Những thế gà độc lạ trên mâm cúng

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Để lễ vật gà trên mâm cúng thêm phần bắt mắt, nhiều người đã sáng tạo ra các cách bó gà với hình dáng vô cùng độc đáo như gà cánh tiên, gà cánh phượng, gà bay, gà quỳ, gà đứng mình rùa…

Gà luộc là lễ vật vô cùng quan trọng trên mâm cúng ngày lễ Tết. Bên cạnh cách luộc gà thông thường, nhiều người đã sáng tạo ra những tạo hình gà cúng vô cùng đẹp mắt, độc đáo.

Dịp Tết năm nay, trên diễn đàn mạng xã hội, nhiều người chia sẻ cách tạo hình 'gà cánh phượng' dùng để mừng thọ vô cùng độc đáo. Theo đó, tất cả các bộ phận từ đầu, cánh, chân của con gà đều được buộc cố định vào khuôn. Dáng gà cánh phượng với phần đầu ngóc lên trên, cánh duỗi ra hai bên, chân quỳ tạo thành tư thế đẹp mắt. Người xưa cho rằng đây là dáng của gà đang chầu, thể hiện sự tôn kính với bề trên.

Tạo hình gà chầu cánh phượng gây sốt cộng đồng mạng. (Ảnh: Facebook)

Tạo hình gà chầu cánh phượng gây sốt cộng đồng mạng. (Ảnh: Facebook)

Những hình ảnh gà cánh phượng sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Một số người cho biết lần đầu tiên nhìn thấy và bày tỏ sự thán phục trước quy trình tạo hình kỳ công, tỉ mẩn.

Tất cả các bộ phận của gà đều được buộc cố định vào khuôn.

Tất cả các bộ phận của gà đều được buộc cố định vào khuôn.

Ngoài gà cánh phượng, người dân Hà Tĩnh còn sáng tạo nên nhiều thế gà độc đáo khác như gà bay, gà quỳ, gà đứng mình rùa… Cụ thể, hàng năm cứ mỗi dịp Rằm tháng 7 âm lịch dòng họ Lê Quang (xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) lại tổ chức lễ cúng Rằm với dàn "phi đội gà bay" độc đáo. Theo kinh nghiệm của người dân, để tạo được thế gà đứng trên mâm cỗ độc đáo dụng cụ làm gà phải có những chiếc đinh dài, nẹp tre và dây buộc để giữ thế cho gà sau khi luộc chín. Một con gà cúng được tạo thế “gà bay” từ công thịt và luộc gà phải mất khoảng 3-4 giờ đồng hồ tỷ mẫn để nắn gà theo ý muốn...

Tương tự tại Bắc Ninh, những thế gà độc lạ cũng nhiều lần xuất hiện tại lễ xôi - gà để nhập đình cho các "cụ ông" từ 49 lên 50 tuổi. Theo những người có thâm niên, gà cúng dâng vào đình là gà trống nặng từ 4 - 5kg, mào đỏ, móng sắc nhọn. Khâu làm gà, tạo thế phải có sự khéo léo, tinh tế của người dân Nghi Khúc. Khi dâng lễ đến đình, gà phải được trang trí đẹp mắt với các thế bay, quỳ, đứng, ngồi, gà ngậm hoa…

Gà trong lễ cúng xôi - gà nhập đình của người xứ Kinh Bắc. Ảnh: VOV

Gà trong lễ cúng xôi - gà nhập đình của người xứ Kinh Bắc. Ảnh: VOV