Dự án khơi thông “điểm nghẽn”
Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được kết nối với dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị. Như vậy, sau khi dự án này hoàn thành sẽ thông suốt đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, đây là dự án xương sống, có tính chất khai phá, khơi thông “điểm nghẽn”, nút thắt, giúp mở rộng không gian phát triển còn nhiều tiềm năng của tỉnh. Đến nay, Cao Bằng chỉ có duy nhất một loại hình giao thông kết nối với các địa phương lân cận và các trung tâm phát triển của cả nước là đường bộ, trong khi các tuyến đường này đều nhiều đèo, dốc. “Đối với Cao Bằng, đây là dự án quan trọng nhất, cấp thiết nhất. Chỉ có tuyến đường cao tốc mới giúp Cao Bằng thoát nghèo” - lãnh đạo tỉnh Cao Bằng nhận định.
Theo ông Hoàng Xuân Ánh, con đường này không chỉ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân Cao Bằng mà còn thuộc quy hoạch mạng lưới giao thông cả nước kết nối với quốc tế. Cụ thể, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ là đường vận tải quốc tế Á - Âu, nằm trong mạng lưới giao thông từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) qua cửa khẩu Trà Lĩnh đi Trùng Khánh - Urumqi - Khorgos (Trung Quốc), sang các nước châu Âu.
Đánh giá con đường này là rất quan trọng, cấp bách, nhưng Chủ tịch tỉnh Cao Bằng thừa nhận dự án đang gặp nhiều thách thức. Ông Hoàng Xuân Ánh phân tích, dự án đòi hỏi huy động nguồn vốn lớn với tổng mức đầu tư khoảng 23.000 tỷ đồng, riêng giai đoạn 1 là hơn 13.000 tỷ đồng.
“Vốn ngân sách Nhà nước theo quy định tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án và đặc biệt là vốn vay tín dụng ngày càng bị thắt chặt. Một ngân hàng thì không đủ cho vay. Hợp vốn thì mỗi ngân hàng một điều khoản, chính sách tín dụng khác nhau” - ông Ánh nêu. Ngoài ra, vị này còn cho rằng chiều dài tuyến đường hơn 140km đi qua nhiều khu vực có địa hình núi cao, nhiều thung lũng với nền địa chất phức tạp, lưu lượng xe cộ tương đối ít cũng là một thách thức lớn. “Nhiều năm trước các nhà đầu tư đến nghiên cứu nhưng sau đó đều bỏ cuộc”, ông Ánh cho biết.
Hiện nay, Cao Bằng đang phối hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả nghiên cứu các giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án. Mới đây, UBND tỉnh Cao Bằng và Liên danh các nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest đã ký thoả thuận cam kết hợp tác đầu tư dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.
Vốn đâu để làm?
Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả, để thực hiện thành công dự án này, cần bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước đúng tiến độ; Bảo đảm tiến độ các dự án kết nối cao tốc tạo nguồn lực cho dự án; Thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án được quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư. Bên cạnh đó, Cao Bằng cần thống nhất với nhà đầu tư, phê duyệt tiến độ thực hiện dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khẳng định sự quyết tâm và xác định trách nhiệm của các bên liên quan; Công khai cho nhân dân giám sát, có chế tài thưởng, phạt làm cơ sở thúc đẩy tiến độ dự án.
Theo tìm hiểu của PLVN, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là 13.181 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước là 6.580 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương là 2.500 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 4.080 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu nhà đầu tư là 1.230 tỷ đồng và phần vốn huy động khác là 5.371 tỷ đồng.
Với phần vốn huy động khác, nhà đầu tư sẽ thực hiện huy động bằng hình thức vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh. Trong đó, liên danh nhà đầu tư cam kết tham gia phần vốn hợp tác đầu tư là 2.685 tỷ đồng, phần còn lại huy động từ vốn tín dụng. Như vậy, phần vốn vay tín dụng của dự án ít nhất là khoảng 3.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang ngày càng siết chặt cho vay đối với các dự án xây dựng cao tốc, việc huy động được vốn cho dự án này là thách thức rất lớn đối với các nhà đầu tư.
Dồn lực thực hiện dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh
Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh thuộc nhóm A được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định 1212/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Mới đây, Thủ tướng đã chỉ đạo tỉnh Cao Bằng kiên quyết thực hiện việc cắt giảm các dự án chưa cấp bách, hiệu quả thấp, cắt giảm số lượng dự án đầu tư công chưa cấp bách để điều chuyển và tập trung vốn thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.