Những số báo xuất bản đặc biệt vào ngày Độc lập 2/9/1945

(PLVN) - Trong những hiện vật có giá trị được lưu giữ đến nay phải kể đến tờ Đông Phát, số 6107 ra đúng vào Chủ nhật ngày 2/9/1945, ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Bảo tàng Lịch sử Quốc gia đang lưu giữ và phát huy giá trị nhiều sưu tập báo chí và ấn phẩm trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 như: sưu tập báo Việt Nam Độc lập, báo Cứu quốc 1942-1945, báo Cờ giải phóng 1945... Đặc biệt, trong những hiện vật có giá trị đó phải kể đến tờ Đông Phát, số 6107 ra đúng vào Chủ nhật ngày 2/9/1945, ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Theo Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, báo Đông Phát in khổ nhỏ, kích thước 52 x 33cm, được in ấn khá thô sơ, trên nền giấy đen ố vàng và chữ in lito nhỏ, đã mờ, gồm 2 trang. Tờ báo đã cung cấp những thông tin quý giá về ngày lễ lịch sử của dân tộc.

Số báo 6107 đã trang trọng đề trên trang nhất dòng chữ in đậm: Số báo xuất bản đặc biệt về Ngày Độc lập.

Trang nhất tờ Đông Phát ra ngày 2/9/1945.

Trang nhất tờ Đông Phát ra ngày 2/9/1945.

Ngay ở đầu trang nhất, tiêu đề “Việt Nam độc lập muôn năm”, được in đậm, to, rõ ràng, phía dưới là dòng thông báo về thời gian cũng như lời yêu cầu người dân tham gia mít tinh một cách đông đủ để thể hiện tinh thần tranh đấu kiên quyết cho nền độc lập của nước nhà. Tờ báo kêu gọi: “2 giờ chiều hôm nay toàn thể dân chúng phải tới dự “Ngày Độc lập” và khẳng định “Ngày độc lập tại khắp các tỉnh Trung, Nam, Bắc sẽ tỏ rõ tinh thần tranh đấu của chúng ta trong sự đoàn kết, trật tự và kiên quyết”.

Bài báo cũng nhắc nhở dân chúng: “Lần đầu tiên, Chủ tịch Chính phủ Hồ Chí Minh ra mắt đồng bào. Dân chúng cần phải chỉnh tề hàng ngũ đông đủ và chặt chẽ quanh Chủ tịch. Việc làm ấy không riêng là ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng để tỏ rõ hơn một lần nữa rằng toàn thể đồng bào rất tín nhiệm ở Chính phủ Dân chủ lâm thời - một Chính phủ dân chủ cộng hòa không phân biệt đảng phái, mà chỉ biết có phụng sự quốc gia, tranh đấu lấy nền hoàn toàn độc lập. “Ngày Độc lập” sẽ để cho mọi người làm tròn bổn phận ấy. Không những ở trong cuộc hội họp trên vườn Ba Đình, mà còn ở riêng từng gia đình, từng xưởng thợ, nhà máy, ở những tấm lòng thành thực và hăng hái. Kiên quyết của người công dân nước Việt Nam quý mến của chúng ta”.

Tờ báo cũng dành vị trí đặc biệt để đăng tải những Lời thề Độc lập của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Quốc dân, chương trình chính thức của cuộc mít tinh và tuần hành tại Hà Nội vào ngày 2/9/1945.

Và trên trang nhất của tờ báo cũng đưa ra những thông báo mới về giờ làm việc của các công sở bắt đầu từ ngày 3/9/1945. Giờ làm việc ở các công sở Bắc Bộ được đổi lại là: Sáng: 6 giờ 30 đến 11 giờ và Chiều: 2 giờ đến 5 giờ.

Không chỉ thông tin chi tiết về nội dung buổi lễ, tờ Đông Phát còn đăng sơ đồ chỉ dẫn cụ thể các tuyến phố dành cho các giới, các tổ chức tham gia mít tinh được đăng trang trọng trên trang nhất với những chỉ dẫn chi tiết. Hàng ngũ sẽ được sắp xếp như thế nào trong buổi mít tinh được chỉ dẫn một cách cặn kẽ: “Các đoàn thể phải đi hàng mười. Đội tự vệ chỉ mang gậy chứ không mang khí giới gì khác và có nhiệm vụ trông coi trật tự và giữ vững tinh thần của đoàn mình, Đội tự vệ phải có dấu hiệu riêng tự làm lấy”. Việc “hát và hô khẩu hiệu” được hướng dẫn rất rõ ràng, ai hát, ai hô, khi nào hô và để hô cho được đồng thanh thì “Lúc hô, Đội tự vệ phải cắt cử người chỉ huy cho được đồng thanh”.

