Những động thái bất thường xung quanh vụ hủy kết quả đấu giá đất tại Đà Nẵng

(PLO) - Báo cáo kiểu “một nửa sự thật” về vụ việc với Thủ tướng Chính phủ; thực hiện hủy kết quả đấu giá và sau đó không để cho doanh nghiệp có thời gian khiếu nại, Đà Nẵng tuyên bố sẽ bán đấu giá lại lô đất vừa hủy kết quả đấu giá. Những động thái này cho thấy, Đà Nẵng quyết tâm lấy lô đất khỏi tay Vipico và việc doanh nghiệp này khiếu nại cũng là thừa, còn việc cấp trên chỉ đạo khác đi thì cũng là… quá muộn.
Lô đất A20 Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà, Đà Nẵng
Lô đất A20 Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà, Đà Nẵng

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, liên quan đến việc hủy kết quả đấu giá lô đất A20 đường Võ Văn Kiệt, quận Sơn Trà, Thủ tướng đã có ý kiến yêu cầu TP Đà Nẵng xem xét kiến nghị của Công ty Vipico và báo cáo Thủ tướng. Ngày 1/11/2018, UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo số 8444 gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về sự việc này.

Trong báo cáo này, UBND TP Đà Nẵng đã nêu đầy đủ quá trình đấu giá, trúng đấu giá, nộp tiền đấu giá và lý do tại sao Đà Nẵng lại muốn hủy kết quả đấu giá đất cho dù Công ty Vipico đã nộp đủ tiền đấu giá và tiền chậm nộp (hơn 653 tỷ đồng).

Có điều, trong báo cáo này, UBND TP Đà Nẵng tuyệt nhiên không đề cập đến ý kiến của các Bộ, ngành về vụ việc hủy đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có ý kiến của Tổng Cục quản lý đất đai và ý kiến của Bộ Tài chính. Các Bộ, ngành đều cho rằng, không có cơ sở pháp lý để hủy kết quả đấu giá, song ý kiến này đã không hiện diện trong báo cáo mà UBND TP Đà Nẵng gửi Thủ tướng.

Ngoài ra, ý kiến của các Sở Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính về sự việc cũng không được nêu ra. Xin được nhắc lại, ý kiến của các Bộ, ngành đều cho là không có cơ sở pháp lý để hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất đối với Công ty Vipico.

Trong báo cáo này, UBND TP Đà Nẵng nhắc nhiều đến “căn cứ” hủy kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, đó là Kết luận của kiểm toán nhà nước. Theo đó, Kiểm toán nhà nước cho rằng, việc Công ty Vipico chậm nộp tiền sử dụng đất đợt 2 là 52 ngày thì UBND TP Đà Nẵng phải hủy kết quả đấu giá. Lý do mà Kiểm toán nhà nước nêu ra vấn đề này là căn cứ vào quyết định của UBND TP Đà Nẵng về ban hành quy chế bán đấu giá (Quyết định số 01/2015/QĐ-UBND). 

Tuy nhiên, quyết định này không còn hiệu lực tài thời điểm công nhận kết quả đấu giá. Song, nội dung này cũng đã bị “lờ” đi cho dù các Sở đã đề cập đến vấn đề là không được sử dụng quyết định này làm căn cứ hủy kết quả đấu giá. Điều đó cho thấy, Kiểm toán nhà nước cũng đã nhầm lẫn. Song, sự nhầm lẫn này vẫn được Đà Nẵng viện dẫn, bởi lẽ đây là cái cớ tốt nhất mà UBND TP Đà Nẵng có trong tay để hủy kết quả đấu giá.

Một vấn đề nữa, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Đà Nẵng viện dẫn nhiều trường hợp “tương tự” cũng bị hủy kết quả đấu giá. Song, UBND TP Đà Nẵng đã không nói sự thật rằng, các trường hợp này đã được các Sở tổng hợp ý kiến và xác định là không giống như trường hợp của Công ty Vipico. Điều này cho thấy, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, không chỉ có sự thật bị báo cáo thiếu mà còn có dấu hiệu cho thấy có sự báo cáo sai.

Sau khi báo cáo Thủ tướng về sự việc, mặc dù chưa có ý kiến gì từ phía Thủ tướng Chính phủ về vụ việc nhưng UBND TP Đà Nẵng đã nhanh tay ra quyết định số 5443 ngày 16/11/2018 hủy kết quả đấu giá đất đối với Công ty Vipico.

Đến nay, quyết định hủy kết quả đấu giá đất vẫn chưa ráo mực và thậm chí, Công ty Vipico còn chưa hoàn tất thủ tục khiếu nại theo quy định của pháp luật thì TP Đà Nẵng đã nhanh chóng ra thông báo sẽ tổ chức bán đấu giá lô đất mà Công ty Vipico đã nộp tiền mua trong phiên đấu giá trước. 

Với việc làm này, UBND TP Đà Nẵng đã gửi đi một thông điệp rõ ràng, việc Công ty Vipico khiếu nại sẽ là vô ích vì UBND TP Đà Nẵng là cơ quan giải quyết khiếu nại sẽ không xem xét lại, kể cả Công ty Vipico có căn cứ pháp luật. Trường hợp Công ty Vipico có kiện UBND TP Đà Nẵng ra tòa án thì cũng.. chả thay đổi được gì vì đất đã được đem bán đấu giá mất rồi.

Vu việc chưa giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật, trong đó có cả việc giải quyết khiếu nại của cấp trên thế nhưng UBND TP Đà Nẵng đã dự định đem đất ra bán đấu giá. Điều này cũng gửi đi một thông điệp là, cấp trên có giải quyết khác với quyết định của UBND TP Đà Nẵng thì cũng quá muộn vì đã bán đấu giá cho tổ chức và cá nhân khác. Theo quy định, nếu đã bán và đã giao đất cho “người mới” thì “người mua ngay tình” mới được pháp luật bảo vệ. Do đó, quyết định của cấp trên giải quyết khiếu nại của Công ty Vipico dù thế nào đi nữa cũng sẽ lâm vào thế “việt vị” và mất tác dụng. 

Xem xét toàn bộ sự việc như trên thì có thể thấy, UBND TP Đà Nẵng đã quyết tâm lấy lại lô đất A20 từ tay Công ty Vipico bất chấp doanh nghiệp này bị thiệt hại như thế nào và bất chấp căn cứ pháp lý là gì, hệ quả pháp lý như thế nào. Có lẽ, cơ quan thanh tra có thẩm quyền cần làm rõ sự việc để trả lời cho công chúng biết lý do thật sự đằng sau quyết tâm lớn này là gì.

Đọc thêm