Những “hạt sạn” lễ hội 2011

Xu hướng mở hội nhiều, tần xuất cao cùng sự lãng phí, ganh đua, phô trương thanh thế dòng họ, làng xã trong việc tổ chức, đưa thêm nhiều yếu tố mới lạ làm biến dạng những nghi thức đã định hình của lễ hội, là những điểm yếu trong mùa lễ hội năm 2011 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “chỉ mặt, điểm tên” trong hội nghị trực tuyến vào ngày 28/12 tại Hà Nội.

Xu hướng mở hội nhiều, tần xuất cao cùng sự lãng phí, ganh đua, phô trương thanh thế dòng họ, làng xã trong việc tổ chức, đưa thêm nhiều yếu tố mới lạ làm biến dạng những nghi thức đã định hình của lễ hội, là những điểm yếu trong mùa lễ hội năm 2011 vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “chỉ mặt, điểm tên” trong hội nghị trực tuyến vào ngày 28/12 tại Hà Nội.

Một cảnh lộn xộn tại Lễ phát ấn Đền Trần.
Một cảnh lộn xộn tại Lễ phát ấn Đền Trần.

Hội chứng bia đá và “bệnh” ném tiền vào hậu cung

Theo số lượng thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), lượng du khách tham dự lễ hội tăng rất cao trong mùa lễ hội xuân năm 2011 (Đền Hùng gần 4 triệu lượt, Yên Tử 1,2 triệu lượt, Chùa Hương 1,5 triệu lượt...). Thế nhưng, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy chế lễ hội, giữ gìn sự tôn nghiêm nơi thờ tự, thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, đặc biệt ý thức của người đi lễ hội chưa có chuyển biến tích cực.

Tình trạng xâm hại di tích, tùy tiện tu sửa, tôn tạo không xin phép cơ quan quản lý đã làm phá vỡ yếu tố nguyên gốc của di tích, một số đơn vị trong việc thực hiện công đức gây lãng phí và phản cảm như: Việc xây mới nhà 5 gian tại Lăng Mẫu Liễu Hạnh (Phủ Dày, Nam Định), đặt tượng nghê đá tại Đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), dựng bia công đức trên lưng Rùa tại chùa Keo (Thái Bình), xây mới nhà trên đường xuống hang Cắc Cớ (Chùa Thầy, Hà Nội)...

Chưa hết, hội chứng khắc bia đá ghi tên người công đức đang diễn ra rất nhiều tỉnh thành. Đại diện Thanh tra Bộ VH-TT-DL than: “Chỉ với 200.000 - 300.000 đồng tiền công đức là có thể được khắc tên mình vào bia đá. Ngay cạnh bia đá là bát hương. Vậy là, người sống thắp hương cho người... sống! Phản cảm vô cùng!”.

Nhiều nơi lập nhiều ban thờ, đặt nhiều hòm công đức và đĩa để tiền giọt dầu tại di tích khiến du khách đặt nhiều tiền lẻ lộn xộn ở mọi nơi, mọi chỗ, làm mất vẻ trang nghiêm, thanh tịnh, gây phản cảm cho người hành lễ như một số di tích tại Phủ Giày (Nam Định), Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), đền Kiếp Bạc (Hải Dương), Đền Trần (Thái Bình)...

Đặc biệt là việc giắt tiền vào... tay tượng Phật, ném tiềm vào hậu cung gây phản cảm  như Phủ Tây Hồ, Động Hương Tích, Chùa Trần Quốc (Hà Nội), Chùa Bái Đính (Ninh Bình), Đền Bà Chúa Kho, Chùa Hồng Ân (Bắc Ninh)…Việc sử dụng các nguồn thu từ công đức và dịch vụ cũng chưa đúng mục đích, minh bạch, chưa tương xứng với nguồn kinh phí cung tiến và công đức của du khách.

Dư luận còn cho rằng hiện nay đang xuất hiện tình trạng “quan phương hóa” lễ hội, nghĩa là khi tổ chức lễ hội các địa phương đua nhau mời lãnh đạo cấp trên, số lượng khách mời quá đông không tuân thủ các quy định chung của nhà nước cần được chấn chỉnh. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc mở rộng quá lớn quy mô tổ chức ở một số lễ hội, trong khi cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng đặc biệt là hình thức dịch vụ chưa đáp ứng nhu cầu mật độ đông của du khách, gây nên cảnh chen lấn xô đẩy ách tắc cục bộ, gây bức xúc cho dư luận.

Năm 2012 sẽ hướng dẫn việc đặt hòm công đức

Sau nhiều năm tổ chức lễ hội, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và có phương án bảo vệ an toàn lễ hội, nên ở nước ta chưa xảy ra những vụ việc có hệ lụy lớn trong hoạt động lễ hội. Nhưng trên thực tế, tại một số quốc gia trên thế giới đã xảy ra thảm họa to lớn từ lễ hội như: tối ngày 14/1/2010 tại lễ hội tôn giáo tổ chức ở miền Nam Ấn Độ đã xảy ra vụ giẫm đạp làm hơn 100 người thiệt mạng và 23 người khác bị thương.

Ngày 22/11/2011 tại lễ hội nước diễn ra tại thủ đô Phnompenh (Camphuchia) đã xảy ra thảm họa lớn do chen lấn, giẫm đạp làm trên 375 người chết và hàng trăm người bị thương; tại thành phố phía Tây Đức trong lễ hội nhạc nhảy đã làm ít nhất 19 người thiệt mạng và 342 người bị thương.Những thảm họa không mong muốn và để lại hệ lụy đó cũng là lời cảnh báo đối với lễ hội đông người như cảnh chen lấn lấy ấn Đền Trần đêm ngày 14/1/2011, cảnh chen lấn lộn xộn tại một số lễ hội lớn vào thời điểm chính hội...

Cuối năm, việc Bộ VH-TT& VH “mạnh tay” chỉ ra những yếu kém, tiêu cực trong hoạt động lễ hội năm 2011 không nằm ngoài mục đích mong muốn những mùa lễ hội tới, người đi trẩy hội sẽ không còn “nhai” phải những “hạt sạn” văn hóa.

Dự kiến, năm 2012, Bộ thành lập 4-5 đoàn tiến hành kiểm tra công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2012, trong đó có một số lễ hội lớn như lễ khai ấn Đền Trần, lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Đền Hùng... Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nếp sống văn hóa tại các công trình tín ngưỡng, có hướng dẫn cụ thể việc đặt hòm công đức, chú trọng quản lý hàng quán, bãi gửi xe không để tình trạng nâng giá bắt chẹt khách...

Thùy Dương

Đọc thêm