Ở Lanh Trắng có rất nhiều điều đặc biệt…
Vào những ngày tháng 10 này, trời cao nguyên đá thường hay có những cơn mưa sụt sùi quyện với làn sương giá buốt. Và câu chuyện trong làn sương giá buốt ấy xưa nay thường là những thân phận phụ nữ Mông với công việc chính là việc nhà. Hiếm có người nào có công việc có thể kiếm ra tiền để có thể tự mua cho mình, cho con cái quần cái áo hay thỏi son làm đẹp. Không ít người đã bị chồng đánh khi cần tiền để chi phí cho vệ sinh phụ nữ cá nhân. Cuộc sống bế tắc, bị bạo lực đã khiến phụ nữ Mông bỏ nhà đi sang biên giới tìm việc và rơi vào các đường dây mua bán người.
Thực tế này khiến cho chị Vàng Thị Cầu - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn, cũng là một người phụ nữ Mông trăn trở. “Phụ nữ có việc làm, có thu nhập là có sự bình đẳng và được tôn trọng, yêu thương”, chị nung nấu suy nghĩ tạo công ăn việc làm cho những người phụ nữ Mông ở Sà Phìn.
Từ khi còn nhỏ, chị Cầu đã được mẹ truyền dạy cách làm ra những chiếc váy trắng, áo trắng của người Mông bằng sợi lanh. Nhưng nghề dệt lanh truyền thống ở đây đã bị mai một, rất ít người còn biết nghề. Có sẵn kiến thức nghề dệt lanh truyền thống, chị Vàng Thị Cầu quyết định dạy nghề cho nhiều chị em phụ nữ Mông trong huyện. Và tiếp theo đó là ngày 23/11/2017, Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp thôn Sà Phìn A (tên tiền thân của Hợp tác xã Lanh Trắng) được khai trương và tháng 3/2018 mẻ hàng đầu tiên đã được bán ra thị trường.
Hiện nay, HTX Lanh Trắng đã làm ra được 47 loại sản phẩm thủ công mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông. Sản phẩm làm ra được bày bán ngay tại chỗ phục vụ nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của du khách, nhất là du khách nước ngoài. Không dừng lại ở đó, hiện nay sản phẩm của HTX đã bắt đầu xuất nhiều quốc gia khác.
Ở HTX Lanh Trắng có rất nhiều điều đặc biệt và một trong những điều đặc biệt đó là rất nhiều thành viên hợp tác xã là những mảnh đời đã từng rất bất hạnh, nạn nhân của bạo lực gia đình, mua bán người.
Câu chuyện của Sùng Thị Si - Giám đốc điều hành của HTX Lanh Trắng là một ví dụ.
Ngôi nhà của Sùng Thị Si ngay gần trụ sở của HTX Lanh Trắng. Chồng chị Si thường xuyên say rượu, hay đánh chửi vợ con. Biết được hoàn cảnh của Si, chị Vàng Thị Cầu thuyết phục được hai vợ chồng Si cùng tham gia vào HTX Lanh Trắng. Chỉ chưa đầy 6 tháng sau đã mang lại hiệu quả bất ngờ.
Có việc làm và thu nhập, anh chồng đã bớt hẳn uống rượu, không còn đánh chửi vợ con, trở thành lao động chính, là thành viên tích cực nhất trong HTX, gánh vác hết những việc nặng nhọc thay chị em. Còn Sùng Thị Si được giao đảm nhiệm trọng trách là Giám đốc điều hành của HTX Lanh Trắng.
Tháng 10/2018, Sùng Thị Si vừa cùng Hợp tác xã Lanh Trắng bảo vệ thành công “Đề án phát triển các sản phẩm thổ cẩm từ vải lanh tự nhiên”, là 1 trong 5 đề án khởi nghiệp xuất sắc được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ vốn mức cao nhất để tiếp tục phát triển.
Thời điểm đó, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, Sùng Thị Si phấn khởi kể: “Dù chưa tròn một năm hoạt động nhưng các chị em trong HTX đã thấy mình tự tin lên rất nhiều. Có công ăn việc làm, họ có tiền để mua sắm cho con cái, bản thân và cả mua quà cho mẹ nữa. Chồng thấy vợ tự kiếm ra tiền, không xin tiền mình, cũng không dám đánh mắng vợ nữa. Các chị em có công việc, có thu nhập, có cuộc sống dễ chịu hơn nên không bỏ nhà ra đi nữa”.
Điểm tựa vững chắc cho những cuộc đời phụ nữ
Một tháng 10 nữa lại về. Tháng 10 năm nay, tại Lễ trao giải chung kết toàn quốc cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” ngày 12/10/2024 vừa qua, trong số 24 ứng viên được trao giải Khuyến khích có chị Vừ Thị Hà với Dự án Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn Vần Chải B, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Gặp lại ở trời thu Hà Nội, chị Vàng Thị Cầu vui vẻ cho phóng viên biết, HTX đang phát triển ổn định, thu nhập trung bình của các thành viên là từ 9-10 triệu/tháng. “Bí quyết phát triển của chúng tôi là sự tâm huyết với nghề, tâm huyết với sự truyền nghề cho chị em phụ nữ. Hiện nay chúng tôi đã thành lập được 7 tổ hợp tác, 2 tổ trong số đó đạt được giải phụ nữ khởi nghiệp. Hàng năm thường xuyên có từ 4-10 lớp dạy nghề được mở cho thành viên hợp tác xã”, theo chị Cầu.
|
Chị Vàng Thị Cầu và Vừ Thị Hà với Dự án Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm thôn Vần Chải B, xã Vần Chải, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đạt Giải Khuyến khích cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” tháng 10/2024. |
Trải lòng về “sức mạnh” góp phần ngăn chặn bạo lực gia đình của HTX Lanh Trắng, chị Vàng Thị Cầu cho biết: “Có thể khẳng định HTX và các tổ hợp tác đã góp phần hạn chế tối đa bạo lực gia đình; phụ nữ đi lao động trái phép sang Trung Quốc, rơi vào đường dây mua bán người; giảm hộ nghèo ở địa phương. Khi phụ nữ có việc làm, có thu nhập ổn định, có tiếng nói trong gia đình thì bạo lực gia đình sẽ giảm rất nhiều. Các thành viên chủ chốt của HTX như giám đốc, các tổ trưởng đều là nạn nhân của bạo lực gia đình, thế nên hơn ai hết họ đều hiểu giá trị của việc phụ nữ có công ăn việc làm, có thu nhập. Và họ đang ngày đêm nỗ lực không quản công sức vì điều đó”.
Đúng là như vậy, chị Sùng Thị Si và các thành viên của HTX Lanh Trắng đều coi đây là điểm tựa vững chắc cho cuộc đời của mình. Nhưng vẫn còn đó, điều trăn trở của họ là làm sao tiếp tục hỗ trợ được nhiều hơn nữa những mảnh đời phụ nữ, trẻ em bất hạnh, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nơi biên cương địa đầu cực bắc của Tổ quốc. Muốn vậy thì “rất mong địa phương sẽ hỗ trợ vay vốn không lãi suất để hợp tác xã có thể phát triển thêm các tổ hợp tác, như tổ hợp tác hôm nay của thôn Vần Chải B, xã Vần Chải đã đạt giải Khuyến khích chung kết toàn quốc cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh”, như trải lòng của Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đồng Văn Vàng Thị Cầu.