Những ngày qua, tang tóc bao trùm làng biển hai xã Tam Quang, Tam Giang (huyện Núi Thành) bởi 13 ngư dân mất tích vẫn “bặt vô âm tính”. Hy vọng mong manh cũng dần tắt khi tối 22/10, các tàu cứu hộ đã rút về, kết thúc đợt tìm kiếm quy mô.
Trong số 13 thuyền viên mất tích, xã Tam Giang có 5 người, trong đó 4 người cùng ở làng Đông An. Xóm biển những ngày này mưa sụt sùi, ai cũng đau buồn trước mất mát quá lớn. Hôm rồi, cả trăm người dân đội mưa, đưa tiễn hai ngư dân Đỗ Văn Hải và Đặng Minh Vương (hai người tử nạn được tìm thấy thi thể, tàu đưa về đất liền hôm 20/10), về nơi an nghỉ cuối cùng. Cả xóm rơi nước mắt. Nghĩa địa bên đường dẫn vào làng nay mọc lên 2 ngôi mộ mới.
Chị Đặng Thị Bình (vợ ngư dân Lương Ngọc Anh, thuyền viên tàu QNa 90129, hiện đang mất tích) tiều tụy không còn sức để ra tiễn đưa người bạn ngư dân gặp nạn.
Chị Bình nghẹn giọng: “Cả tuần nay tôi không thể chợp mắt khi chồng cùng bạn tàu khác vẫn còn nằm đâu đó ngoài biển. Ảnh nói đi chuyến này kiếm ít tiền lo cho con học, sắm sửa Tết mà đến giờ không thấy về. Tôi tha thiết mong các bác ngư dân ngoài đó cố tìm giúp, đưa chồng tôi về. Dù điều tệ nhất có xảy ra, tôi cũng mong thấy xác để chôn cất nhang khói, chứ anh nằm lạnh lẽo ngoài đó tội nghiệp”.
Người thân chị Bình cho biết, hơn 10 năm lấy nhau, chuỗi ngày vợ chồng gặp nhau chẳng được bao nhiêu khi anh phải đi biển biền biệt. Một tay chị Bình cáng đáng hết mọi việc trong nhà, cả 2 lần vượt cạn sinh con cũng vắng chồng.
Nhưng chị Bình không bao giờ kêu ca. Chị hiểu anh vì mưu sinh để làm điểm tựa cho gia đình. Nhưng lần này chị không còn mạnh mẽ được nữa. Hung tin chồng gặp tai nạn trên biển rồi mất tích khiến người phụ nữ đảm đang suy sụp. Hai đứa con thơ còn quá nhỏ để hiểu chuyện gì đang xảy ra, cứ vô tư hỏi “khi nào ba về, ba đi đâu mà lâu vậy” khiến người mẹ càng thêm đau thắt lòng.
Ở xã bên, không khí tang thương cũng bao trùm làng biển Xuân Trung (xã Tam Quang) khi nơi đây có 7 ngư dân đi trên 2 tàu câu mực đã không trở về sau đêm lốc xoáy. Bao ngày ngóng chờ trong nước mắt, nay các gia đình đau xót dựng lên những hình nộm nằm thay thế cho các thi thể lạnh lẽo ngoài khơi xa.
Có mặt tại nhà chị Phạm Thị Liên (vợ ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp, thuyền viên tàu QNa 90129 TS mất tích) nhiều người không cầm được nước mắt trước hình ảnh hai đứa con thơ và người phụ nữ mang bầu 7 tháng ngồi thẫn thờ bên quan tài, bên trong là hình nặn đất sét. Bên cạnh là ban thờ, trên đặt di ảnh, trái cây, câu đối… Đủ những nghi thức của một lễ tang. Việc lập bàn thờ này là cách người dân làng biển vẫn làm khi người thân mất tích, mong người xấu số được an nghỉ.
19h30 ngày 16/10, tàu cá QNa 90129 TS hành nghề câu mực, đang hoạt động tại tọa độ 13°37'N-114°39'E (cách mũi An Hòa, Núi Thành khoảng 370 hải lý về hướng Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây/Trường Sa khoảng 132 hải lý về hướng Bắc - Đông Bắc) thì bị lốc xoáy đánh chìm.
Ít tiếng đồng hồ sau đó, lúc 1h ngày 17/10, tàu cá QNa 90927 TS hành nghề câu mực, đang hoạt động tại tọa độ 13°32'N-113°27'E (cách bờ biển TP Quy Nhơn, Bình Định khoảng 240 hải lý về hướng Đông - Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc - Tây Bắc) thì bị sóng đánh chìm.
Hai vụ tai nạn khiến 13 ngư dân mất tích (tàu QNa 90129 TS còn 12 thuyền viên; tàu QNa 90927 TS còn 1 thuyền viên). Sau 6 ngày nỗ lực với 5 tàu công suất lớn và nhiều tàu ngư dân quần thảo mở rộng phạm vi tìm kiếm nhưng 13 ngư dân Quảng Nam mất tích do chìm tàu trên biển vẫn chưa được tìm thấy. Chiều ngày 22/10, lực lượng chức năng thông báo kết thúc quá trình tìm kiếm.
Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, những ngày qua lực lượng chức năng đã cố gắng mở rộng phạm vi tìm kiếm theo nguyện vọng của người thân các nạn nhân, tuy nhiên không tìm thêm được ngư dân nào.
Công tác tìm kiếm kết thúc. Tuy nhiên, lực lượng chức năng sẽ thông báo đến các tàu hàng, tàu cá hoạt động gần đó quan sát, theo dõi. Nếu phát hiện các nạn nhân sẽ vớt và báo với lực lượng chức năng.
Ông Phan Vĩnh Tiến, Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, cả xã có 14.000 nhân khẩu, 70% theo nghề đi biển. Năm nay ngư dân đối mặt nhiều khó khăn, từ “bão giá” xăng dầu, ngư trường dần cạn kiệt đến thu nhập bấp bênh do khan hiếm bạn tàu… Nhưng các ngư dân vẫn kiên trì bám biển.