Những hình phạt kì quái nhất với các “ma men”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở nhiều quốc gia trên thế giới, hình phạt cho hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu, bia rất nặng nề và nghiêm khắc.
Chỉ 1-2 chén soju có thể khiến người lái xe Hàn Quốc phải ngồi tù 3 năm.
Chỉ 1-2 chén soju có thể khiến người lái xe Hàn Quốc phải ngồi tù 3 năm.

Thậm chí đã có những vị lãnh đạo cấp cao đã phải nhận “trái đắng” vì lỗi vi phạm này. Bên cạnh các quốc gia áp dụng những hình phạt “nhớ đời” như cho lao động tại nhà xác, bị công khai danh tính trước toàn dân, luật pháp Trung Quốc có lẽ là khắc nghiệt nhất khi mức án cao nhất cho tội danh này chính là… tử hình.

Bộ trưởng từ chức trong xấu hổ

Năm 2016, bà Aida Hadzialic đã phải từ chức Bộ trường Giáo dục Thuỵ Điển sau khi bắt gặp lái xe trong tình trạng say rượu. Cụ thể, sau khi ăn chiều ở Copenhagen (Đan Mạch), bà đã lái xe về Thuỵ Điển và bị cảnh sát ra hiệu lệnh dừng xe ở trên cầu nối giữa hai quốc gia này. Kết quả cho thấy nồng độ cồn trong máu của bà Hadzialic là 0.02% - đây cũng là “giới hạn đỏ” theo quy định của Luật Giao thông Thuỵ Điển. Tại buổi họp báo sau đó, nữ chính trị gia sinh năm 1987 đã tuyên bố trong sự xấu hổ và hối hận: “Tôi phải từ chức bởi vì tôi tin rằng việc tôi đã làm là nghiêm trọng”.

Nữ Bộ trưởng Thuỵ Điển từ chức vì lái xe sau khi uống rượu.

Nữ Bộ trưởng Thuỵ Điển từ chức vì lái xe sau khi uống rượu.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 0,05% là mức giới hạn nồng độ cồn cho phép với tài xế phổ biến ở nhiều quốc gia. Tại Thuỵ Điển, từ gần 30 năm trước đã áp dụng ngưỡng “báo động” về nồng độ cồn trong máu của tài xế ở mức 0.02%; tức là với chỉ một cốc bia, tài xế phải đối mặt với những biện pháp trừng phạt của pháp luật, ví như bị phạt tiền, tạm giam, thu giữ xe, tước bằng lái,…

Nếu tái phạm, tài xế sẽ bị đưa tên, ảnh và biển số xe vào “danh sách đen” của cảnh sát và cảnh sát giao thông có thể dừng xe của họ để kiểm tra bất cứ lúc nào. Nếu tái phạm nhiều lần, tài xế sẽ bị đưa tới một trung tâm cai rượu bắt buộc, và họ chỉ được phép về nhà sau khi trải qua các xét nghiệm y tế chứng tỏ họ không còn vấn đề gì với rượu nữa. Chưa dừng ở đó, một số đối tượng còn có thể bị lắp đặt thiết bị cảm biến nồng độ cồn bên trong xe trong vòng từ một đến hai năm.

Cảnh sát Thuỵ Điển còn thành lập các đội đặc nhiệm chuyên theo dõi các tài xế đã có tiền sử say xỉn khi lái xe và tiếp nhận tin báo của người dân khi phát hiện những đối tượng vi phạm. Hình phạt cao nhất là tịch thu xe. Theo đó cơ quan chức năng sẽ bán đấu giá những chiếc xe bị tịch thu để gây quỹ thực hiện các chương trình cai rượu cộng đồng, những xe không có giá trị cao sẽ bị tiêu hủy.

Chính vì những quy định nghiêm khắc, người dân Thuỵ Điển hầu như không bao giờ lái xe khi uống rượu bia, cũng như không cho phép người khác làm như vậy. Năm 2015, một khảo sát của chính phủ cho thấy số tài xế uống rượu bia lưu thông trên đường chỉ chiếm chưa đầy 1%. Ngay cả các nhà hàng, quán bar ở nước này cũng không cho phép những thực khách của mình uống rượu nếu họ là người cầm lái bằng nhiều hình thức khác nhau, ví như cung cấp đồ uống không cồn miễn phí cho người cầm lái.

Phạt tiền và ngồi tù là bình thường

Không chỉ phạt tiền rất cao, nhiều quốc gia còn hình sự hoá hành vi lái xe khi đang say rượu. Tại Nam Phi, số tiền nộp phạt có thể lên đến 10.000 USD (hơn 230 triệu đồng), tài xế có thể đối mặt với án tù lên đến 10 năm ngay trong lần vi phạm đầu tiên. Tại Canada, tài xế vi phạm sẽ phải nộp phạt số tiền lên đến 1.000USD (trên 23 triệu đồng) và ngồi tù tới 5 năm. Tại Úc, người lái xe khi say rượu có thể bị kết tội hình sự và bị đăng tên trên báo chí.

Tài xế say xỉn ở nhiều quốc gia đối mặt với hình phạt nặng nề từ lần vi phạm đầu tiên.

Tài xế say xỉn ở nhiều quốc gia đối mặt với hình phạt nặng nề từ lần vi phạm đầu tiên.

Tại châu Âu, chính phủ Pháp áp dụng hình phạt tù một năm, số tiền phạt tới 1.000 USD (hơn 23 triệu đồng) và bị tước bằng lái trong vòng 3 năm nhằm “tuyên chiến” với các “ma men”. Ở Slovakia, luật pháp nước này quy định tài xế có nồng độ cồn ở mức 0,01% có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tiền 200 - 1.000 USD và phạt tù tới 12 tháng. Các quốc gia Hungary, Cuba, Croatia, Romania, Bỉ, Ba Lan, Phần Lan, Hà Lan,… đều áp dụng lệnh cấm hoàn toàn sử dụng đồ uống có cồn trước khi lái xe và không hề khoan nhượng với những tài xế vi phạm.

