Sản phẩm này ra đời sau ba ngày nghiên cứu và lắp đặt của nhóm nghiên cứu động cơ sử dụng năng lượng tái tạo của ĐH Đà Nẵng do GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT làm trưởng nhóm.
Ông Ga cho biết, với máy này, nhân viên y tế có thể ngồi vị trí nào cũng có thể đọc được kết quả, miễn có kết nối internet; đảm bảo không có sự tiếp xúc gần giữa nhân viên y tế và người được đo, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Các thiết bị để lắp đặt máy là những vật tư có sẵn và rất dễ tìm trên thị trường, đã được chuẩn hóa nên thời gian lắp đặt nhanh. Có thể tận dụng các loại màn hình cũ (Ipad, PC, laptop…) miễn sao kết nối được internet. Chi phí lắp đặt thiết bị chưa đến 10 triệu đồng.
“Hiện các máy đo thân nhiệt từ xa rất đắt tiền, đầu tư tối thiểu đã lên đến 300-400 triệu đồng. Với đơn vị hành chính, trường học, việc đầu tư như vậy sẽ rất tốn kém, lãng phí. Nhóm đã sử dụng những thiết bị có sẵn để giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo được các tính năng cần thiết kiểm tra thân nhiệt”, ông Ga cho hay nhóm sẵn sàng hướng dẫn, chuyển giao công nghệ hoặc lắp đặt miễn phí cho các đơn vị có nhu cầu; hoặc chuyển giao công nghệ cho các DN sản xuất đại trà, hoàn toàn không vì lợi nhuận, chỉ nhằm phục vụ cộng đồng.
Tại BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, mới đây xuất hiện robot “BK-AntiCovid” nặng gần 100kg có nhiệm vụ tiếp phẩm, vận chuyển thức ăn, thuốc và các vật dụng cần thiết cho người bệnh đến tận phòng cách ly. Robot còn có thể phát loa thông báo, bác sĩ và người cách ly có thể trao đổi qua hệ thống loa, micro trên robot mà không cần tiếp xúc trực tiếp. Giải pháp trên nhằm giảm tối đa số lần ra vào khu cách ly của nhân viên y tế. Robot kết nối với màn hình điện thoại nên có thể theo dõi đường đi dễ dàng.
Thiết bị đo thân nhiệt từ xa. |
TS Võ Như Thành, Trưởng bộ môn Cơ điện tử, ĐH Bách khoa (thành viên nhóm sáng chế Robot “BK-AntiCovid”) cho biết, để đáp ứng yêu cầu vận hành trong môi trường bệnh viện, nhóm đã dùng thép không gỉ (inox) 3mm, khung đúc liền với nhau để không bị thấm nước.
Vì vậy có thể xịt, phun thuốc khử trùng, hóa chất lên robot nhưng vẫn đảm bảo các mạch, linh kiện hoạt động ổn định. Chỉ với một nút điều khiển đa hướng, người điều khiển xoay hướng nào, robot đi theo hướng đó, dễ dàng sử dụng.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa cho hay, 5 ngày sau khi các bác sĩ đặt vấn đề với trường, nhóm nghiên cứu đã hoàn chỉnh robot từ khâu thiết kế, chế tạo, lập trình, gia công cơ khí, linh kiện, chế tạo mạch đấu nối dây. Robot chỉ có 2 ngày chạy thử. Đây là robot thí điểm nên trường hỗ trợ hoàn toàn chi phí chế tạo, bảo hành và nâng cấp nếu BV yêu cầu.
Tại ĐH Bách khoa, nhóm SV của CLB nghiên cứu khoa học BK-Maker cũng đang lắp ráp 10 máy rửa tay sát khuẩn tự động tại BV Đà Nẵng. Sản phẩm có sự phối hợp ý tưởng giữa Đoàn thanh niên BV Đà Nẵng với CLB và được triển khai thực hiện trong vòng một tuần.
Cấu tạo chính của máy gồm các bộ phận chính: Mạch điều khiển, các cảm biến, hệ thống phun dung dịch, bình đựng dung dịch, vỏ thiết bị, giá đỡ và các linh kiện điện tử khác. Cách sử dụng rất đơn giản. Người sử dụng chỉ cần đưa tay vào khu vực phun dung dịch sát khuẩn, thiết bị sẽ tự động phun dung dịch lên tay. Chỉ mất khoảng 3-5 giây sau, máy cung cấp lượng dung dịch đủ để rửa tay. Giá thành của sản phẩm khoảng 1,5 triệu đồng/máy.
Sản phẩm thử nghiệm nhận được phản hồi rất tích cực. Máy có ưu điểm nhỏ gọn, dễ sử dụng, phù hợp với môi trường y tế, tiết kiệm được dung dịch, tiết kiệm thời gian, tránh chạm vào thiết bị gây nguy cơ lây nhiễm.