Cũng rất ly kỳ và đáng ngờ ở một khu đất “vàng” cho thuê nằm trên con đường từ TP Thanh Hóa đến thị xã Sầm Sơn, diện tích trên 2000 m2, chính quyền cho một người nào đó thuê làm trang trại nuôi vịt thời hạn 49 năm.
Thế mà tất cả các cán bộ lãnh đạo địa phương từ cấp xã đến huyện, kể cả cán bộ địa chính sở tại cũng không biết người được thuê đó là ai, dù có tên đàng hoàng nhưng với một địa chỉ mơ hồ, từng tồn tại trong quá khứ và không một ai biết mặt người đó, hồ sơ cho thuê cũng không được lưu trữ ở bất kỳ ở cái nơi phải lưu trữ nào.
Tại Gia Lai, có một cơ quan được giao quản lý gần 15.000 ha rừng và trong quá trình quản lý đó đã làm mất đi 9.000 ha rừng. Sự việc nghiêm trọng này đến giờ mới bị phát hiện và có đề nghị khởi tố vụ án hình sự về “tội” để mất rừng này. Điều kỳ lạ là suốt một thời gian dài để rừng mất dần đó, cơ quan quản lý và chính quyền ở đâu mà không biết để mất gần hết rồi mới “phát hiện” là thế nào.
Tương tự, có nhiều chuyện sai phạm trong quản lý mà hầu như ai cũng biết, chỉ cơ quan quản lý hoặc chính quyền sở tại không biết mà thôi. Khi bị báo chí truy hỏi thì người có trách nhiệm trả lời “tôi không biết” hoặc “tôi mới chỉ biết việc này qua báo chí”, hoặc nữa “tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại, có gì thông tin sau”,...
Chỉ khi các vụ việc không bưng bít nổi nữa, vỡ lở ra và đặc biệt, khi cơ quan điều tra vào cuộc thì mới tìm ra cái nguyên nhân của sự “không biết” đó. Ví dụ, vụ khai thác và vận chuyển gỗ lậu của ông trùm Phượng “râu” trên địa bàn Tây Nguyên bao nhiêu năm trời các cơ quan quản lý và chính quyền nơi đây không biết thì giờ phát hiện hàng loạt cán bộ nhận tiền của ông trùm gỗ lậu này để im lặng và “không biết”.
Không thể nói là “không biết’ khi quyền hạn và trách nhiệm của anh là phải biết những chuyện đó. Trả lời “không biết” là cách ứng xử gây phản cảm cho người hỏi, người nghe và không ai tin là anh không biết cả!