Tại Vương quốc Anh, người lái xe thậm chí còn chưa kịp điều khiển phương tiện đã bị phạt nếu phát hiện ra có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép nhưng có ý định điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cụ thể, họ chỉ cần ngồi trong ôtô mà bị cảnh sát phát hiện hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép cũng sẽ bị phạt. Hình phạt gồm phạt tiền từ 2.500 bảng Anh (trên 70 triệu đồng), tước bằng lái từ 1-3 năm, hoặc phạt tù từ 3-6 tháng. Người bị kết tội lái xe uống rượu tại Anh thậm chí còn khó được chấp nhận nhập cảnh vào các nước khác ở châu Âu và Mỹ.

Tại châu Á, có thể nhắc tới những quốc gia nghiêm khắc nhất với hành vi lái xe khi say rượu như Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia,… Đơn cử, đất nước Mặt trời mọc nổi tiếng với khung hình phạt nghiêm bậc nhất với các tội liên quan đến uống rượu bia và lái xe. Với nồng độ cồn từ 0,15% trở lên, tài xế có thể bị phạt tù lên tới 3-5 năm, phạt tiền lên tới 500.000 Yen (khoảng 104 – 200 triệu đồng). Đáng nói, nếu tài xế say rượu chở theo hành khách thì hành khách đó cũng có thể liên đới trách nhiệm, bị phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù. Nếu gây tai nạn, tài xế phải ngồi tù tới 20 năm đối với tai nạn chết người và 15 năm đối với tai nạn không chết người. Tại Nhật, thậm chí người đi xe đạp cũng không được uống rượu bia bởi họ cũng chịu những chế tài về rượu bia như người lái ôtô để đảm bảo an toàn cho người đi bộ.

Người lái xe đạp ở Nhật Bản cũng bị xử phạt nếu uống rượu lái xe.

Người lái xe đạp ở Nhật Bản cũng bị xử phạt nếu uống rượu lái xe.

Đảo quốc sư tử cũng nổi tiếng với hình phạt tù và mức phạt tiền không hề khoan nhượng chút nào đối với các “ma men”. Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0.35%, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (khoảng 85 triệu đồng) và đối diện với các hình phạt tù và lao động công ích. Nếu tái phạm nhiều lần, hình phạt cũng sẽ tăng thêm. Người tái phạm đến lần thứ 3 sẽ bị tước bằng lái vĩnh viễn. Còn tại xứ sở kim chi, rượu soju vốn được coi là loại rượu “quốc dân” hầu như ai ai cũng uống, và có thể đi kèm cùng với đồ nướng, chiên, xào, hấp,… Chỉ 1-2 chén rượu soju, người lái xe tại Hàn Quốc có thể phải ngồi tù tới 3 năm, bị phạt tới 10 triệu won (khoảng 206 triệu đồng), và bị đình chỉ hoặc thu hồi bằng lái.

Những hình phạt kỳ quặc nhưng “ngấm đòn”

Có những quốc gia trên thế giới lại áp dụng những biện pháp “không giống ai” nhưng lại khiến các tài xế say xỉn “nhớ tới già”. Đơn cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, các “ma men” bị đưa vào sâu trong sa mạc khoảng hơn 30 km và phải đi bộ về nơi họ sinh sống. Có một nhân viên cảnh sát lái xe giám sát họ thực hiện nghiêm túc án phạt này.

Còn tại Malaysia, nếu bị phát hiện nồng độ cồn trong máu trên mức cho phép 0,05%, không chỉ tài xế phải đối mặt với án phạt tiền, bị tạm giam, thu bằng lái, lao động công ích, mà vợ/chồng của người vi phạm cũng có thể sẽ bị phạt theo, thậm chí ngồi tù theo. Chính phủ đưa ra quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm từ trong gia đình đối với các “ma men”. Hình phạt này vừa “oái oăm” những cũng rất “thấm” đối với người dân nước này. Chính vì thế, người Malaysia thường đùa rằng, trong trường hợp vợ/chồng say xỉn khi lái xe, gia đình này sẽ cần tới 2 luật sư, một là bào chữa cho người vi phạm và một lo thủ tục ly hôn cho người còn lại.

Mặt khác, tại xứ sở chùa vàng, người lái xe khi uống rượu bia không chỉ bị phạt tới 60.000 baht (45 triệu đồng) hoặc 6 tháng tù giam hoặc cả hai. Từ năm 2016, Thái Lan đã quy định những tài xế vi phạm phải đi làm việc tại nhà xác. Quan chức nước này cho biết phương pháp này sẽ giúp những tài xế này hiểu được “điều gì sẽ xảy ra sau khi gây tai nạn”.

Cuối cùng, khi tất cả các biện pháp dù nghiêm khắc hay kỳ lạ không ngăn chặn được “ma men”, một số quốc gia còn đưa ra hình phạt cực kỳ nặng nề là tử hình. Tại Trung Quốc, nếu tài xế bị phát hiện trong máu có nồng độ cồn từ 0,02% trở lên, tuỳ mức độ sẽ bị phạt tiền, giam bằng lái, tạm giam 15 ngày, phạt tù lên đến 3 năm, tước bằng lái xe và trong 5 năm. Nếu tài xế gây ra tai nạn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị tước bằng vĩnh viễn. Thậm chí, nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể bị xử mức án cao nhất là tử hình.

Đọc thêm