Những dự án biến Vinachem từ “đại gia” trở thành “con nợ”

(PLO) - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) là tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước, từng lãi vài nghìn tỷ mỗi năm. Nhưng vài năm gần đây và đặc biệt năm 2016, dự kiến Tập đoàn này sẽ lỗ khoảng 806 tỷ đồng. 
Sau 4 năm hoạt động, Đạm Ninh Bình thua lỗ khoảng 2.700 tỷ đồng
Sau 4 năm hoạt động, Đạm Ninh Bình thua lỗ khoảng 2.700 tỷ đồng

Từ lãi gần 3.000 tỷ xuống thua lỗ hàng trăm tỷ

Nhìn vào lợi nhuận sau thuế của Vinachem từ năm 2012 đến nay khiến nhiều người giật mình bởi sự sụt giảm chóng mặt qua từng năm. Nếu năm 2012, lợi nhuận sau thuế của Vinachem là gần 3.000 tỷ, năm 2013 hơn 2.000 tỷ, năm 2014 gần 2.000 tỷ thì năm 2015 còn khoảng 1.400 tỷ và năm 2016 dự báo sẽ lỗ khoảng 806 tỷ đồng. Dự báo trên là có cơ sở khi trong 6 tháng đầu năm nay, Tập đoàn này công bố bị lỗ sau thuế khoảng 203 tỷ đồng, trong đó phần lỗ thuộc về cổ đông công ty mẹ là 477 tỷ đồng.

Kết quả trên khiến nhiều người bất ngờ vì Vinachem sở hữu nhiều doanh nghiệp lớn, làm ăn ổn định và có hiệu quả như Phân bón Lâm Thao, Phân bón Bình Điền, Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina), Cao su Đà Nẵng…

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương mới đây, ông Nguyễn Gia Tường, Tổng Giám đốc Vinachem thừa nhận, trong 6 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Tập đoàn tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ một số loại sản phẩm. Nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài đối với sản phẩm phân bón, săm lốp ô tô ở mức thấp, giá bán giảm.

Do đó, giá trị sản xuất công nghiệp của Tập đoàn trong 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt hơn 19.700 tỷ đồng, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu đạt hơn 21.000 tỷ đồng, giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo số liệu của Vinachem, nhiều mặt hàng có tốc độ tăng trưởng tốt như săm, lốp ô tô; quặng apatit; pin; ắc quy; chất rửa mặt... Tuy nhiên, việc tăng trưởng của một số mặt hàng này không đủ để cứu vãn tình hình thua lỗ chung của toàn Tập đoàn. Nguyên nhân là do bốn “ông lớn” trong ngành phân bón của Tập đoàn là Cty Cổ phần DAP-Vinachem (DAP Đình Vũ), DAP Lào Cai, Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình cùng thi nhau lỗ nặng.

Theo đó,  trong nửa đầu năm nay, Đạm Ninh Bình báo lỗ 457 tỷ đồng, Đạm Lào Cai lỗ 281 tỷ đồng và Đạm Đình Vũ lỗ 212 tỷ đồng. Cty Phân bón và Hóa chất Lâm Thao được cho là “gà đẻ trứng vàng” của Tập đoàn này nhưng lợi nhuận nửa đầu năm nay cũng chỉ còn 61 tỷ đồng, giảm khoảng 2/3 so với cùng kỳ năm trước. 

Do năng lực hạn chế? 

Bức tranh ảm đạm của Vinachem được tô đậm thêm khi dự án nhà máy Đạm Ninh Bình buộc phải ngừng hoạt động. Đây là dự án lớn nhất của Vinachem với tổng vốn đầu tư khoảng 647 triệu USD, công suất 560.000 tấn/năm.

Năm 2008 nhà máy được khởi công với kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận lớn khi đi vào hoạt động. Thế nhưng hoạt động trong năm đầu tiên 2012, nhà máy đã lỗ 75 tỷ đồng. Ba năm tiếp theo mỗi năm nhà máy này tiếp tục lỗ hàng trăm tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 6/2016, Đạm Ninh Bình thua lỗ tổng cộng gần 2.700 tỷ đồng, nợ tính đến cuối năm 2015 là hơn 8.300 tỷ đồng. Không thể cứu vãn, cuối cùng nhà máy này buộc phải ngừng hoạt động.

Một công ty lâu đời khác của Vinachem là Đạm Hà Bắc cũng làm ăn thua lỗ lớn. Năm 2010, Cty này mở rộng nhà máy, tổng mức đầu tư 568 triệu USD, nâng công suất từ 180.000 tấn lên mức 500.000 tấn/năm. Năm 2015 dự án của Cty này hoàn thành và đi vào hoạt động. Ngay trong năm đầu hoạt động đã lỗ khoảng 665 tỷ đồng.

Giải thích về nguyên nhân thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả của một số dự án do Tập đoàn Hóa chất quản lí, mới đây trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nhiều dự án có thời gian triển khai quá dài so với thời hạn của dự án đầu tư đã được thẩm định. Thậm chí dự án đạm Ninh Bình không những kéo dài trong quá trình đầu tư mà cho đến nay còn không quyết toán được đầu tư mặc dù nhà máy đã đi vào vận hành.

Cũng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Đạm Ninh Bình sản xuất phân bón từ than không thể cạnh tranh nổi với những mặt hàng phân bón sản xuất từ khí. Hoặc dự án sơ sợi Đình Vũ không thể cạnh tranh với những sản phẩm đã được khấu hao và có giá thành rất thấp của những sản phẩm sơ sợi nhập ngoại từ bên ngoài vào được sản xuất từ nguồn của dầu mỏ.

Bên cạnh những tác động khách quan còn có những nguyên nhân chủ quan như năng lực chủ đầu tư còn hạn chế; mà trực tiếp ở đây chính là lãnh đạo Tập đoàn. Ngoài ra còn do năng lực hạn chế của các Ban quản lý dự án. 

“Chính những hạn chế trong nguồn nhân lực dẫn đến các dự án bị kéo dài, việc thực hiện không được suôn sẻ, không đúng quy định của hợp đồng. Nhiều dự án có những tồn tại, vướng mắc, hiệu quả kinh tế không còn. Giả sử các dự án đó đưa vào triển khai thực hiện, vận hành thương mại cũng không đủ điều kiện cạnh tranh.  Thậm chí có những dự án, doanh thu không bù đủ cho chi phí”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá.

Mới đây, nhằm cứu vãn tình hình, Vinachem đã kiến nghị lên Chính phủ hỗ trợ ưu tiên một số chính sách liên quan đến vốn và cơ chế để Tập đoàn tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và theo Báo cáo xây dựng kế hoạch năm 2017, Vinachem phấn đấu năm tới sẽ lãi 107 tỷ đồng, nộp ngân sách 1.683 tỷ đồng. 

Đọc thêm