Những mối lo của doanh nghiệp ở Việt Nam

(PLVN) - Nhà nước nói chung, hệ thống pháp luật (HTPL) nói riêng có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hướng xã hội cho sự phát triển, thu hút nguồn lực vào việc thực hiện mục tiêu phát triển.
Hình minh họa
Hình minh họa

Đầu những năm 2000, một nhà đầu tư nước ngoài đã từng đánh giá về môi trường đầu tư ở Việt Nam, ông nói: Điều các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đó chính là “hệ số” rủi ro do sự thay đổi của chính sách, luật pháp gây ra.

Từ ngày đổi mới đến nay, một trong những điều chúng ta quan tâm đó là hoàn thiện thể chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và HTPL. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, tuy nhiên HTPL cũng là kết quả của một quá trình nhận thức thực tiễn nên không phải không còn “khiếm khuyết”.

Đã có lần TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương nhận xét HTPL nước ta có “8 không”: “Không rõ ràng”, “không cụ thể”, “không minh bạch”, “không hợp lý”, “không ổn định”, “không tiên liệu trước”, “không hiệu quả”, “không hiệu lực”. “Tám không” vẫn luôn làm những nhà đầu tư lo ngại bậc nhất.

Bên cạnh bất cập về tính đồng bộ của pháp luật là cách hành xử, thực hiện luật pháp của cán bộ, công chức. Thường thì thái độ mà thân thiện, “kiến tạo” thì giữ chân, nuôi dưỡng doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển; thái độ hù dọa để kiếm chác, vòi vĩnh, đòi bôi trơn thì ngược lại. 

Nỗi lo khác của doanh nghiệp ở Việt Nam là bị thanh tra. Từng có một chủ doanh nghiệp hay tham gia thảo luận chính sách trong các tọa đàm do VCCI tổ chức. Vị doanh nhân nhiều lần phát biểu và chỉ trong 3 tháng, các cửa hàng của công ty đã bị thanh tra, kiểm tra hơn 20 lần, nhiều đến nỗi, ông phải lập ra một bộ phận riêng để chuyên tiếp thanh tra viên. Đến mức doanh nhân phải thốt lên: “Tôi sợ lắm rồi, không dám phát biểu gì nữa”. 

Để hạn chế tình trạng thanh kiểm tra tràn lan, lạm dụng, từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải đã có quy định về việc mỗi năm thanh tra, kiểm tra chỉ được phép đến doanh nghiệp một lần. Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 20 năm 2017 yêu cầu các bộ, ngành và địa phương: “Không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá một lần mỗi năm đối với doanh nghiệp”. Chỉ thị đã có, quan trọng hơn là việc thực hiện của đội ngũ thừa hành ra sao. 

Đọc thêm