Đó là Nghị định số 57/2016/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng; Nghị định 58/2016/NĐ-CP về kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; Nghị định 60/2016/NĐ-CP về một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường;
Nghị định 62/2016/NĐ-CP về điều kiện hoạt động giám định tư pháp xây dựng và thí nghiệm chuyên ngành xây dựng; Nghị định 63/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; Nghị định 64/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Nghị định 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe; Nghị định 66/2016/NĐ-CP quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm.
Đây là những nghị định đầu tiên trong trong số 50 nghị định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD) được Chính phủ ban hành theo yêu cầu của Luật Đầu tư. Trong quá trình xây dựng các nghị định, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục nhấn mạnh yêu cầu không nâng cơ học các điều kiện đầu tư kinh doanh từ thông tư lên nghị định, kiên quyết cắt bỏ các ĐKKD bất hợp lý, loại bỏ các giấy phép con; quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện.
So sánh các nghị định này và các dự thảo được đưa ra lấy ý kiến trước đó, có thể thấy hàng loạt quy định về ĐKKD đã được bãi bỏ hoặc sửa đổi.
Chẳng hạn, Nghị định 63/2016/NĐ-CP về ĐKKD dịch vụ kiểm định xe cơ giới đã bỏ quy định “nhà văn phòng của đơn vị đăng kiểm phải có diện tích tối thiểu 90m2” trong dự thảo trước đó. Quy định này được đánh giá là chưa hợp lý, bởi diện tích văn phòng lớn hay nhỏ không ảnh hưởng tới chất lượng hoạt động kiểm định.
Điều 13 Nghị định này cũng không còn quy định đăng kiểm viên phải dừng việc tham gia kiểm định trong trường hợp giấy chứng nhận đăng kiểm viên bị mất, hư hỏng. Tương tự, Điều 22 Nghị định đã bỏ quy định đơn vị đăng kiểm phải dừng hoạt động trong trường hợp giấy chứng nhận đủ điều kiện bị mất, bị hỏng…
Trong khi đó, so với dự thảo trước đó, Nghị định 66 đã bãi bỏ rất nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh thực phẩm. Nếu dự thảo trước đó về nội dung này dài tới 18 trang A4, thì nội dung này trong Nghị định được rút gọn còn khoảng 4 trang.
Có thể thấy toàn bộ các quy định chung chung, chưa đáp ứng về tính minh bạch, rõ ràng của ĐKKD như khu vực sản xuất không bị ngập nước, đọng nước, không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật, nhà xưởng phải đủ diện tích, phù hợp, đủ nước sạch, trang thiết bị đủ, phù hợp… đã bị loại bỏ khỏi Nghị định và được sửa đổi theo hướng cụ thể, minh bạch, rõ ràng.
Các quy định tương tự với hoạt động nuôi động vật rừng thông thường, chăn nuôi tập trung gia súc gia cầm, sản xuất, gia công thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản… cũng đã bị loại bỏ.
Đặc biệt, phần Nghị định về điều kiện sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không có nội dung “mỗi doanh nghiệp chỉ được đăng ký 01 hàm lượng hoạt chất cho mỗi dạng thành phẩm của thuốc bảo vệ thực vật”. Đây là quy định tại Thông tư 21/2015 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật, vốn bị các doanh nghiệp phản ứng rất mạnh trong thời gian qua.
Hơn nữa, được biết trong quá trình xây dựng Nghị định này, Bộ NNPTNT đã chủ động đề xuất loại bỏ hẳn các ĐKKD thuộc 3 ngành nghề: Kinh doanh cây cảnh, cây bóng mát; kinh doanh củi và than hồng; kinh doanh ngư lưới, dụng cụ thủy sản.
Đây là những ngành nghề được quy định tại danh mục 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, nhưng thực tế cho thấy không cần phải đặt ra rào cản với doanh nghiệp trong các ngành nghề này.