Những tình huống “tréo ngoe” trong cưỡng chế Thi hành án dân sự

(PLVN) - Thi hành án dân sự được coi là một trong những “nghề nguy hiểm”, không phải vì các vụ việc ngày càng gia tăng về tính chất khó khăn, phức tạp mà phát sinh từ chính những “tiểu tiết” trong quá trình cưỡng chế, nếu không có phương án xử lý thấu đáo thì chấp hành viên dễ bị kiện “tơi bời”.

Mới đây, một Chi cục THADS trên địa bàn Hà Nội vừa tổ chức một vụ cưỡng chế giao nhà đất (là tài sản thế chấp) cho một Ngân hàng. Vụ việc đã qua nhiều năm, cơ quan Thi hành án cũng đã kiên trì tổ chức vận động nhưng người phải thi hành án vẫn "án binh bất động". Kế hoạch cưỡng chế được ấn định sau nhiều cuộc họp và sự thống nhất cao của các ngành chức năng.  Mọi phương án đều được tính toán kỹ lưỡng đề phòng các bất trắc, manh động từ phía người phải thi hành án.

Chó được lực lượng chức năng đưa ra khỏi hiện trường vụ cưỡng chế ở Hà Nội
Chó được lực lượng chức năng đưa ra khỏi hiện trường vụ cưỡng chế ở Hà Nội
 Thế nhưng vào đúng lúc lực lượng thi hành án đọc quyết định cưỡng chế và thực hiện mở khóa cửa vào trong thì từ trong nhà, xuất hiện một con chó lớn đặc biệt hung hãn khi thấy nhiều người lạ xuất hiện. Được biết đây là con chó mà chủ nhà (người phải thi hành án), mới đưa về từ rạng sáng ngày diễn ra cuộc cưỡng chế, khi mà các lực lượng khảo sát địa bàn đã rút đi vào đêm muộn. Tuy nhiên trước tình huống này, Chi cục trưởng THADS đã xử lý ngay bằng cách gọi lực lượng thú y, bắt con chó lại và thông báo cho gia chủ đến nhận. Tuy nhiên, cũng chưa rõ chủ nhà có đến nhận vật nuôi hay không vì bản thân họ ý thức rõ về mục đích việc làm của mình.

Một tình huống khác cũng được các chấp hành viên kể lại sau một cuộc cưỡng chế thi hành án. Đương sự là Giám đốc một Công ty tư nhân, là người phải trả nhà trong một vụ tranh chấp. Suốt cả quá trình giải quyết vụ việc, từ sơ thẩm, phúc thẩm đến thi hành án…đương sự đều sử dụng tiếng phổ thông (tiếng Kinh). Các bút tích trong hồ sơ thi hành án cũng thể hiện rõ điều đó. Vậy nhưng vào trước ngày diễn ra cuộc cưỡng chế, chấp hành viên mới tá hỏa vì đương sự nói bằng tiếng người dân tộc Mường, lúc sau lại nói bằng tiếng Tày…

Dù biết đương sự cố tình tìm lý do gây khó dễ cho cơ quan Thi hành án nhưng chấp hành viên cũng đã nhanh trí xử lý bằng cách thông qua cơ quan có thẩm quyền mời hai phiên dịch, một tiếng Mường, một tiếng Tày tham gia vào cuộc cưỡng chế. Cả quá trình cưỡng chế sau đó, hai phiên dịch này không phải phiên dịch một từ nào vì đương sự không có mặt tuy nhiên chấp hành viên thụ lý vụ việc thì vẫn cho rằng phải kín kẽ trong mọi tình huống, tránh khiếu nại sau này.

Cũng là một trường hợp khác mà người phải thi hành án phải ra khỏi nhà để trả căn nhà đang ở theo án tuyên. Người này không tự nguyện thi hành mà có nhiều hành vi cản trở. Tuy nhiên với quyết tâm phải thi hành dứt điểm bản án, cơ quan thi hành án đã lần lượt hóa giải mọi tình huống. Tưởng chừng như không còn lý do gì để trì hoãn, thì sau khi công bố quyết định cưỡng chế, chủ nhà “xuống nước”, xin lực lượng chức năng cho giữ lại ban thờ với lý do… chưa chọn được ngày lành để làm lễ. Thực ra đây chỉ là lý do mà đương sự nại ra vì trước đó họ đã có một thời gian dài để tự nguyện rời đi. Không thể niêm phong nhà, kết thúc thi hành án mà lại để lại ban thờ chờ người phải thi hành án nên cơ quan Thi hành án đã mời một công ty chuyên thực hiện những việc về tâm linh để di chuyển an toàn, trọng thị.

Có vô vàn những tình huống xảy ra trên thực tế xảy ra vào phút thứ 89 mà người phải thi hành án cố tình nại ra gây khó khăn, trì hoãn thậm chí chống đối thi hành án. Đơn giản thì là chuyện thả con chó, con mèo, đòi tiền hỗ trợ thay đổi chỗ ở hay đưa ra các yêu cầu về lợi ích. Còn nan giải hơn là việc chống đối, dùng bom, mìn, xăng đòi phóng hỏa tự thiêu, dùng thương binh, người già, đối tượng mắc bệnh xã hội gây sức ép…Giải quyết những câu chuyện này nếu không phải là những chấp hành viên có trình độ, kinh nghiệm, bản lĩnh và khả năng xử lý linh hoạt tình huống thì rất dễ rơi vào thế bị động, ảnh hưởng đến tiến độ cưỡng chế, dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo.

Trong bối cảnh việc thi hành án phải thụ lý hàng năm không ngừng gia tăng về số lượng và tính chất phức tạp, trong khi biên chế vẫn phải cắt giảm thì một trong những giải pháp được nhiều cơ quan thi hành án dân sự đặc biệt chú trọng chính là kiên trì trong vận động, thuyết phục cả trước, trong, thậm chí sau cưỡng chế thi hành án. Số việc phải cưỡng chế ngày càng giảm đi nghĩa là vừa tiết kiệm chi phí cho đương sự, vừa tiết kiệm tiền bạc, nhân lực cho cơ quan nhà nước. Không phải cưỡng chế là điều lý tưởng tuy nhiên nếu phải áp dụng biện pháp này mà có chống đối, cản trở thì tùy từng vụ việc cụ thể mà có cách thức giải quyết khác nhau.

Tuy nhiên, qua các cuộc cưỡng chế cũng cho thấy, cần có cơ chế bảo vệ tốt hơn cho các chấp hành viên, cán bộ thi hành án trong khi làm nhiệm vụ. Cần trao quyền nhiều hơn cho chấp hành viên trong cưỡng chế thi hành án, tránh trường hợp do thẩm quyền được trao không đủ mạnh dẫn đến “”nhờn luật””. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm các đối tượng chây ỳ chống đối thi hành án để làm gương, kể cả phải xử lý bằng biện pháp hình sự. 

 

Đọc thêm