Vụ lốc xoáy đánh chìm 2 tàu câu mực: Tận dụng hết cỡ giờ vàng cứu chữa nạn nhân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại buổi làm việc với các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam về công tác tìm kiếm cứu nạn các ngư dân mất tích trong vụ lốc xoáy đánh chìm 2 tàu câu mực trên biển, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo: Tận dụng hết cỡ giờ vàng cứu chữa nạn nhân

Chiều 17/10, tại Đồn cửa khẩu Cảng Kỳ Hà, Đoàn công tác Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai do Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Cảnh sát biển để bàn về công tác cứu hộ, tìm kiếm tung tích các ngư dân còn mất tích trong vụ lật hai tàu câu mực cùng gần 100 ngư dân trên biển.

Tại buổi làm việc, đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo chi tiết về vụ lật hai tàu cá trên biển.

BTL Hải quân đã điều động 3 tàu là tàu 467, 471 (BTL Vùng 4 Hải quân) và tàu 735 (Hải đoàn 128) chuẩn bị sẵn thiết bị hành quân ra khu vực tàu bị nạn ứng cứu ngư dân.

BTL Hải quân đã điều động 3 tàu là tàu 467, 471 (BTL Vùng 4 Hải quân) và tàu 735 (Hải đoàn 128) chuẩn bị sẵn thiết bị hành quân ra khu vực tàu bị nạn ứng cứu ngư dân.

Theo báo cáo, vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 16/10, tàu cá Qna 90129 TS do ông Lương Văn Viên (SN 1976, trú xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam làm thuyền trưởng), hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động, đang hoạt động cách đảo Song Tử Tây, Trường Sa khoảng 70 hải lý về hướng Bắc - Đông Bắc thì bị lốc xoáy làm chìm tàu.

Tàu cá QNa 90039 TS hoạt động gần khu vực này đã vớt được 42 thuyền viên trên tàu cá QNa 90129 TS, hiện còn 12 ngư dân mất tích.

Tại một khu vực biển khác, lúc 1 giờ ngày 17/10, tàu cá QNa 90927 TS do ông Trần Công Trường (SN 1981, trú xã Tam Giang, làm thuyền trưởng), hành nghề câu mực, trên tàu có 39 ngư dân, đang hoạt động tại vùng biển cách bờ biển TP Quy Nhơn khoảng 240 hải lý về hướng Đông - Đông Nam, cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý về hướng Bắc - Tây Bắc, thì bị sóng đánh chìm.

Tàu cá QNa - 91782 TS hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 38 ngư dân trên tàu cá QNa - 90927 TS.

“Trong tổng số các ngư dân được hai tàu cá hoạt động gần đó cứu vớt thì hiện nay đã có 2 người tử vong. Hiện cả hai tàu còn 13 ngư dân mất tích”, đại tá Hiền nói.

Đại tá Trần Tiến Hiền cũng thông tin, hiện Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã báo cáo vụ việc Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng. Đồng thời, huy động các lực lượng của quân đội, kiểm ngư tham gia tìm kiếm cứu nạn cứu hộ các ngư dân đang mất tích.

“Lúc trưa nay, hai tàu kiểm ngư đã khởi hành tới khu vực tàu QNa 90129 TS gặp nạn để tham gia cứu hộ, tìm kiếm tung tích 12 ngư dân đang mất tích. Dự kiến đến 22 giờ tối nay, hai tàu này sẽ đến hiện trường tham gia tìm kiếm tung tích người mất tích và hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe và đưa số ngư dân bị nạn vào bờ để cứu chữa”, đại tá Hiền nói.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp (áo xanh bên trái) chỉ đạo công tác cứu hộ, tìm kiếm tung tích các ngư dân còn mất tích trong vụ lật hai tàu câu mực.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp (áo xanh bên trái) chỉ đạo công tác cứu hộ, tìm kiếm tung tích các ngư dân còn mất tích trong vụ lật hai tàu câu mực.

Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNN Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo các lực lượng chức năng phải quyết liệt, tập trung nhân lực để cứu người.

“Bây giờ phải cố gắng trong 22 giờ tối nay các tàu cứu hộ phải tiếp cận được hai tàu câu mực gặp nạn, đặc biệt là tàu hiện còn 12 người mất tích. Chúng ta phải tận dụng giờ vàng đến 12 giờ trưa mai, tập trung tất cả phương tiện, quyết liệt tìm kiếm các ngư dân còn mất tích”, thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh.

Theo thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, những ngư dân gặp nạn đã được cứu chủ yếu do tàu cá của các ngư dân hoạt động gần đó ứng cứu. Do vậy, cần dựa vào và huy động những ngư dân có kinh nghiệm trên biển tham gia công tác tìm kiếm, cứu hộ.

“Nhiệm vụ cấp bách bây giờ là tập trung tìm kiếm tung tích ngư dân. Thứ hai là tiếp cận được tàu cứu hộ thì phải cố gắng đảm bảo sức khỏe cho ngư dân, không nên để trường hợp đã cứu được người rồi mà lại mất đi vì sức khỏe yếu. Ngoài ra, trong trường hợp bất khả kháng thì tỉnh phải có kế hoạch đưa đón bà con, lo hậu sự chu đáo. Những trường hợp nào còn mất tích thì phải an ủi, động viên gia đình các ngư dân”, ông Hiệp yêu cầu.

Đọc thêm