Theo hãng tin Yonhap, thỏa thuận mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đạt được tại Hà Nội trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh lần hai dự kiến sẽ tập trung vào việc ông Kim Jong-un có sẵn sàng từ bỏ tổ hợp hạt nhân Yongbyon hay không và Mỹ sẽ làm gì để đáp lại.
Kết thúc hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, các nhà lãnh đạo hai nước dự kiến ra một tuyên bố mà nhiều người dự đoán sẽ đưa mối quan hệ hai nước lên một quỹ đạo mới.
Trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh tuần này là làm thế nào để làm rõ thỏa thuận mơ hồ mà Mỹ và Triều Tiên đã ký kết trong cuộc gặp đầu tiên trong lịch sử tại Singapore vào tháng Sáu năm ngoái.
Tại các cuộc đàm phán ở Singapore, hai bên đã đồng ý hướng tới "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" Bán đảo Triều Tiên, thiết lập quan hệ song phương "mới" và nỗ lực chung để xây dựng một "cơ chế hòa bình lâu dài và ổn định" trên bán đảo bị chia cắt này.
Trọng tâm của tuyên bố có khả năng là các chi tiết cụ thể về cách Bình Nhưỡng và Washington có thể đạt được tiến bộ trong việc phi hạt nhân hóa. Ngày càng có nhiều người dự đoán rằng Triều Tiên sẽ cam kết đóng cửa hoặc phá dỡ các cơ sở chính trong tổ hợp hạt nhân Yongbyon của nước này hoặc từ bỏ vũ khí hạt nhân "trong tương lai."
Bình Nhưỡng cũng có thể chấp nhận khai báo các cơ sở hạt nhân hoặc các nguyên liệu phân hạch của mình - một yêu cầu của Mỹ mà Triều Tiên lo ngại Mỹ có thể đưa các cơ sở này vào danh sách các mục tiêu tấn công ở Triều Tiên.
Hãng truyền thông Vox có trụ sở tại Mỹ cho rằng Triều Tiên đã đồng ý ngừng sản xuất nguyên liệu chế tạo bom hạt nhân tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Đổi lại, Mỹ đồng ý nới lỏng các lệnh trừng phạt để các dự án kinh tế liên Triều có thể được triển khai.
Trong bài phát biểu ngày đầu năm mới, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã kêu gọi nối lại các tour du lịch bị dừng từ lâu đến Núi Kumgang trên bờ biển phía Đông của Triều Tiên và mở lại khu công nghiệp chung Kaesong hiện đang bị đóng cửa.
Ông Moon Chung-in, cố vấn chính sách đối ngoại đặc biệt của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, cho rằng nếu Bình Nhưỡng đồng ý tháo dỡ vĩnh viễn tổ hợp hạt nhân Yongbyon, Triều Tiên sẽ "xứng đáng" được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt. Sau một diễn đàn ở thủ đô Washington (Mỹ), ông nói với các phóng viên rằng: "(Washington) cũng có thể giảm bớt trừng phạt nếu (Triều Tiên) phá hủy vĩnh viễn tổ hợp Yongbyon... bởi vì đây là bước đầu tiên hướng tới giai đoạn không thể đảo ngược (phi hạt nhân hóa)."
Tuy nhiên, ông cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt có thể "khó xảy ra."
Các nhượng bộ khác mà Mỹ có thể đưa ra là tăng viện trợ nhân đạo và nới lỏng các hạn chế đi lại của công dân Mỹ đến Triều Tiên.
Về mối "quan hệ mới," tuyên bố có thể bao gồm thỏa thuận lập văn phòng liên lạc của Mỹ ở Bình Nhưỡng và một văn phòng của Triều Tiên tại Washington. Việc thành lập các văn phòng như vậy được coi là một quá trình ban đầu hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương.
Về một cơ chế hòa bình, hãng truyền thông Vox cho rằng hai nước có thể nhất trí ký tuyên bố hòa bình chấm dứt một cách tượng trưng cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Cuộc xung đột này đã kết thúc bằng một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp ước hòa bình. Đầu tuần này, Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã đề cập khả năng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Một sự nhượng bộ khác là Triều Tiên có thể đồng ý hồi hương thêm nhiều hài cốt quân nhân Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. Năm ngoái, Triều Tiên đã trả lại hài cốt của 55 quân nhân Mỹ./.