Những đối tượng nào được miễn giảm học phí ở TP HCM?

(PLVN) -  Sở GD-ĐT TP HCM vừa ban hành nhiều chính sách hỗ trợ học sinh và giáo viên mầm non năm học 2021-2022.
Ảnh minh hoạ

Sở GD-ĐT TP HCM mới có văn bản khẩn gửi UBND TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cùng hiệu trưởng các trường THPT và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn thực hiện chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và tiền đóng học phí cho học sinh, sinh viên từ năm học 2021-2022.

Theo đó, năm học 2021-2022, có 2 đối tượng không phải đóng học phí gồm học sinh trường tiểu học công lập và người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.

Ngoài ra, đối tượng được miễn học phí gồm các đối tượng được quy định tại Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP (ngày 27/8/2021) của Chính phủ; học sinh, học viên, sinh viên thuộc hộ nghèo hoặc người dân tộc thuộc hộ cận nghèo đang theo học tại các cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên.

Có 3 mức giảm, gồm giảm 70% học phí, 50% học phí và miễn, giảm tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

Trong đó, các đối tượng được giảm 70% học phí gồm: học sinh, sinh viên các ngành nghệ thuật truyền thống và đặc thù trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập, tư thục có đào tạo về văn hóa - nghệ thuật; học sinh, sinh viên học các chuyên ngành nhã nhạc cung đình, chèo, tuồng, cải lương, múa, xiếc, các ngành học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo danh mục của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; học sinh mẫu giáo và học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số ở khu vực đặc biệt khó khăn.

Đặc biệt, trong năm học 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, TPHCM thực hiện chính sách hỗ trợ học phí đối với học sinh tất cả bậc học.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục và đào tạo cũng thực hiện các chế độ hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh theo các mức sau: hỗ trợ 150.000 đồng/học sinh mỗi tháng để mua sách vở và đồ dùng học tập cho tất cả học sinh mồ côi cả cha lẫn mẹ, học sinh khuyết tật, học sinh thuộc hộ nghèo hoặc đang cư trú tại khu vực đặc biệt khó khăn, miền núi, hải đảo.

Đặc biệt, ngành hỗ trợ 60% lương cơ sở và không quá 10 tháng/năm học/người học cho sinh viên là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo giai đoạn 2021-2025 thi đỗ vào đại học, cao đẳng hệ chính quy tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, học viện.

Kinh phí hỗ trợ chi phí học tập được cấp không quá 9 tháng/năm học và chi trả 2 lần vào tháng 10 (hoặc tháng 11) và tháng 3 (hoặc tháng 4) trong năm học.

Thời gian học lưu ban, học lại, bị kỷ luật ngừng học tập, học bổ sung sẽ không được tính để chi trả tiền cấp bù miễn, giảm học phí.

Đối với riêng bậc mầm non, từ năm học 2021-2022, cơ sở giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ trang bị hoặc sửa chữa cơ sở vật chất 1 lần. Mức hỗ trợ dao động từ 20.000.000 - 50.000.000 đồng tùy vào số lượng trẻ.

Học sinh mầm non đang theo học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng là công nhân, người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng. Thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế nhưng không quá 9 tháng/năm học.

Giáo viên mầm non đang làm việc tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp cũng được hỗ trợ tối thiểu 800.000 đồng/tháng. Số lượng giáo viên trong cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục được hưởng hỗ trợ tính theo định mức quy định đối với các cơ sở giáo dục mầm non công lập hiện hành. Thời gian hưởng hỗ trợ tính theo số tháng dạy thực tế trong năm học.

Đọc thêm