đẹp thời nay

0:00 / 0:00
0:00
(PlVN) - Phụ nữ ngày nay có thể chinh phục những “giấc mơ” của đàn ông. Dù bình thường hay nổi tiếng, rất nhiều người đã vượt qua những nỗi đau, những giới hạn để chạm tới bản ngã của chính mình…
Những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Internet).
Những cô gái vàng của bóng đá Việt Nam. (Ảnh: Internet).

Phụ nữ không còn là… “phái yếu”

Không phải ngẫu nhiên mà “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm 2023” được Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đưa ra với chủ đề “Phụ nữ với sở hữu trí tuệ - Thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Cũng như, theo một thống kê của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) của Mỹ, Việt Nam là quốc gia có tỉ lệ CEO là nữ giới cao nhất khu vực ASEAN với 25% (trong khi Mỹ, Úc tỉ lệ này khoảng 7,8%, Singapore 10%). Các chuyên gia đã chỉ ra 6 phẩm chất như sau: Có trí tuệ và tư duy; Có sở thích riêng và công việc yêu thích; Biết yêu thương và chăm sóc bản thân; Biết cách ăn mặc lịch lãm; Tử tế và thích giúp đỡ người khác; Tự chủ độc lập về tài chính và cuộc sống, không sống phụ thuộc vào bất kỳ ai.

Trong những phẩm chất ấy, có thể “Biết yêu thương và chăm sóc bản thân” đã và đang gây ra sự tranh cãi bởi ít nhiều mâu thuẫn với quan niệm phụ nữ truyền thống là nhẫn nhịn hy sinh vì người khác. Nhưng có ý kiến lại cho rằng, quan tâm bản thân cũng là một sự công bằng, nhằm giải phóng phụ nữ khỏi những trói buộc, tạo nên sự bình đẳng giới.

Nếu chưa thật sự thấu hiểu về con đường đến với thành công của các nữ cầu thủ trên hành trình đến với WourldCup 2023, bạn hãy tìm hiểu câu chuyện về đôi vai mang 6 con vít của tiền vệ Trần Thị Thùy Trang. Với Thùy Trang, những chiếc đinh vít không chỉ là dấu tích chấn thương của đời cầu thủ mà còn là lời hứa với lòng mình, là tình cảm của cô em gái với người anh trai, người thầy đầu tiên đã mất. Thùy Trang đã đi một chặng đường dài để đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của phái đẹp bằng cả ước mơ cháy bỏng như thế.

Khi mà cầu thủ nữ nhận mức lương thấp hơn nhiều lần các đồng nghiệp nam, có thể phải gác lại hạnh phúc được làm vợ, làm mẹ để thực hiện được ước mơ của mình. Ước mơ ấy không chỉ làm rạng rỡ bản thân họ mà khiến người ta phải nhìn nhận lại vị thế của nữ giới trong cuộc sống hôm nay.

Tiền đạo Huỳnh Như từng phát biểu: “Mỗi bước chân, Như tự nói với mình phải mạnh mẽ hơn, phải luôn đặt ước mơ, mục tiêu cho mình. Như luôn tự nói với bản thân là đừng từ bỏ ước mơ. Thực tế có thế nào thì mình cũng phải giữ ước mơ đó ở nơi ấm áp nhất trái tim. Có thể không trở thành hiện thực nhưng sẽ mang cho mình niềm vui và hạnh phúc, và chắc chắn sẽ giúp mình trở thành phiên bản hoàn hảo của chính mình”. Mỗi bước chân, mỗi bước chạy là một ước mơ, chính câu nói của ngôi sao bóng đá nữ Việt Nam đã trả lời cho tất cả những thắc mắc của chúng ta về sự hy sinh của họ.

Với những người luôn cháy hết mình, luôn thể hiện khát vọng, hướng đến mục tiêu. Đó chính là những phẩm chất mà họ dành cho chính bản thân mình chứ không cần phô diễn và chờ đợi sự bình phẩm từ phía công chúng. Với người mang khát vọng cống hiến, sự hi sinh là một niềm hạnh phúc tự thân.

