Những nữ nghệ sĩ tiên phong đưa cải lương lên mạng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Họ là những nghệ sĩ cải lương thuộc nhiều thế hệ, dẫu cho cải lương không còn là nghệ thuật của “thời cuộc”, nhưng vẫn đau đáu một lòng trên hành trình gian khó gìn giữ di sản của tiền nhân.
NSND Bạch Tuyết kết hợp ca sĩ nhạc trẻ để ra MV cải lương phong cách “mới”.
NSND Bạch Tuyết kết hợp ca sĩ nhạc trẻ để ra MV cải lương phong cách “mới”.

Bước tiên phong của “cải lương chi bảo”

Nhắc đến nghệ sĩ cải lương thế hệ trước, người ta có thể nghĩ ngay đến những gì thuộc về truyền thống, xưa cũ, chậm hơn nhịp đập của thời đại. Thế nên, khi những nghệ sĩ gạo cội lên mạng để “giữ nghề”, không ít khán giả cảm thấy rất thích thú, ủng hộ nhiệt tình. Nếu nhắc đến những “báu vật” của nghệ thuật cải lương đương thời, không thể không nhắc đến NSND Bạch Tuyết. Bước chân vào nghệ thuật cải lương từ lúc mới còn là thiếu nữ, đến nay đã bước dần đến mốc 80 tuổi, bà đã có một sự nghiệp nghệ thuật đỉnh cao, được mệnh danh là “cải lương chi bảo” của người Việt.

Nhưng Bạch Tuyết được trân trọng, ngưỡng mộ không chỉ vì sự nghiệp cải lương của bà, mà còn bởi tâm huyết của nữ nghệ sĩ với nghệ thuật sân khấu, với việc gìn giữ và bảo tổn di sản văn hóa của dân tộc. Suốt nhiều năm qua, Bạch Tuyết đã thực hiện rất nhiều dự án để phát triển cải lương, đưa nghệ thuật cải lương gần hơn với công chúng.

Từ 4 - 5 năm trước, ở tuổi ngoài 70, Bạch Tuyết đã là một trong những nghệ sĩ tiên phong “đưa cải lương lên mạng”. Bà lập kênh riêng có tên Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Bạch Tuyết trên YouTube để tải lên những clip cải lương tự thu âm, cover các ca khúc nhạc trẻ đang được yêu thích qua hình thức ca vọng cổ. Các ca khúc “hot” của Sơn Tùng, Hương Tràm, Noo Phước Thịnh, Bảo Anh... được bà cover lại theo các điệu cải lương Phượng hoàng, Lý ngựa ô Nam, Xuân tình, Duyên kỳ ngộ... Thậm chí, bà được coi là nghệ sĩ cải lương “theo trend” bậc nhất khi luôn cập nhật những bài hát nhạc trẻ mới để cover. Khi thể loại rap nổi đình nổi đám trên các gameshow, Bạch Tuyết đã nhanh chóng ra MV hát kết hợp giữa cải lương với rap, song ca cùng một nam rapper đình đám.

Chính vì thế, kênh của Bạch Tuyết thu hút rất nhiều bạn trẻ xem. Có clip đạt vài trăm ngàn lượt xem, lọt vào top thịnh hành của Youtube. Nhiều khán giả trẻ còn có thói quen hễ có ca khúc nhạc trẻ nào mới là vào Youtube “đặt hàng” Bạch Tuyết cover thành cải lương. Trong các video, nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng luôn trò chuyện, chia sẻ về “lửa nghề”, về tình yêu cải lương, về cái hay, cái đẹp của cải lương cho công chúng. Khi Tiktok thịnh hành, nghệ sĩ Bạch Tuyết cũng không bỏ lỡ, lập tức có kênh riêng cho mình để đăng tải các clip cải lương phong cách trẻ để kết nối với khán giả trên nền tảng này.

NSND Bạch Tuyết cũng thường xuyên kết hợp với các trường đại học để giao lưu, chia sẻ về cải lương với sinh viên thông qua các buổi nói chuyện với chủ đề rất đa dạng và cập nhật liên tục các sự kiện, clip trên các nền tảng mạng xã hội. Có thể nói, NSND Bạch Tuyết đã biến mạng xã hội thành một công cụ tuyệt vời để tiếp cận khán giả, thay đổi nhận thức, truyền “lửa nghề” vào phần nào đào tạo thế hệ kế cận.

Đổi thay để phát triển

Thời gian qua, khán giả chứng kiến sự ra đời các kênh trên Youtube, Tiktok, Facebook... của hàng loạt nghệ sĩ cải lương gạo cội như: NSND Lệ Thủy lập Fanpage, NSƯT Diệu Hiền ra mắt kênh Youtube dù tuổi gia sức yếu; NSƯT Thanh Điền lập kênh Youtube Thanh Điền - Thanh Kim Huệ...

Đáng nói là các kênh này được người hâm mộ yêu thích, nhanh chóng đạt số người theo dõi từ vài ngàn đến vài chục ngàn người. Hay như NSND Kim Cương, dùng mạng xã hội với kênh YouTube mang tên “Kỳ nữ Kim Cương”, có cả trang web và fanpage cùng tên trên Facebook. Không chỉ thế, bà còn phát hành hồi ký “Sống cho người, sống cho mình” dưới định dạng sách nói (audio book), đồng thời phát hành trên kênh YouTube của mình.

Nhiều nghệ sĩ, tuy lớn tuổi, không sử dụng mạng xã hội nhuần nhuyễn như giới trẻ, nhưng cũng nhờ con cháu, người thân lập kênh, điều hành giúp, nhằm đăng tải các clip cải lương và giao lưu với khán giả.

Thế hệ “U80” đã “tân tiến” thế, nên các thế hệ kế cận không thể không năng động. Hiện nay, hầu hết nghệ sĩ cải lương từ trung niên đến trẻ tuổi đều sở hữu một hoặc nhiều kênh, thu hút đông đảo khán giả theo dõi. Có thể kể đến Ngọc Huyền, Linh Tâm, Thoại Mỹ, Quế Trân, Kim Tử Long, Bình Tinh, Thanh Ngân, Lê Tứ, Hồ Minh Đương, Võ Minh Lâm… Mỗi một kênh như “nhà hát cải lương” thu nhỏ, nơi mà các nghệ sĩ đăng tải lại các clip vở diễn đã từng tham gia, lẫn hát trực tiếp, hát theo ngẫu hứng, rồi trò chuyện tâm tình, giao lưu cùng khán giả...

Cải lương là một trong những di sản nghệ thuật quý báu, đáng gìn giữ của dân tộc. Nhiều năm qua, những câu hỏi đau đáu đã đặt ra khi mà sự phát triển của ngành giải trí ngày một mạnh mẽ có nguy cơ đẩy lùi những giá trị văn hóa - nghệ thuật cổ truyền. Nhưng, riêng với cải lương, niềm tin về sự tồn tại và phát triển vẫn mạnh mẽ lắm. Niềm tin ấy đến từ những thế hệ nghệ sĩ cải lương năng động, mạnh mẽ, dám làm, dám đổi thay để giữ nghề cho chính mình, giữ di sản cho thế hệ mai sau.