Lòng tử tế trong xã hội hiện đại
Anh hùng không chỉ nằm trong sách vở, trong lịch sử, trong truyền thuyết, cũng không phải là một hình tượng để mọi người chỉ mãi ao ước bởi bất kỳ ai xung quanh chúng ta cũng có thể trở thành anh hùng khi có những hành động, đóng góp tích cực trong xã hội.
Như câu chuyện về đồng chí Thái Ngô Hiếu, cán bộ thuộc Đội Chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ Khu vực Trảng Bom - Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Đồng Nai giành giật lại sự sống cho 4 nạn nhân trong vụ đuối nước tại bãi biển thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra một thời gian nhưng vẫn để lại dư âm và bài học ý nghĩa về lòng tử tế trong xã hội hiện đại.
Không có một giây phân vân, do dự, anh đã không ngần ngại đối mặt với tử thần để giành giật sự sống cho người khác. Đây không chỉ là một câu chuyện ý nghĩa của hành động cho đi, sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng vì sự sống của người khác, điều quý giá hơn cả là câu chuyện anh hùng giữa đời thường của Thái Ngô Hiếu còn khắc họa thêm hình ảnh người chiến sĩ công an nhân dân luôn sẵn sàng hy sinh vì nhân dân, vì tổ quốc và lan tỏa niềm tin vào tình người trong xã hội.
Đối với bác sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa (Khoa Hồi sức tích cực – chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh), năm 2021 là khoảng thời gian không thể nào quên khi có tới 2 chuyến công tác cùng đồng nghiệp chi viện cho điểm nóng chống dịch COVID-19 tại Bắc Giang và Bình Dương. Tham gia chống dịch trong khi chưa tiêm vaccine phòng chống COVID-19 là cả sự dũng cảm với anh Nghĩa, bởi bản thân anh cũng như các đồng nghiệp có thể bị nhiễm COVID-19 bất cứ lúc nào vì tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân trong tâm dịch.
Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ chống dịch, anh cùng đồng nghiệp luôn dành sự tận tâm, cố gắng nhất để cứu sống hàng trăm ca bệnh nguy kịch, đồng thời giữ an toàn cho chính mình khi làm việc. Khó khăn, thiếu thốn về trang thiết bị y tế, điều kiện làm việc khắc nghiệt khi giữa cái nắng tháng 6 gay gắt, không ít bác sỹ, y tá đã bị sốc nhiệt, mất nước, thậm chí ngất lịm.
Đặc biệt, sau hai tuần đi Bắc Giang, vợ anh Nghĩa đã sinh con gái đầu lòng. Vì vậy, anh càng dốc sức để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình. Chỉ khi dịch bệnh được đẩy lùi, bệnh nhân được cứu sống, đoàn y tế Quảng Ninh mới có thể yên tâm, an toàn trở về với gia đình.
Không còn là người lính cầm súng ra trận chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, giờ đây người cựu chiến binh Lê Đình Duật (quận Thanh Xuân, Hà Nội) vẫn cần mẫn trong “trận chiến” vận động hiến máu cứu người. Nhất là ngày ấy, do sự hiểu biết của mọi người còn hạn chế nên cho rằng máu là xương, thịt, hơn nữa mọi người sợ cho máu thì dễ ốm đau, lây nhiễm bệnh khi đi hiến máu. Vì vậy, ông Duật xác định phải vận động gia đình trước, mình phải nêu gương, phải cho mọi người hiểu hiến máu không hề ảnh hưởng tới sức khoẻ.
Với tấm lòng cao cả, tình nguyện hiến máu, 23 năm qua, 6 thành viên gia đình ông Lê Đình Duật đã hiến hơn 218 đơn vị máu an toàn, đồng thời ông cùng các thành viên trong gia đình còn tích cực vận động họ hàng, bạn bè và những người xung quanh tham gia. 23 năm, gia đình ông đã vận động được hơn 1.000 lượt người tham gia hiến máu tình nguyện, đạt hơn 1.000 đơn vị máu an toàn.
“Bà” giáo nhiệt huyết trong lòng dân
Từng là xã đa phần có hộ nghèo, người dân đi làm thuê cho các công trình xây dựng ở địa phương hoặc sang Trung Quốc làm cửu vạn, các em gái phải ở nhà để giúp đỡ bố mẹ hoặc đi lấy chồng, xã Pa Cheo (Bát Xát, Lào Cai) những năm gần đây đã có học sinh đỗ nội trú tỉnh, học sinh đi học nghề. Các giải văn hoá có các giải cấp huyện, giải phong trào đã có giải cấp tỉnh. Học sinh Pa Cheo đã không còn sự nhút nhát, rụt rè, mà đã mạnh dạn hơn, hoà nhập hơn với các bạn vùng thấp.
Điều này một phần là nhờ những đóng góp không nhỏ của cô giáo Nguyễn Thị Thuỷ (Bảo Thắng, lào Cai), hiện đang công tác tại Trường PTDTBT THCS Pa Cheo. Thời gian đầu, cô giáo Thuỷ đã gặp nhiều khó khăn với tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, một số trường hợp các em nữ có ý định bỏ học về nhà lập gia đình. Vì thế, cô Thủy đã đề xuất với nhà trường thành lập Câu lạc bộ bạn gái để giáo dục kĩ năng sống cho các em.