Có thể nói, với người phụ nữ, ngoài tình yêu với người yêu, người bạn đời, với công việc, còn có một tình yêu dành cho chính bản thân mình. Một sự “ích kỉ” đặc quyền khi họ cho phép mình được mạo hiểm, được thiệt thòi để tạo ra một giá trị cao đẹp. Bên cạnh những thành công về sự nghiệp, tài chính, phụ nữ ngày càng biết cân bằng cuộc sống và dành thời gian chăm sóc cho bản thân. Sau những ngày làm việc dài họ tự thưởng cho mình những chuyến du lịch hay chỉ đơn giản là mua những gì mình thích và học thêm bộ môn thể thao mình yêu. Dù bằng cách nào, họ cũng chủ động chọn cách sống tận hưởng để mỗi ngày trôi qua đều có ý nghĩa.

Và những “gia đình một người”

Ngày nay, độc thân hay ly hôn không còn phải chịu những cái nhìn tội nghiệp hay những lời đàm tiếu của xã hội như trước kia! Những gia đình “một người” đang khá phổ biến ở các đô thị lớn…

Theo GS. TS Huỳnh Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam, việc ngại yêu, ngại kết hôn của giới trẻ xuất phát từ định hướng giá trị bản thân.

Theo đó, GS.TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ, tại một cuộc tọa đàm với 351 bạn trẻ cho thấy tỷ lệ phân vân và không muốn kết hôn đã lên đến 18%; tỷ lệ giới trẻ không muốn yêu hoặc ngại có thêm mối quan hệ nữa gần 10%... Ông Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh. Một thế hệ trẻ lười yêu, nghe có vẻ hài hước nhưng là sự thật! Họ không lười vận động, làm việc mà là lười yêu...

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Hồng Mai (Đại học Văn hóa Hà Nội) từng chia sẻ rằng, bên cạnh những chuẩn mực truyền thống, ngày nay càng xuất hiện nhiều giá trị thay thế cho vài giá trị vĩnh viễn như hôn nhân. Giới trẻ có nhiều sự lựa chọn để giao tiếp, mở ra thế giới mới, đặc biệt là khái niệm cá thể hóa cũng như giá trị cá nhân: internet, ngoại ngữ, công nghệ…

Mới đây, TS Tống Thùy Linh Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) trong nghiên cứu của mình cũng đã công bố, tỷ lệ “gia đình một người” ở thành thị có xu hướng cao hơn khu vực nông thôn và tốc độ gia tăng đạt khoảng 3% trong 10 năm qua. Sự tăng trưởng loại hình gia đình như trên chủ yếu xuất phát từ sự thay đổi trong xu hướng kết hôn, lựa chọn lối sống độc thân và sự gia tăng người cao tuổi sống đơn thân.

Vậy phụ nữ sống độc thân có hạnh phúc không? Theo các chuyên gia tâm lý học, có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi ấy. Quan trọng nhất, phụ nữ thích sống một mình bởi vì họ đủ khả năng. Trong nửa thế kỷ qua, phụ nữ gia tăng đáng kinh ngạc trong thị trường lao động và được trả lương đủ để họ sống vui vẻ, tận hưởng nhiều thứ chưa từng có mà không cần phải phụ thuộc vào người đàn ông, cho dù có hay không có bạn đời.

Đối với phụ nữ đã đổ vỡ hôn nhân thì chắc chắn họ đã đi qua đủ những mặn ngọt, cay đắng của cuộc sống hôn nhân. Bởi chẳng có ai đang hạnh phúc lại ly hôn cả. Và ly hôn rồi thì phụ nữ thường lựa chọn cuộc sống độc thân và tự tìm cho mình những niềm vui bằng cái nhìn lạc quan. Họ biết đủ, biết buông và không để cho người khác chi phối cảm xúc của mình!

Nhiều người lý giải, một cuộc sống có chất lượng là cuộc sống an toàn, có nhiều niềm vui, con người cảm thấy thoải mái, hạnh phúc thay vì cô đơn trong một cuộc hôn nhân nào đó, khi tình yêu đã rời đi… Nhiều bạn trẻ cho rằng, phụ nữ trẻ ngày nay có thể sống tốt nếu có năng lực tài chính cá nhân. Họ có nhiều cơ hội học hành và việc làm hơn, điều đó giúp nữ giới có nhiều lựa chọn tương lai, không phải áp lực phải là một người vợ hay người mẹ mới xác định giá trị của mình trong xã hội. Các cô gái thông minh cũng biết rõ rằng độc thân sẽ tốt hơn và thoải mái hơn là ở bên cạnh một người “không thực sự thuộc về họ”.

