Những sự việc 'dở khóc, dở cười' trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

0:00 / 0:00
0:00
Kỳ nghỉ dài nhất từ đầu năm là dịp để cả triệu người lên rừng, xuống biển xả hơi. Trong bốn ngày, ngoài việc tắc đường khủng khiếp tại các cửa ngõ các thành phố lớn còn xảy ra không ít chuyện dở khóc, dở người.

Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua do trùng vào dịp cuối tuần nên cả nước được nghỉ bù thêm 2 ngày, vì vậy chuyến du lịch của đại đa số người dân được kéo dài thêm. Phần lớn do thời tiết nóng nên mọi người thường tìm tới những địa phương có biển, khí hậu mát mẻ.

Những nạn nhân thoát khỏi tay thần chết

Gần đây nhất, bà Nguyễn Thị Bích Liên (SN 1963, trú Hà Nội) bị ngã xuống vực trên đỉnh núi Yên Tử vào ngày 27/4. Bà Liên sau khi chiêm bái ở chùa Đồng đã đi bộ xuống núi, trong lúc đi bị tụt huyết áp rồi ngã xuống vực sâu gần 40m.

Do thời tiết xấu nên bà Liên kêu cứu nhưng không ai nghe. Bà mắc kẹt 7 ngày dưới vực, phải ăn cây dương xỉ, uống nước trong chai nhựa để sống. Sáng 3/5, lực lượng cứu hộ đã đưa được bà Liên lên sau khi nghe thấy tiếng kêu cứu.

Bà Liên được cứu sống sau khi rơi xuống vực và mắc kẹt 7 ngày

Tại Thanh Hoá, vào khoảng 15h ngày 30/4, ở bãi tắm D, phường Quảng Cư, TP Sầm Sơn, một bé trai 5 tuổi trong lúc tắm biển bị đuối nước. Bé được người thân và lực lượng cứu hộ đưa lên bờ trong tình trạng nguy kịch.

Lúc này, tuyến đường Hồ Xuân Hương rất đông người và phương tiện nên Đội CSGT đã nhanh chóng sử dụng xe mô tô đặc chủng "hú còi" mở đường đưa cháu bé đi cấp cứu. Hiện sức khỏe của cháu bé đã ổn định.

Lực lượng cứu hộ ở biển Sầm Sơn căng mình hoạt động giữa biển người (Ảnh: Lê Dương)

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào lúc 15h ngày (3/5), anh Lê Văn Nam (21 tuổi) và Lê Văn Bình (19 tuổi, cùng quê Bình Phước) khi đang tắm tại khu vực bãi Sau Vũng Tàu không may bị sóng đánh mạnh, cuốn ra xa dẫn đến nguy cơ đuối nước.

Phát hiện sự việc, nhiều người đang vui chơi ở bãi biển đã tri hô lực lượng cứu hộ. Từ trên bờ, anh Ngô Thế Miễn, Lê Văn Tiền và Nguyễn Văn Thọ (lực lượng cứu hộ của Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu) đã nhanh chóng dùng phao chuyên dụng, bơi ra tiếp cận khu vực và kịp thời đưa 2 du khách vào bờ an toàn. Thời điểm đưa vào bờ, anh Nam và Bình đã đuối sức, sau một hồi nghỉ ngơi sức khỏe đã ổn định.

Tàu dừng thời điểm đông khách nhất

Sáng 1/5, thời tiết tại TP Hạ Long mưa lớn, biển động có gió giật nên Cảng vụ Đường thuỷ Nội địa Quảng Ninh đã tạm dừng cấp phép cho tàu du lịch xuất bến đưa khách tham quan vịnh Hạ Long để đảm bảo an toàn.

Đến chiều cùng ngày, khi thấy thời tiết ổn định, tàu du lịch vịnh Hạ Long lại được cấp phép xuất bến, đã có hơn 16.000 du khách lên tàu ra vịnh Hạ Long.

Tàu du lịch ở Hạ Long tạm dừng xuất bến do thời tiết xấu

Cũng tại TP Hạ Long, do thời tiết thay đổi đột ngột nên bãi biển Bãi Cháy chỉ trong 2 ngày có hình ảnh đối ngược nhau. Ngày 30/4 trời oi bức nên đầu giờ chiều dòng người ùn ùn đổ về bãi biển để giải nhiệt khiến nơi đây ùn tắc cục bộ từ trên bờ lẫn dưới biển.

Bãi biển Bãi Cháy (TP Hạ Long) đông nghẹt chiều 30/4

Đến ngày 1/5 trời chuyển lạnh, chỉ lác đác vài người co ro tắm biển

Tuy nhiên đến ngày 1/5, trời chuyển lạnh nên cùng khung giờ này bãi biển chỉ lác đác vài bóng người, không còn cảnh chen lấn, xếp hàng, một số du khách vẫn co ro xuống tắm biển.

Tại Quảng Nam vào ngày 1/5, do mưa to, sóng biển lớn, tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa Cửa Đại - Cù Lao Chàm (Hội An) buộc phải tạm dừng. Hơn 2.000 vé khách mua để ra đảo Lý Sơn đã bị huỷ.

Tàu vận tải hành khách Cửa Đại – Cù Lao Chàm bị tạm dừng do biển động (Ảnh: Công Sáng)

Tại Hải Phòng, từ chiều qua 1/5 nhiều du khách đã rời khỏi Cát Bà trở về nhà sớm hơn, nhằm tránh tắc đường. Tuy nhiên, khi họ ra đến khu vực bến phà Gót thì không có phương tiện để về, do bến phà ngưng hoạt động.

Hàng trăm ô tô ùn ứ tại bến phà ở Hải Phòng (Ảnh: Nguyễn Thu Hằng)

Du khách đỗ xe dọc hai bên đường tạo nên tình trạng tắc nghẽn cục bộ để chờ phà. Có người phải chờ từ 19h ngày 1/5 đến 6h sáng ngày 2/5 mới về được.

Đọc thêm