Những ngôi làng hồi sinh phế liệu

Phế liệu lấy từ các công trình xây dựng bị phá bỏ được tái chế thành những sản phẩm không chê vào đâu được.

Phế liệu lấy từ các công trình xây dựng bị phá bỏ được tái chế thành những sản phẩm không chê vào đâu được.

Hàng ngày, đi trên con đường 70, khi đến đoạn đường dài gần 4km qua địa phận xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm, hay trên quốc lộ 6 thuộc địa phận phường Biên Giang, quận Hà Đông, Hà Nội, có thể dễ dàng nhìn thấy những đống phế liệu xây dựng ngổn ngang xếp cao ngất đang được công nhân phân loại để tái chế, làm mới rồi bán cho người sử dụng.

Muôn hình vạn trạng phế liệu nhà cũ
Muôn hình vạn trạng phế liệu nhà cũ

Những phế liệu ấy được lấy từ những ngôi nhà cũ bị phá bỏ. Thoạt nhìn, tưởng như chúng không còn giá trị sử dụng nhưng hóa ra, sau khi được con người“mông má” chúng sẽ “hồi sinh” như mới. Đó chính là những cánh cửa bằng gỗ, thanh sắt, gạch ngói hay những món đồ gia dụng bằng gỗ...

Cái khó ló cái khôn

Theo những người dân hành nghề tái sản xuất phế liệu xây dựng tại làng Đại Mỗ (xã Đại Mỗ) thì cách đây khoảng 5 năm, ông Nguyễn Quý Thập chính là người đầu tiên khởi xướng cho cái nghề mua bán vật liệu xây dựng cũ nơi đây.

Trao đổi với phóng viên, ông Thập cho biết: “Trước đây tôi chỉ làm nông nghiệp. Sau này, do quá trình công nghiệp hóa mà ruộng đất của gia đình tôi không còn. Trong lúc khó khăn vất vả, tôi đi làm thuê, chuyên phá dỡ phá nhà cũ. Thấy gia chủ bỏ đi các khung cửa và vật liệu xây dựng khác, tôi thấy lãng phí nên cái thì tôi xin, cái thì tôi mua lại rồi về bán cho những người có nhu cầu sử dụng”.

Sau nhiều năm, thấy ông Thập làm ăn thấy khấm khá, một số gia đình trong làng Đại Mỗ cũng bắt chước cung cách kinh doanh này và dần dần nghề thu mua, tái chế phế liệu đã lan rộng ra cả xã.

Anh Phạm Văn Trọng, chủ một xưởng tái chế phế liệu xây dựng cho biết: “Chúng tôi đi đến các gia đình đang tháo dỡ nhà để thu mua các phế liệu như sắt thép, gạch ngói, đồ gỗ... sau đó đem về phân loại. Những thứ còn sử dụng được thì “mông má” lại cho mới rồi bán. Những thứ không còn giá trị tái sử dụng thì bán phế liệu hay làm vật liệu đốt”.

“Lúc đầu còn rất nhiều khó khăn. Nhưng những năm gần đây, do giá thành vật liệu xây dựng lên cao mà nghề thu mua, tái chế phế liệu nhà cũ đã có những bước khởi sắc, cuộc sống của chúng tôi được cải thiện hơn” - anh Trọng tâm sự.

“Cũ người mới ta”

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xưởng, ông Thập tâm sự: “Tất cả các sản phẩm từ phế liệu xây dựng được xẻ ra từ những ngôi nhà, người Đại Mỗ chúng tôi đều có thể biến thành sản phẩm trong xây dựng”.

Chỉ tay vào một đống gạch ngói, ông Thập diễn giải: “Chỗ phế liệu này có thể sử dụng lại hoặc san nền. Sắt được bán sang làng sản xuất thép ở Đa Hội (tỉnh Bắc Ninh). Gỗ được thợ chế tác thành những sản phẩm nội thất trong gia đình như bàn, ghế, tủ... có độ tinh xảo không khác gì làm từ gỗ mới”.

Theo người dân Đại Mỗ, đồ gỗ tái chế là mặt hàng được nhiều người tìm đến mua nhất. Tuy các thành phẩm này có nguồn gốc tái chế nhưng được làm từ nhiều loại gỗ quý như lim, sến, táu của Việt Nam nên còn quý và tốt hơn nhiều loại gỗ mới đang nhập từ nước ngoài.

Cũng giống như ở Đại Mỗ, ngày nay một bộ phận người dân phường Biên Giang hay xã Đồng Mai (quận Hà Đông) đang phát đạt với nghề thu gom các sản phẩm từ sắt về tái tạo lại rồi bán ra thị trường. Theo quan sát của phóng viên, dọc theo quãng đường chưa đầy 2km trên quốc lộ 6 đoạn đi qua phường Biên Giang đã có đến hàng trăm xưởng tái sản xuất các sản phẩm từ sắt trong xây dựng.

Chị Trần Thị Lan Phương (35 tuổi), chủ một cửa hàng buôn bán phế liệu tại làng Mai Lĩnh (xã Đồng Mai) cho biết: “Cách đây chừng hơn chục năm, nghề buôn bán phế liệu chỉ manh mún có chừng 3-4 nhà. Nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, nghề buôn bán phế liệu khá phát triển. Trước đây, chúng tôi chỉ thu mua đồ cũ, nhưng bây giờ do đòi hỏi của nhu cầu thị trường, nên chúng tôi đã mở rộng diện kinh doanh và sản xuất cả đồ mới”.

Anh Nguyễn Văn Phú (ở thị trấn Chúc Sơn, huyện Chư ơng Mỹ), một khách hàng mua cửa sắt cũ tại Biên Giang cho biết: “Gia đình tôi đang xây nhà. Đến khi đi hỏi mua cửa sắt thì các xưởng cơ khí đòi rất đắt. Ở đây bán cửa sắt cũ giá rẻ bằng nửa sản phẩm mới mà vẫn còn rất tốt”.

Trao đổi với PLVN về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Giảng - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mỗ cho biết : “Việc kinh doanh buôn bán phế liệu đã mang lại những hiệu quả tích cực. Ngoài việc tạo thêm được nhiều công ăn việc làm cho nhân dân địa phương, nó còn góp phần tích cực trong việc gián tếp bảo vệ môi trường thông qua việc tái sử dụng các vật liệu trong xây dựng. Nhận thức được điều đó và để tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán, mở rộng quy mô sản xuất của các hộ kinh doanh, ngay từ năm 2004, xã đã có kế hoạch xây dựng chợ vật liệu xây dựng cũ rộng 2ha. Nhưng do mắc quy hoạch của thành phố nên việc xây chợ hiện nay vẫn chưa thể thực hiện được”.

T.Minh - T.Thứ - Q. Du

Đọc thêm