Những đứa trẻ hạnh phúc không hẳn là... ngoan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo một khảo sát của tạp chí Ceoworld vào năm 2021, tại Hà Lan, hầu hết các bố mẹ đều dành nhiều thời gian chăm lo cho con cái hơn bất kỳ quốc gia nào ở châu Âu. Điều đó phần nào giải thích tại sao trẻ em Hà Lan là những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới.
Đôi khi những đứa trẻ hạnh phúc không phải những đứa trẻ ngoan.

Đôi khi những đứa trẻ hạnh phúc không phải những đứa trẻ ngoan.

Những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới

Hà Lan – đất nước có những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới, hoàn toàn trái ngược với bức tranh toàn cảnh ở các quốc gia phát triển khác như Anh – nơi trầm cảm và lo âu xã hội đang gia tăng trong giới trẻ và Mỹ – nơi tỷ lệ tự tử đang tăng mạnh ở độ tuổi thanh, thiếu niên, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch toàn cầu. Câu hỏi là tại sao đất nước 17 triệu dân này lại có thể mang đến cho người trẻ tuổi một thái độ lạc quan với cuộc sống như vậy?

Tiến sĩ Simone de Roos, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Xã hội Hà Lan (SCP), cho biết mức độ hài lòng về cuộc sống ở thanh, thiếu niên đã không có dấu hiệu giảm sút kể từ năm 2013. Ông giải thích: “Trẻ em Hà Lan thường xuyên tương tác tích cực với môi trường xã hội xung quanh chúng, từ gia đình, bạn bè đến trường lớp. Phụ huynh Hà Lan thường hỗ trợ con cái rất nhiều, ít khi kiểm soát cuộc sống của chúng. Tại trường lớp, giáo viên không độc đoán mà chấp nhận cảm xúc của học sinh và ngược lại các học sinh cũng tin tưởng giáo viên, thiết lập dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng”.

Trong một nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về Sức khỏe hành vi của trẻ em trong độ tuổi đi học (HBSC) đối với những trẻ em trong độ tuổi 11, 13 và 15, cho thấy trẻ em Hà Lan luôn nằm trong tốp những đứa trẻ hạnh phúc nhất thế giới. Theo đó, người trẻ tuổi Hà Lan cho biết họ luôn được ăn sáng đầy đủ, được xem truyền hình hơn hai tiếng mỗi ngày, có những người bạn tốt và có thể chia sẻ với cha mẹ. Bên cạnh đó, giới trẻ nước này cũng ít bị béo phì, ít có xu hướng nghiện chất rượu, bia và quan hệ tình dục trước 15 tuổi, họ cũng ít bị bắt nạt ở trường hay cảm thấy căng thẳng trong học hành.

Nhiều nghiên cứu khác, bao gồm nghiên cứu năm 2016 của Văn phòng Thống kê Hà Lan với những người trẻ trong độ tuổi 12-25, báo cáo năm 2018 của Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) chỉ đạo,… đều cho thấy chỉ số hạnh phúc của giới trẻ Hà Lan luôn đạt mức cao, cùng với đó là sự hài lòng với cuộc sống.

Những người trẻ Hà Lan lớn lên trong môi trường hạnh phúc và tôn trọng.

Những người trẻ Hà Lan lớn lên trong môi trường hạnh phúc và tôn trọng.

Giáo sư Ruut Veenhoven - Giám đốc Cơ sở dữ liệu Thế giới về Hạnh phúc, tin rằng những người trẻ tuổi ít bị gánh nặng phải trở thành “con ngoan, trò giỏi, người thành đạt” sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn. Ông cho biết thêm: “Nhìn khắp châu Âu, có thể thấy người Hà Lan và Đan Mạch là những người nền nã và khoan dung nhất, họ tập trung vào tự chủ, tự giác hơn là sự phục tùng, nghe lời – điều này cũng là gốc rễ của xã hội. Trẻ em được tự do làm những gì chúng muốn, phát triển ý tưởng về những gì chúng thực sự thích và những kỹ năng xã hội chúng cần. Một cậu bé hạnh phúc đôi khi không phải một cậu bé ngoan”.

Hệ thống trường học của Hà Lan hầu như hoàn toàn được tài trợ công. Mỗi năm, các nhà chức trách về giáo dục sẽ có những cải tiến để giảm thiểu những tiêu chuẩn quá khắt khe, giảm thiểu những căng thẳng và áp lực mới phát sinh cho học sinh, giảm tỉ lệ bất bình đẳng và các vấn nạn trong nhà trường. Đáng nói, giáo dục giới tính cho trẻ em bắt đầu từ khi chúng lên bốn tuổi. Bố mẹ Hà Lan cũng dễ dàng chào đón bạn trai hoặc bạn gái của con mình hơn, thay vì cố gắng cấm đoán chúng quen nhau. Tỷ lệ mang thai ở tuổi vị thành niên ở Hà Lan cũng thấp nhất trong Liên minh Châu Âu.

Bí quyết của bố mẹ Hà Lan

Để nuôi dạy những đứa trẻ trong môi trường hạnh phúc, điều hiển nhiên là những phụ huynh Hà Lan cũng là những người hạnh phúc nhất thế giới.

Vào năm 2013, một nghiên cứu từ Tạp chí Tâm lý học Phát triển châu Âu đã chỉ ra sự khác biệt về tính khí giữa trẻ sơ sinh Hoa Kỳ và Hà Lan như sau: “Trẻ sơ sinh Hà Lan hay cười, thích gần gũi và được âu yếm hơn các trẻ em Mỹ”. Sở dĩ, trẻ sơ sinh Hà Lan có tính khí bình tĩnh hơn phần lớn đến từ lịch trình ngủ nghỉ điều độ hơn và các hoạt động cường độ thấp hơn.