Đây là nơi diễn ra các hoạt động tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản, trang bị cho các em kiến thức về mọi mặt trong cuộc sống. Đặc biệt là những kiến thức về tâm sinh lý vị thành niên, tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn, cách phòng tránh các tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, phòng tránh buôn bán phụ nữ, trẻ em, các biện pháp can thiệp nhằm giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính. Thông qua các hoạt động của CLB, góp phần không nhỏ trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số kế hoạch hoá gia đình.
Cũng xuất thân là một nhà giáo, bà Nguyễn Kim Huê (84 tuổi, ngụ xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) gắn liền với sứ mệnh “hàn gắn” hạnh phúc cho mọi người, được nhiều người thân thương gọi là “Bà Tám”, hay “bà Tám hòa giải”, “bà Tám dân vận khéo”…
Dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng hễ biết ở đâu có mâu thuẫn, tranh chấp thì bà Tám lại có mặt và giải quyết êm xuôi, thuận thảo, hòa hảo tình làng nghĩa xóm, tình nghĩa vợ chồng. Những câu nói, những lời khuyên thắm đượm nghĩa tình, trách nhiệm dễ vào lòng người đã giúp nhiều người thức tỉnh, tháo gỡ nút thắt trong lòng và hòa thuận với gia đình, làng xóm. Nhiều chuyện tưởng chừng khó khăn nhưng qua lời thuyết phục và hòa giải của bà Tám thì mọi chuyện đều trở nên đơn giản.
Bằng vốn sống, kinh nghiệm, tinh thần nhiệt huyết và một cái tâm vì cộng đồng, bà đã giúp bà con lối xóm tháo gỡ những “nút thắt” mâu thuẫn, để bà con giữ được tình làng, nghĩa xóm và xích lại gần nhau. 20 năm thực hiện sứ mệnh nhân văn này, bà Tám luôn được mọi người trân trọng, quý mến.
Sống để cho đi
Tình thương chính là sự cảm hoá kỳ diệu nhất đối với con người. Có lẽ vì vậy mà ông Đinh Minh Nhật (60 tuổi, ngụ huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã tự tay chăm sóc cho 131 đứa trẻ mồ côi trong suốt 18 năm qua. Không nghề nghiệp ổn định, ai thuê gì ông làm nấy: Hái hồ tiêu, cà phê, bón phân, làm cỏ, trông người ốm trong bệnh viện… Dè sẻn từng miếng ăn, chắt chiu từng đồng tiền ủng hộ, để đóng tiền học, tiền đồng phục, sách giáo khoa, kinh phí chữa bệnh cho các con...
Từng có thời gian để có tiền nuôi con, ông Nhật phải lên Pleiku làm thuê. Ba đứa lớn ông để ở nhà tự nấu ăn, ba đứa nhỏ ông địu đi cùng. Vài năm sau gom góp mua được chiếc xe máy cà tàng, ông nhờ thợ hàn nối dài phần đuôi chở các con. Ngoài giờ làm việc, ông tranh thủ dạy các con học, dạy các con cách sinh tồn để sau này có thể tự bươn chải sống.
Đối với ông, nguồn động lực lớn nhất chính là được ngắm nhìn các con ăn ngon, ngủ ngoan, sống khoẻ, lớn khôn; có lòng yêu thương, trắc ẩn và biết chia sẻ. Đồng thời ông Nhật cũng mong muốn xã hội sẽ không còn tình trạng cha mẹ bỏ rơi con, để không còn những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, mọi đứa trẻ được lớn lên trong vòng tay yêu thương của ông bà, cha mẹ.
Cũng giống như ông Đinh Minh Nhật, bà K’Hiếu (người dân tộc K’Ho, ngụ tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) – người mẹ vĩ đại giữa núi rừng đại ngàn với tấm lòng vị tha vô bờ bến đã cưu mang 09 đứa trẻ bị bỏ rơi từ lúc còn đỏ hỏn, nuôi nấng khôn lớn rồi dựng vợ, gả chồng, chia đất làm nhà.
Trong tâm niệm bà K’Hiếu, nhờ Đảng, nhờ Nhà nước mà bà được đi học, mở mang tầm mắt, số phận tươi sáng nên bà luôn giữ lời thề phải sống tốt với Đảng, với Nhà nước. Đi đâu, làm gì, bà cũng nhắc nhở dân bản thấy ai làm gì hay thì làm theo chứ đừng nghe lời kẻ xấu rồi sa ngã, nghiện ngập. Thành công nữa của bà K’Hiếu là vận động bà con dân bản xoá bỏ những hủ tục lạc hậu như tục thách cưới, tục ma chay… Vì vậy, nhờ già làng K’Hiếu mà dân bản K’Ho không còn lạm dụng cúng bái như trước, nhất là khi ốm đau.
Không chỉ tích cực vận động dân bản xây dựng đời sống mới, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng đến với người dân, bà K’Hiếu còn hiến hàng nghìn m2 đất để xây nhà văn hoá thông bản, làm đường giao thông…