Những người “đùa” với Delta - ý thức ở đâu?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - WHO cảnh báo sự nguy hiểm của đại dịch COVID-19 do sự xuất hiện biến thể Delta. Nhưng gần đây nhiều người cố tình vi phạm các quy định phòng, chống dịch làm hiện hữu nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Tổ chức sinh nhật bất chấp quy định phòng, chống đại dịch COVID-19.
Tổ chức sinh nhật bất chấp quy định phòng, chống đại dịch COVID-19.

Cơn “ác mộng” mang tên Delta

Mới đây, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã có thông tin về biến thể Delta. Theo đó, biến thể Delta được phát hiện đầu tiên tại Ấn Độ, hiện đã có mặt ở ít nhất 98 quốc gia trên thế giới và đang lây lan nhanh chóng trong những cộng đồng chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Biến thể Delta (B.1.167.2) dễ lây nhiễm hơn biến thể Alpha (B.1.1.7) và ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn từ 40-60%. Tỷ lệ lây nhiễm thứ phát (F1 dương tính) của các ca nhiễm biến thể Delta cao hơn so ca nhiễm biến thể Alpha.

Theo thống kê của WHO, tại châu Âu, biến thể Delta đang trên đà lây lan diện rộng ở nhiều nước, như: Pháp, Đức, Italy hay Bồ Đào Nha. Tại vùng England (Anh), số ca nhiễm biến thể này đã nhanh chóng vượt số ca nhiễm biến thể Alpha trước đó và chiếm đến 95% số ca bệnh. Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), biến thể Delta có khả năng lây nhiễm nhanh hơn từ 40 đến 60% so với biến thể Alpha được phát hiện lần đầu tại Anh.

ECDC dự đoán, đến đầu tháng 8, sẽ có tới 70% số ca mắc mới tại EU nhiễm biến thể Delta và con số này sẽ lên tới 90% vào cuối tháng 8. ECDC cảnh báo, biến thể Delta sẽ lây lan rộng trong mùa hè năm nay, đặc biệt ở nhóm người trẻ tuổi là những người chưa được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.

Tại Mỹ, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cũng cảnh báo Delta có khả năng gây bệnh nặng gấp 2,6 lần biến thể Alpha, đặc biệt ở những người chưa tiêm vaccine. Còn tại Việt Nam, dịch bệnh COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khu vực phía Nam đang có chiều hướng gia tăng số ca. GS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh nhận định, một trong những nguyên nhân là do đặc tính lây lan nhanh của biến thể Delta.

Nhưng gần đây, sau những nỗ lực không ngừng nghỉ để dập dịch của cả đất nước lại xuất hiện một số ít cá nhân, tổ chức không tuân thủ các biện pháp phòng dịch, dẫn đến nguy cơ bùng dịch hiện hữu.

Còn thiếu ý thức, dịch còn kéo dài

Mới đây, UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện đối tượng S.M.Q (29 tuổi, quê huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang), trường hợp F0 đã bỏ trốn khỏi khu điều trị Bệnh viện Quân y 110 (ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang). Hiện, Q đang được đưa về Bắc Giang để tiếp tục điều trị COVID-19.

Cũng tại Bắc Giang, lực lượng Công an huyện Hiệp Hòa đã phối hợp Trung tâm y tế khẩn trương củng cố hồ sơ để đề xuất xử lý vi phạm đối với trường hợp F0 đang điều trị COVID-19 tại Trung tâm y tế huyện trèo rào trốn ra ngoài đi mua đồ ăn. Người vi phạm là C.V.N. (SN 1999, quê ở bản Phặng, xã Bon Phặng, huyện Thuận Châu, Sơn La), là công nhân Công ty Samkwang (KCN Quang Châu, Việt Yên) được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hoà do dương tính với SARS-CoV-2…

Tại Thừa Thiên - Huế, lực lượng chức năng liên tục phát hiện lái xe chở hàng từ các vùng dịch vào địa phận Thừa Thiên - Huế khai báo y tế gian dối. Đã xuất hiện ca dương tính COVID-19 trong cộng đồng do liên quan đến một lái xe khai báo không trung thực. Theo lực lượng chức năng, việc lái xe từ các vùng dịch vào mà khai báo gian dối là một trong những nguyên nhân khiến dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Tại Thủ đô Hà Nội, trung tuần tháng 6 giữa lúc dịch bệnh căng thẳng, bất chấp các khuyến cáo, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, hàng trăm nhân viên của tổ hợp các Công ty Win Grown, HDG, HAMAX, Big gold, Medicine King vẫn tổ chức sinh nhật, tụ tập đông người, không khẩu trang, bật nhạc lớn, cùng nhau ăn uống, hò hét, chúc mừng và không có bất cứ biện pháp phòng chống dịch nào...

Một câu hỏi đặt ra là những người đã và đang có hành động vô ý thức như trốn khu tập trung, trốn khai báo y tế, tụ tập ăn nhậu... giữa đại dịch liệu có nghĩ đến cảnh cả nước vẫn đang gồng mình chống dịch, những y, bác sỹ kiệt sức trong lúc làm nhiệm vụ, có những người không thể về chịu tang người thân?

Nữ điều dưỡng N.T.C đang làm nhiệm vụ tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Bắc Giang không thể về quê chịu tang mẹ. Trước đó, một nữ bác sĩ công tác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng chia sẻ câu chuyện: thời điểm bệnh viện tạm thời bị cách ly y tế, chị và các đồng nghiệp vẫn ngày đêm chiến đấu để giữ lại mạng sống cho các bệnh nhân COVID-19.

Một cặp vợ chồng phải gửi 2 con nhỏ nhờ bà ngoại trông để đi chống dịch, bà ngoại qua đời nhưng họ cũng không thể về chịu tang. Nhiều câu chuyện không vui khác nữa, như một điều dưỡng bị một bệnh nhân COVID-19 lao vào phòng hành chính khoa to tiếng, bóp cổ yêu cầu cung cấp số điện thoại của Giám đốc Bệnh viện...

Có thể thấy, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước cùng với việc thực hiện nghiêm, quyết liệt các giải pháp ứng phó, ngăn chặn dịch thì ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn dịch bệnh. Mỗi người dân và gia đình cần gương mẫu tuân thủ nghiêm các quy định để trở thành những “chốt chặn” quan trọng nhất cùng với lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch. Đó cũng chính là cách thể hiện trách nhiệm công dân với đất nước.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm