Theo Cục Hàng không Việt Nam, quy tắc của ngành hàng không là "hành lý đi theo người, người đi đúng giấy tờ". Khi đi qua khu vực làm thủ tục an ninh, soi chiếu hành lý, hành khách tuyệt đối không mang hộ đồ của người khác. Thậm chí, hành lý soi chiếu của mỗi cá nhân cần tách rời, không được cho người lạ để vào khay đồ của mình.
"Nhà chức trách luôn khuyến cáo hành khách chỉ mang hành lý do chính mình đóng gói, kiểm tra nội dung", ông Tô Tử Hùng, Phó trưởng phòng an ninh hàng không nhấn mạnh.
Trong các báo cáo hàng không gần đây, nhiều người vì lòng tốt đã xách hộ đồ cho người khác mà không biết đó là thứ gì và họ có thể lợi dụng để vận chuyển ma túy hoặc hàng cấm lên máy bay. Tội phạm có khi "phù phép" ma túy vào trái cây, lon bia rồi nhờ cầm, thậm chí gửi nhờ hàng hóa với lý do hành lý quá cân.
Một cán bộ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, gần đây xảy ra tình trạng kẻ gian lợi dụng người già, trẻ em lần đầu đi máy bay để nhờ cầm hàng cấm. Và khi phát hiện thấy có nguy cơ bị lộ, chúng lập tức "cao chạy xa bay" hoặc từ chối nhận hàng... Lúc này, người đang giữ món đồ gần như “chết đứng”. Họ có thể phải nhờ đến dữ liệu từ camera an ninh để chứng minh cho mình nhưng không phải khu vực nào camera cũng "quét" được tới...
Nhà chức trách khuyến cáo hành khách không nên mang hộ hành lý khi đi máy bay.Ảnh minh họa: Đ.Loa |
Theo các chuyên gia hàng không, trong bất cứ hoàn cảnh nào, hành khách cũng cần tỉnh táo và tự bảo vệ bản thân để có chuyến đi trọn vẹn, an toàn. Tại sân bay hay bất cứ nơi nào gầnvới khu vực kiểm tra của hải quan, hành khách hãy thận trọng khi giúp người lạ, cho dù đó là người già hay phụ nữ mang thai, kể cả họ chỉ nhờ cầm hộ vật nhỏ.
Nếu muốn giúp, bạn hãy bảo họ đặt nó xuống sàn hay chỗ nào đó và sẽ để mắt giúp, còn tuyệt đối không cầm hộ; cách khác là bảo họ nhờ sự giúp đỡ từ nhân viên sân bay.
Đặc biệt, tại sân bay bạn nên thận trọng với việc mua hay cầm hộ nước đóng chai. Bởi bạn sẽ không thể ngờ tội phạm có thể khéo léo làm thành chai hai đáy để giấu "hàng".
Video: VTV