Những thói quen chiên xào gây độc hại của người Việt

(PLO) -Sai lầm khi nấu nướng này có thể khiến sức khỏe của cả gia đình dần dần tệ đi do gia tăng nguy cơ gây các bệnh tim mạch, thận, thậm chí là ung thư.
 
Những thói quen chiên xào gây độc hại của người Việt

Dùng quá nhiều muối và bột ngọt

Đây là hai loại gia vị cần thiết cho tất cả các món ăn, tuy nhiên nếu bạn lạm dụng quá nhiều các loại gia vị này trong thực đơn của món ăn hàng ngày, lâu dần sẽ gây độc cho cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe. Chính vì thế, hãy nêm nếm gia vị vừa đủ ăn và thêm các loại gia vị khác vào nếu có thể nhé.

Nấu xong lập tức tắt máy hút mùi

Nhiều người có thói quen tắt ngay máy hút mùi sau khi nấu ăn xong mà không biết rằng như thế trong nhà bếp vẫn còn lưu lại một lượng khí thải chưa bị hút hết do máy cần thời gian nhất định để đạt hiệu quả tối đa.

Chính lượng khí thải luẩn quẩn trong nhà cũng góp phần tạo nên bệnh ung thư cho thành viên gia đình. Do vậy tốt nhất sau khi nấu ăn xong 3-5 phút hãy tắt máy hút mùi để đảm bảo khí thải được hút hết ra ngoài. Bên cạnh đó, khi nấu ăn nên mở cửa sổ để giảm lượng khí thải còn lưu lại trong nhà bếp.

Sử dụng dầu chiên đi chiên lại

Khi rán các món cần nhiều dầu còn thừa, các bà nội trợ thường có thói quen tiết kiệm, sử dụng cho lần chế biến tiếp sau. Tuy nhiên, việc làm này rất ảnh hưởng đến sức khỏe về lâu dài. 

Khi dầu ăn bị đun nóng nhiều lần, các vitamin và một số chất dinh dưỡng trong dầu bị phá hủy, sẽ xuất hiện một số chất gây hại cho sức khỏe và có thêm cả những cặn thực phẩm sau quá trình đun nấu mà mắt thường không nhìn thấy, thậm chí gây ra ung thư. Bạn cũng nên hạn chế ăn hàng vì đại đa số các nhà hàng đều áp dụng cách này để giảm chi phí.

Chiên ngập dầu

Chiên ngập dầu là một trong những cách nấu nướng có hại nhất. Bạn nên tránh chiên thức ăn ngập dầu vì làm tăng hàm lượng chất béo bão hòa của thực phẩm, gây tăng cholesterol, tăng nguy cơ bệnh tim mạch, huyết áp, tai biến mạch máu não, béo phì. Nếu bắt buộc phải sử dụng phương pháp nấu ăn này, hãy chắc chắn dùng giấy để thấm dầu ăn từ thực phẩm của bạn.

Cho mì chính không đúng cách

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khi đang nấu bất kể loại thức ăn nào ở nhiệt độ cao thì tuyệt đối không cho thêm mì chính. Vì ở những nhiệt độ cao sẽ xảy ra thay đổi hóa học, khiến mì chính trở nên có hại cho sức khỏe. 70 - 90 độ C là nhiệt độ thích hợp nhất để hòa tan mì chính. Vì vậy nên gia giảm mì chính khi thức ăn đã chín và bắc khỏi bếp.

Nấu đồ ăn với đường cháy

Đường là loại gia vị thường được sử dụng trong nấu ăn, đặc biệt trong các món kho hoặc chiên, rán thường ướp thực phẩm với đường. Nếu chiên rán thì chỉ để lửa 170 - 200 độ C, vì nếu để nhiệt độ cao hơn, đường sẽ bị caramen hóa làm cho thực phẩm có màu nâu đen, và rất bị cháy, khét, thậm chí còn bị ngưng kết protein. Món thịt này có thể gây ra loạt bệnh gồm chứng viêm, bệnh tiểu đường, bệnh thận và bệnh Alzheimer.

Để dầu ăn bốc khói

Một số người có thói quen chiên, rán thực phẩm trong chảo dầu bốc khói với suy nghĩ dầu nóng sẽ làm món ăn ngon hơn. Tuy nhiên, khi dầu ăn bị bốc khói tức là nhiệt độ lúc đó của dầu đã trên 200 độ C. Nhiệt độ cao không những phá hủy tác dụng chống oxy hóa của dầu và các thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm mà còn sản sinh ra peroxide tác nhân gây ung thư.

Trộn rau củ với dầu trước khi nấu

Nhiều người thích cho rau củ vào trong dầu trộn qua một chút, rồi vớt ra tiếp tục xào, làm như vậy mùi vị món ăn sẽ đậm đà hơn, thơm ngậy hơn và màu sắc thì xanh bóng hơn, hấp dẫn. Tuy nhiên thói quen này không hề tốt chút nào, thường xuyên xào nấu như vậy lượng chất béo hấp thụ vào cơ thể sẽ quá nhiều. Xào như vậy còn phá hủy dinh dưỡng vốn có của rau củ, đồng thời còn có thể sinh ra những chất gây ung thư.

Nấu xong các món không rửa chảo

Nhiều người để tiết kiệm thời gian hoặc thấy chảo vẫn sạch sẽ, thường xào xong món đầu tiên lại tiếp tục nấu món khác. Thực ra, nhìn chảo có vẻ sạch sẽ nhưng trên bề mặt của chảo vẫn dính một lớp dầu mỡ và thức ăn còn sót lại. Khi nấu lần sau ở nhiệt độ cao, có thể sẽ sinh ra chất gây ung thư Benzopyrene.

Vì vậy, tốt nhất mỗi khi xào xong món ăn đều phải rửa sạch nồi chảo, rồi mới làm tiếp món khác. Như vậy không chỉ làm giảm phát sinh chất độc hại, còn có thể tránh làm ảnh hưởng đến mùi vị của món chế biến sau.