Tờ Đông Phát ra ngày 2/9/1945 được lưu giữ là tài liệu quý.

Tờ Đông Phát ra ngày 2/9/1945 được lưu giữ là tài liệu quý.

Trang 2 của tờ báo thể hiện một khí thế tưng bừng như một ngày hội lớn của non sông, của tất cả các ngành, các giới, các thế hệ. Từ nhân viên Sở Hỏa xa đến học sinh các trường phổ thông, thanh niên Hà Nội, phụ nữ, các văn nghệ sĩ, các vị bô lão.... đều có chương trình dự mít tinh đông đủ và hào hứng.

Hội Phật giáo Việt Nam qua báo Đông Phát gửi lời mời tới đông đủ phật tử “Hôm nay 2/9/45 là ngày lễ Độc lập của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Vậy xin toàn thể tín đồ Phật giáo đâu đấy đúng 7 giờ sáng tới các chùa làm lễ tụng kinh Dược sư để cầu cho nền độc lập nước nhà được củng cố vĩnh viễn. Đến 13 giờ xin kính thỉnh liệt vị tăng ni cùng thiên tín tề tựu tại chùa Quán sứ để đi dự lễ mít tinh và biểu tình do Chính phủ tổ chức. Còn ở các chùa, đúng 14 giờ làm lễ tụng kinh Di đà cầu nguyện cho các binh sĩ đã hy sinh vì tổ quốc...”.

Bản báo cũng đưa ra lời kêu gọi chung “Hôm nay, toàn quốc làm lễ “Ngày Độc lập” rất trọng thể ở khắp cả mọi nơi. Muốn tỏ tình đoàn kết chặt chẽ của đồng bào, các phố nên cử ra một số ít thanh niên để dẫn các bô lão đến tụ ở Khai Trí Tiến Đức để chiều nay tới dự...”.

Xúc động hơn cả là tấm lòng của người dân trước khí thế tưng bừng của nước Việt Nam mới. “Ông chủ tiệm ăn ở 47 Hàng Quạt có nhã ý cúng vào Quỹ Việt Nam giải phóng quân số tiền thu được - cả vốn lẫn lời trong Ngày Độc Lập”. “8 giờ sáng hôm nay 2/9, các rạp hát và chiếu bóng đều có buổi diễn đặc biệt về độc lập. Cố nhiên là giá tiền “độc lập” và nhiều mặt hàng được giảm giá để phục vụ công chúng trong ngày đặc biệt này”.

Trong khí thế hào hùng ấy, toàn thể quốc dân đồng bào đã hướng về quảng trường Ba Đình, Hà Nội để dự một lễ mít tinh đặc biệt trong lịch sử nước Việt Nam với ý thức trách nhiệm cao và niềm tự hào sâu sắc.

Báo Nam Bộ phát hành ngày 2/9/1945 hiện được lưu giữ khá mờ.

Báo Nam Bộ phát hành ngày 2/9/1945 hiện được lưu giữ khá mờ.

Tờ báo Đông Phát tên ban đầu là tờ Đông Pháp, nhưng khi Nhật đảo chính Pháp ở Việt Nam, tờ báo đổi tên là Đông Phát. Sau ngày 2/9/1945, tờ Đông Phát một lần nữa lại đổi tên thành Gia Báo “để biểu lộ tinh thần đoạn tuyệt triệt để những dấu vết của chế độ cũ và để kỉ niệm nền độc lập của nước Việt Nam mới”.

Theo báo Tuổi trẻ, báo Đông Phát có trụ sở tại 94 Hàng Gai, Hà Nội, do ông Ngô Văn Phú làm chủ nhiệm, chủ bút là ông Hoàng Hữu Huy. Tờ báo Đông Phát 6107 số đặc biệt hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Tại di tích 48 Hàng Ngang, nơi Bác Hồ viết bản Tuyên ngôn độc lập, cũng trưng bày một phiên bản của báo này.

Gắn liền với sự kiện trọng đại này, ngoài tờ Đông Phát trên, chúng ta cũng còn lưu giữ được một tờ báo khác. Đó là báo Nam Bộ, xuất bản ở Nam Bộ mừng Ngày Độc lập (2/9/1945): “Hồ Chủ tịch loan báo thế giới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2/9/1945 khi đọc bản Tuyên ngôn Độc lập”.

Đọc thêm