Trong khi các bậc cha mẹ Mỹ thích cho con cái tiếp xúc với nhiều trải nghiệm mới, thì các bậc cha mẹ Hà Lan lại tập trung vào các hoạt động thường ngày ở nhà, coi trọng việc nghỉ ngơi và điều độ hơn hết. Trẻ sơ sinh được nghỉ ngơi đầy đủ cho phép cha mẹ cũng được nghỉ ngơi đầy đủ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trung bình người Hà Lan ngủ nhiều hơn bất kỳ ai khác trên thế giới, kể cả trong thời kì chăm con, trung bình 8 giờ 12 phút mỗi đêm.

Một điều hiển nhiên khác chính là một đứa trẻ lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ luôn cảm thấy hạnh phúc hơn. Một khảo sát năm 2021 của tạp chí Ceoworld đã chỉ ra, cha mẹ Hà Lan dành nhiều thời gian cho con cái hơn hầu hết bậc cha mẹ ở các nước châu Âu. Sở dĩ bố mẹ Hà Lan có thể làm được như vậy thì phải cảm ơn Chính phủ Hà Lan đã nhận thức được điều này từ rất sớm. Năm 1996, Chính phủ nước này đã ban hành quy định chu cấp bình đẳng giữa các nhân viên làm việc bán thời gian và toàn thời gian, tạo tiền đề cho sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống đối với người dân của họ.

Văn hoá làm việc bán thời gian là một lý do khác khiến người Hà Lan hạnh phúc hơn. Với các tuần làm việc 29 giờ, Hà Lan có tuần làm việc ngắn nhất thế giới dành cho các chuyên gia kinh doanh, theo một nghiên cứu của OECD năm 2018. Gần một nửa dân số trưởng thành Hà Lan làm việc bán thời gian, với 26,8% nam giới làm việc dưới 36 giờ tối đa một tuần và 75% phụ nữ làm việc bán thời gian - và điều này xảy ra ở tất cả các lĩnh vực, từ lao động phổ thông đến chuyên nghiệp. Hầu hết các ông bố Hà Lan chỉ làm đủ 8 tiếng trong bốn ngày trong tuần. Điều này cho phép họ dành ít nhất một ngày mỗi tuần để dành thời gian cho con cái của họ. Thời gian nghỉ này thường được gọi là “Papadag”, có nghĩa là “Ngày của bố”.

Bố mẹ Hà Lan luôn khuyến khích con bày tỏ ý kiến của riêng mình. Mọi người trong gia đình, kể cả một đứa trẻ lên ba và bắt đầu học nói, cũng có những ý kiến riêng mình. Việc luôn luôn phải giải thích cho trẻ con mọi điều để chúng hiểu và chấp nhận có thể là điều mệt mỏi, thách thức sự kiên nhẫn của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, điều này sẽ giúp ích khi con cái lớn lên, chúng sẽ có sự tự tin để bày tỏ quan điểm cá nhân trước người khác. Một điều đặc biệt trong gia đình Hà Lan chính là mỗi buổi sáng các gia đình đều quây quần bên nhau để cùng ăn sáng. Ăn sáng không chỉ có ý nghĩa về mặt sức khỏe, giúp trẻ em học tập tốt hơn ở trường mà còn gắn kết gia đình.

Trong tất cả các quyết định nuôi dạy con cái, việc chọn trường dường như là một trong những điều cơ bản nhất của các bậc cha mẹ. Nhưng ở Hà Lan, điều đó không phải là tất cả, điểm trung bình cao và các trường đại học ưu tú không phải là áp lực chính mà mọi đứa trẻ phải trải qua. Nói cách khác, giáo dục được coi là con đường dẫn đến sự phát triển cá nhân và hạnh phúc của một đứa trẻ chứ không phải là mục tiêu cuối cùng của chúng. Cũng chính vì vậy, trẻ em Hà Lan ít cảm thấy áp lực phải vượt trội hơn những đứa trẻ khác. Thay vì vậy, chúng có thể phát triển những tình bạn tốt đẹp, giúp đỡ và hỗ trợ nhau học tập tốt.

Bố mẹ Hà Lan dành rất nhiều thời gian cho con cái.

Bố mẹ Hà Lan dành rất nhiều thời gian cho con cái.

Một điều đáng chú ý khác ở đất nước Hà Lan, đó chính là trẻ em không thích đi xe ô tô mà được khuyến khích đi xe đạp. Bên cạnh đó, đất nước này cũng phát triển một mạng lưới đường sá bằng phẳng dành cho xe đạp. Thậm chí vào mùa đông, có những ngày nhiệt độ giảm xuống âm 4 độ C, bố mẹ Hà Lan đơn giản là mặc cho con quần áo ấm, áo khoác chống thấm nước và ủng đi mưa rồi dặn chúng cẩn thận khi đạp xe tới trường. Đó cũng là một cách để dạy chúng đối mặt với khó khăn, không bỏ cuộc, cũng như trân trọng, gần gũi với thiên nhiên và không gian bên ngoài, thay vì chỉ “bó hẹp” bản thân trong những “chiếc hộp”.

Nói tóm lại, bố mẹ Hà Lan không phải không có kỳ vọng cao đối với con cái. Tuy nhiên, quan điểm nuôi dạy con của họ là coi hạnh phúc là một phương tiện để thành công, chứ không phải thành công là một phương tiện để hạnh phúc. Theo đó, hạnh phúc được coi là “cửa ngõ” dẫn đến nhận thức của đứa trẻ về bản thân, động lực để phấn đấu, sự độc lập và phát triển mối quan hệ tích cực với cộng đồng.