Những hành vi cơ quan nhà nước không được thực hiện vì quyền cạnh tranh

(PLO) - Quốc hội đang bàn về Dự thảo luật cạnh tranh. Theo Dự thảo này, việc cạnh tranh sẽ được quy định cụ thể, quản lý cụ thể theo hình thức quản lý nhà nước, trong đó Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Theo Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội trong phiên họp chiều 23/10, Chính sách của Nhà nước về cạnh tranh bao gồm: Tạo lập, duy trì và bảo đảm môi trường kinh doanh, môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng; Thúc đẩy cạnh tranh, bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật; Tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và lợi ích người tiêu dùng; Nhà nước thực hiện kiểm soát và xử lý đối với các hành vi gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về cạnh tranh. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh. Cơ quan cạnh tranh Quốc gia là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, có nhiệm vụ tổ chức điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế và các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia. Các bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh. 

Cơ quan nhà nước không được thực hiện những hành vi sau đây để cản trở cạnh tranh trên thị trường: Yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ cụ thể hoặc với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hoá, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành nghề, các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường; Thực hiện các hành vi khác gây tác động hạn chế cạnh tranh hoặc có tính chất cản trở doanh nghiệp thực hiện những hoạt động kinh doanh hợp pháp.

Trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện hành vi bị cấm quy định tại khoản 1 Điều này, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước đó chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả.

Cán bộ, công chức có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Theo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế quốc hội, Về chính sách của Nhà nước về cạnh tranh: Một số ý kiến cho rằng nội dung Điều 6 dự thảo Luật mới chỉ thể hiện mục tiêu chính sách của Nhà nước về cạnh tranh, chưa rõ nội dung chính sách. Có ý kiến đề nghị bỏ Điều này vì bản thân Luật Cạnh tranh thể hiện chính sách nhà nước về cạnh tranh. Uỷ ban Kinh tế đề nghị làm rõ chính sách của Nhà nước về cạnh tranh. Hơn nữa, để thực hiện được đa mục tiêu như quy định tại Điều 6, đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định này cũng như các quy định khác trong dự thảo Luật để xử lý hài hòa, tránh xung đột giữa lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng, phúc lợi xã hội.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh - mô hình Cơ quan cạnh tranh Quốc gia, trong Ủy ban Kinh tế có hai loại ý kiến:

- Loại ý kiến thứ nhất,tán thành Tờ trình của Chính phủ, đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở hợp nhất Cục cạnh tranh và Hội đồng cạnh tranh nhưng phải bảo đảm tính độc lập tương đối, hoạt động tuân theo pháp luật.

- Loại ý kiến thứ hai,đề nghị quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia độc lập thuộc Chính phủ hoặc thuộc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh. Độc lập là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả, hiệu lực của Cơ quan cạnh tranh Quốc gia.Bộ Công Thương hiện nay vừa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh vừa thực hiện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nếu đặt Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công Thương khó đảm bảo được tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh. Mặt khác, Cơ quan cạnh tranh Quốc gia vừa là cơ quan tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa có chức năng điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, vì vậy việc đảm bảo tính độc lập là nhu cầu khách quan.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, để bảo đảm hiệu quả thực thi pháp luật về cạnh tranh phải xây dựng cơ quan cạnh tranh chuyên nghiệp, độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ, có đủ năng lực và thẩm quyền trong việc xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật. Đề nghị không giao Chính phủ quy định mà quy định cụ thể ngay trong dự thảo Luật về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Cơ quan cạnh tranh, đề cao vai trò, tăng cường trách nhiệm và bảo đảm hiệu quả hoạt động của Cơ quan cạnh tranh, bảo đảm cơ quan này có đủ thẩm quyền để thực thi pháp luật về cạnh tranh, thực hiện nhiệm vụ điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, tính minh bạch của các quy định về tố tụng cạnh tranh, bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia tố tụng cạnh tranh,khắc phục những bất cập nêu trong Báo cáo tổng kết 12 năm thi hành Luật Cạnh tranh.

Đọc thêm