Những “rạp chiếu bóng thiên đường”(*)

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bây giờ thì phim ảnh sẵn có với những hệ thống rạp chiếu lớn cập nhật phim trong và ngoài nước hàng tuần, chưa kể những nền tảng chiếu phim online như Netflix, Galaxy Play... cung cấp thêm nhiều dòng phim đa dạng, tôi vẫn nhớ những “rạp chiếu bóng thiên đường” thuở ấy.
Các rạp Hà Nội qua các thập niên 1940-1990. (Ảnh tư liệu)l Các rạp Hà Nội qua các thập niên 1940-1990. (Ảnh tư liệu)
Các rạp Hà Nội qua các thập niên 1940-1990. (Ảnh tư liệu)l Các rạp Hà Nội qua các thập niên 1940-1990. (Ảnh tư liệu)

Lên cấp 3, xuống Hà Nội học, ở nhà bác Lương - anh trai mẹ ở ngõ Văn Chương, tôi hay đi xem phim ở rạp Dân Chủ trên đường Khâm Thiên gần đó. Những năm 94-95, các rạp chiếu ở Hà Nội đã qua thời hoàng kim và một số rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng sang kinh doanh vũ trường, quán hát, nhưng rạp Dân Chủ vẫn rất sôi động. Những phim nhà nước như “Khách ở quê ra” dựa theo truyện của Nguyễn Minh Châu, phim tư nhân như “Khi người ta trẻ” dựa theo truyện của Phan Thị Vàng Anh hay bom tấn Mỹ như “True lies” đều dập dìu khách.

Muộn hơn một chút, tôi biết đến rạp Fansland ở phố Thường Kiệt, rạp độc nhất ở Hà Nội lúc đó chuyên chiếu phim kinh điển. Rạp ra đời từ tháng 12/1994 nhưng phải gần hai năm sau, tôi mới lui tới nơi này. Ngày đó, Fansland chiếu phim nghệ thuật của Hollywood, Nga, Italia, Trung Quốc, Iran... Từ những most favourite như “Casablanca” (Michael Curtiz), “Roman Holiday” (William Wyler) hay “Gone with the wind” (Victor Fleming)... đến những masterpiece như “Battleship Potemkin” (Sergei Eisenstein), “Ben-Hur” (William Wyler) hay “One flew over the cuckoo’s nest” (Milos Forman)...

Từ những đại diện điển hình của các nền điện ảnh như “Bicycle thieves” (Victtorio de Sica), “La Dolce vita” (Federico Fellini) hay “Life is beautiful” (Roberto Benigni) của Italia đến “Treo cao đèn lồng đỏ” (Trương Nghệ Mưu), “Bá vương biệt cơ” (Trần Khải Ca), “Once upon a time in China” (Từ Khắc)... của Trung Quốc. Thi thoảng là những “Hương vị anh đào” (Abbas Kiarostami) của Iran hay “Chiến tranh và hoà bình” (Sergey Bondarchuk) của Nga... và cả những phim ca nhạc của Beatles, The Doors.

Ở đây, tôi thần tượng nữ diễn viên Mỹ Jodie Foster, ngôi sao điện ảnh nữ sáng chói thập niên 80-90 nhờ xem và bị thuyết phục bởi các bộ phim của chị như “Taxi driver” (Martin Scorsese), “The accused” (Jonathan Kaplan) và “The silence of the Lambs” (Jonathan Demme).

Giai đoạn này, tôi cũng bắt đầu ý thức một cách sâu sắc hơn những tác phẩm phim nghệ thuật, nghiêm túc của điện ảnh Việt và chú ý hơn đến những gương mặt của dòng phim này như Đơn Dương, Trần Lực, Thiệu Ánh Dương, Võ Hoài Nam, Hoàng Phúc, Ngô Quang Hải... (nam), Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi, Ngọc Hiệp, Mỹ Duyên, sau này là Hồng Ánh... (nữ).

Vào đại học, tôi theo học tiếng Pháp ở Trung tâm Ngôn ngữ và văn minh Pháp Alliance Francaise ở phố Yết Kiêu, tiền thân của Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace hiện nay. Tại đây có phòng thư viện và phòng chiếu phim quảng bá sách báo và phim ảnh Pháp. Phòng chiếu phim miễn phí nhỏ xíu chỉ 20-30 ghế, chiếu phim tiếng Pháp không phụ đề, cả ngày lẫn đêm. Tôi được xem những tác phẩm lừng danh như “Indochine” (Régis Warginer), “L’amant” (Jean-Jacques Annaud) hay “Taxi” (Gérald Pirès)... trong tình trạng xem hình là chủ yếu vì nghe hiểu bập bõm.

