Những “nhà đầu tư” liều mạng

(PLVN) - Những ngày vừa qua, hàng trăm người tập trung đến gần trụ sở Công an TP HCM để làm đơn tố cáo một “sàn giao dịch trên mạng”.

Theo những người tố cáo, “thủ phạm” đã giới thiệu là Cty cung cấp nền tảng bảo hiểm giao dịch đầu tư; có sàn giao dịch chuyên thực hiện các giao dịch vàng, USD, Bitcoin, giao dịch dự đoán giá ngắn hạn.

Những người tham gia vào hệ thống chỉ cần tải phần mềm một ứng dụng vào điện thoại di động, đăng nhập bằng số điện thoại của mình, nộp tiền vào ứng dụng là có thể bắt đầu “đầu tư”.

Công việc của mỗi “nhà đầu tư” là sẽ bấm dự đoán giá tiền ảo, giá vàng, ngoại tệ lên hoặc xuống. Nếu đoán đúng, “nhà đầu tư” nhận 73% tiền thắng. Nếu sai, vốn của họ sẽ bị trừ. Và “khi thua liên tiếp 6 lần thì nhà đầu tư phải dừng lại, báo về hệ thống để được bảo hiểm đền 100%. Việc hoàn trả bảo hiểm được cam kết tự động trả lại ngay trong ngày”. Các “nhà đầu tư” còn kiếm tiền bằng cách giới thiệu thành viên mới, hoa hồng lên đến 1,8 triệu đồng mỗi lần. 

Trên website của “Cty” này còn quảng cáo “có tập đoàn mẹ ở Anh và được cấp phép bởi Ủy ban chứng khoán Bahamas; văn phòng đại diện nằm trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh; là Cty duy nhất bảo hiểm 100% vốn giao dịch ở Việt Nam, an toàn tuyệt đối, không sợ thua lỗ”. 

Theo các “nhà đầu tư”, “Cty” từng đứng ra tổ chức nhiều sự kiện tại các khách sạn 5 sao và mời “nhà đầu tư” đến dự để tăng thêm sự tin tưởng. 

Đêm 17/4, toàn bộ các ứng dụng liên quan tới “hệ thống” này bất ngờ sập. Các website liên quan đến “Cty” này không thể truy cập. Toàn bộ số tiền các “nhà đầu tư” nộp vào “ứng dụng” nguy cơ bị mất. Theo một ước đoán, đến thời điểm ứng dụng này sập, đã có hơn 68.000 thành viên. Nhiều người đã nộp hàng tỷ đồng vào ứng dụng.

Các “nhà đầu tư” sau đó đến “trụ sở Cty” ở quận Bình Thạnh thì phát hiện đây chỉ là địa điểm ảo, không có bất cứ văn phòng đại diện hay người phụ trách nào. Tới lúc này các “nhà đầu tư” mới cuống cuồng tìm đến kêu cứu công an. Người cho rằng “được giới thiệu chơi thử, thấy dễ kiếm lời nên rủ người thân tham gia”, người cho hay từng tự tin “xác định chỉ lướt sóng, kiếm được số vốn rồi rút lui” nhưng không ngờ đối diện nguy cơ trắng tay nhanh đến vậy.

Nghi án mới, nạn nhân mới, nhưng dạng tội phạm thì không mới. Từ rất nhiều năm nay đã xảy ra rất nhiều dạng vụ án tương tự, báo chí liên tiếp phản ánh, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp cảnh báo.

Tại cuộc họp báo Chính phủ đầu tháng 3/2021 vừa qua, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - một lần nữa cảnh báo người dân không nên bỏ tiền để “đầu tư tài chính” vào lĩnh vực ngoại hối, vào những ứng dụng trên mạng. “Do không đúng pháp luật nên việc người dân đưa tiền vào đầu tư là hết sức rủi ro, pháp luật không bảo vệ những rủi ro đó. Mỗi người cần hết sức thận trọng, nhất là những kinh doanh mời chào lãi suất, lợi nhuận cao, có dấu hiệu không minh bạch, không đúng đắn”, đại diện NHNN nói.

Đại diện NHNN cũng khẳng định ngay từ những năm 2012, 2013 và 2014, cơ quan này đã xác định các loại tiền ảo không phải là tiền pháp lệnh, chỉ là tài sản ảo, không có chức năng thanh toán, pháp luật không cho phép.

Như vậy, các nạn nhân trong sự việc nêu trên, nhìn nhận ở một góc độ nào đó là những “nhà đầu tư” bất hợp pháp. Bản thân họ cũng thừa nhận điều này, khi có người phân trần “cần tiền nên liều”. Nay họ rơi vào tình cảnh “vừa giận vừa thương”. 

Một vấn đề khác cũng cần nhắc tới, là dù Ban Tuyên giáo TW, Bộ TT&TT đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng một số phương tiện truyền thông vẫn thường xuyên có các bài viết giới thiệu, vô tình “quảng cáo” cổ xúy cho các loại tiền ảo, các “sàn giao dịch” bất hợp pháp; cũng là một phần nguyên nhân dẫn đến việc các “nhà đầu tư” cả tin, “sập bẫy” tội phạm mạng như trên.   

Đọc thêm