Cai Lâm là một nhà văn, nhà báo, người dẫn chương trình nổi tiếng ở Hồng Kông (Trung Quốc). Ở tuổi 81, ông thường có những buổi giao lưu, chia sẻ trong lĩnh vực tâm lý học với mọi người. Đặc biệt, ông có những quan điểm rất riêng về phụ nữ.

Không ít người cho rằng với người phụ nữ, cuộc hôn nhân bất hạnh là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời. Nhưng với Cai Lâm, ông lại cho rằng, cuộc hôn nhân không hạnh phúc hay tình trạng khó khăn tài chính chưa phải là nỗi buồn lớn nhất đối với phụ nữ.

Trong cuốn sách “Mong em trở thành người phụ nữ tốt nhất”, Cai Lâm đã nhắc đến người phụ nữ lý tưởng trong tâm trí ông: “Người phụ nữ tôi thích là người luôn nỗ lực tiến bộ từng ngày. Điều đáng yêu nhất ở cô ấy sẽ là sự chân thật, tự do, độc lập, nhã nhặn, nhân hậu, lí trí và vui vẻ”.

Để trở thành một người phụ nữ xinh đẹp không khó. Còn sự tự tin, lòng bao dung, biết từ bỏ, sự chăm chỉ, tính nhẫn nại cần một quá trình học tập. Theo Cai Lâm, nhiều phẩm chất tốt đẹp không phải là bẩm sinh mà là quá trình học hỏi. Đánh giá một người phụ nữ cũng cần nhìn vào tinh thần cầu tiến của cô ấy. Chỉ cần một người phụ nữ nỗ lực tiến bộ, cô ấy có thể tiếp tục học hỏi và trở nên tốt hơn. Điều đáng sợ nhất của phụ nữ là sự trì trệ.

Dù còn độc thân hay đã kết hôn, dù đã có công việc hay ở nhà nội trợ, người phụ nữ không bao giờ được ngừng học hỏi để tiến bộ. Những kiến thức, kỹ năng đó sẽ giúp họ liên tục cập nhật bản thân, không ngại khó khăn, thách thức, luôn tự tin. Và họ sẽ không bị mắc kẹt trong cuộc sống mà mình không mong muốn.

Năm 2011, đạo diễn Nhật Bản Ryo Takeuchi gặp một cô gái Tây Tạng 17 tuổi khi đang quay bộ phim tài liệu ở vùng núi hẻo lánh. Cô gái đó mà Tsim, dắt con cừu và chờ khách du lịch tới chụp ảnh, mỗi bức ảnh có giá 5 NDT. Tsim tò mò, làm quen và trò chuyện với đạo diễn. Qua lời đạo diễn, cô nhận ra thế giới ngoài kia vô cùng xinh đẹp, có tòa nhà cao gần 100 tầng, có máy bay, có các trung tâm thương mại sầm uất,… Càng nghe, cô càng háo hức và muốn rời làng quê để lập nghiệp. Cô chọn Thượng Hải là nơi dừng chân. Kể từ giây phút đó, cuộc sống của Tsim thay đổi hoàn toàn. Nhờ sự chăm chỉ, chịu khó học hỏi đã giúp cô có một công việc tốt.

Trở về, cô đã viết thư cảm ơn gửi tới đạo diễn đã Ryo Takeuchi, cô cũng bày tỏ dự định thời gian tới sẽ mở một nhà hàng. 10 năm sau, vị đạo diễn gặp lại Tsim và rất bất ngờ khi ước mơ của cô đã thành hiện thực.

Cai Lâm bày tỏ: “Chân trời của tôi được mở rộng, tôi được tiếp xúc với rất nhiều những người thông minh. Lúc đó, tôi mới hiểu được khiêm tốn là gì. Khí chất của tôi cũng được nâng lên một tầm cao mới”...