Cũng những năm đại học và một thời gian dài sau khi ra trường, tôi hay lui tới Hội đồng Anh (British Council) lúc đó nằm trên đường Cát Linh, gần khách sạn Horison. Hội đồng Anh có một thư viện cũng rộng tương đương Alliance Francaise với cơ man sách báo và phim ảnh. Nhưng khác với Trung tâm Ngôn ngữ và văn minh Pháp có phòng chiếu phim màn hình lớn riêng biệt, ở đây khu vực chiếu phim nằm gọn một góc trong thư viện với một dãy 3 chiếc đầu video và ghế ngồi xem phim.

Ai thích phim gì thì vào thư viện mượn phim ấy, ra ghế đeo headphone vào tránh ảnh hưởng đến người khác. Tất nhiên toàn là phim Anh, thoại tiếng Anh và hình như có phụ đề tiếng Anh. Từ những phim nghệ thuật đình đám như “The remains of the day” (James Ivory), “The English patient” (Anthony Minghella) hay “Gladitor” (Ridley Scott) cho đến những phim thương mại phổ biến như “Four weddings and a funeral” (Mike Newell), “Notting Hill” (Roger Michell) hay “Bridget Jones’ diary” (Sharon Maguire)...

Khoảng cuối năm 2006, tôi biết đến Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Tài năng điện ảnh trẻ TPD, khi ấy còn ở 22A Hai Bà Trưng. Ngoài việc tổ chức các buổi chiếu phim ngắn, phim dài và giao lưu với các nhà làm phim thì trung tâm có một thư viện phim nhỏ đầy đĩa VCD, DVD phim các loại. Từ Hollywood tới Anh, Pháp, Ý... Từ Trung Quốc tới Nhật, Hàn, Đài... và cả phim từ những nền điện ảnh xa lạ như Đan Mạch, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Argentina...

Thư viện có khoảng 20 cabin để thành viên tự mượn phim xem tại chỗ. Ở đây, tôi đã xem sạch các phim Việt có trong tủ kính, từ xem lại những phim kinh điển đã từng xem trên tivi trước kia như “Cánh đồng hoang” (Hồng Sến), “Đến hẹn lại lên” (Trần Vũ) hay “Bao giờ cho đến tháng Mười” (Đặng Nhật Minh)... cho đến những phim nghệ thuật đình đám đã từng xem ngoài rạp như “Đời Cát” (Nguyễn Thanh Vân), “Mùa len trâu” (Nguyễn Võ Nghiêm Minh) hay “Chuyện của Pao” (Ngô Quang Hải)...

Từ những phim Việt kiều quen thuộc như “Ba mùa” (Tony Bùi), “Mùa hè chiều thẳng đứng” (Trần Anh Hùng”, “Dòng máu anh hùng” (Charlie Nguyễn)... cho tới những phim khó kiếm như “Về nơi gió cát” (Huy Thành), “Gánh xiếc rong” (Việt Linh) hay “Tuổi thơ dữ dội” (Nguyễn Vinh Sơn)...

Cũng thời gian gần 2 năm lui tới đây tôi có dịp xem một cách hệ thống các phim của Alfred Hitchcock, Woody Allen, Martin Scorsese, Pedro Almodovar, Trương Nghệ Mưu, Lý An... và tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với điện ảnh.

Vẫn giữ được những cảm xúc nguyên sơ khi được cùng cười, khóc với những thước phim.

Như khi buồn vương đến cả ngày cùng cậu chàng Nhâm của “Thương nhớ đồng quê” (Đặng Nhật Minh) khi màn hình chạy cảnh cuối phim cậu ngồi trên xe khách rời làng quê yêu dấu vào bộ đội trong nhiều nỗi niềm hoài thương hay như khi khóc ngon lành giàn giụa nước mắt cùng chàng Toto trong “Cinema paradiso” (Giuseppe Tornatore) khi được xem những thước phim “kiểm duyệt” như món quà bác Alfredo quá cố để lại, như khi được choáng váng với cú twist kinh điển và ánh nhìn lạnh gáy của tên giết người tâm thần phân liệt trong “Psycho” (Alfred Hitchcock) hoặc nước mắt cứ tự dưng tuôn chảy mỗi khi tiếng nhạc dịu buồn lồng cảnh cô thiếu nữ Tiểu Đệ chạy theo xe chở người thương đi khuất trên đường làng xa ngái trong “The road home” (Trương Nghệ Mưu)...

Hồi ấy, trong khuôn viên khu 22A Hai Bà Trưng còn có một “rạp chiếu bóng thiên đường” chuyên chiếu phim nghệ thuật, đó là rạp Hà Nội Cinematheque của ông chủ yêu phim người Mỹ Gerald Herman.

Tôi cũng thi thoảng ghé vào rạp này trong những buổi chiếu các tác phẩm kén khách, cả của Việt Nam lẫn nước ngoài. Rạp chiếu nhỏ xinh chỉ 89 chỗ ngồi, phi lợi nhuận (không bán vé mà quyên góp tuỳ tâm), nhiều tây hơn ta... cũng là một miền nhớ của thời thanh xuân.

(*): Mượn tên bộ phim “Cinema paradiso” của đạo diễn Guiseppe Tornatore

Đọc thêm