Những thầy cô tận hiến

(PLVN) -  Chương trình Thay lời Tri ân với chủ đề “Cây đời trăm năm” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đã ghi lại nhiều câu chuyện xúc động về những thầy cô hết lòng vì học trò cũng như sự nghiệp “trồng người”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Phan Đình Giót, tỉnh Điện Biên kể về hành trình “nuôi em”.

Đó là câu chuyện “nuôi em” của cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Phan Đình Giót, tỉnh Điện Biên. Nhiều năm liền được nhà trường phân công đi tuyển sinh ở các bản vùng sâu, vùng xa như Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, chứng kiến các hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời vô cùng éo le, cô Hà đã bắt đầu hành trình “nuôi em” hàng tháng.

Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhờ hành trình của cô Hà đã được nuôi ăn, nuôi học và đã trưởng thành. Chia sẻ về việc làm của mình, cô Hà cho biết, sau mỗi hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn, cô lại thấy thanh thản, an vui và hạnh phúc. Và đây chính là những động lực thôi thúc cô trên hành trình “nuôi em” hàng tháng.

Đó là câu chuyện “cây xương rồng” của cô giáo Bùi Lê Xuân Trang, Trường THPT Vĩnh Xuân, Vĩnh Long để cảm hóa, đồng hành với cô học trò ương ngạnh, gai góc có hoàn cảnh gia đình éo le. Giờ đây cô học trò ấy đã chuẩn bị tốt nghiệp cao đẳng, đã trở thành một người cởi mở, hòa đồng và quan trọng là có tương lai. Câu chuyện cảm hóa của cô giáo Xuân Trang cho thấy, khi học trò thực sự được lắng nghe, được thấu hiểu, được yêu thương, các em sẽ vượt qua được khó khăn, mặc cảm để trở thành người có ích.

Sinh ra và lớn lên tại Yên Bái, cô giáo Đỗ Thùy Quyên (36 tuổi) đã có 17 năm gắn bó với nghề giáo trên vai trò là giáo viên mầm non. Trong đó cô dành nhiều thời gian với trẻ em Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, một trong những khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.

Từ năm 2018, khi tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft, cô Quyên có cơ hội giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc. Cô giáo đã ứng dụng công cụ Skype mở lớp học “xuyên biên giới”. Thông qua Skype, cô Quyên kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy, cô giáo khác tại Việt Nam và ở nước ngoài.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Quyên cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người xung quanh đã giúp những đứa trẻ vùng cao trở nên tự tin và mở lòng hơn với cô giáo. Để giờ đây, từ một giáo viên người Kinh lên xã Suối Giàng công tác, cô Quyên đã trở thành “người mẹ thứ 2” của những đứa trẻ người Mông…

Đọc thêm