Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đến ngày 29/11 cả nước có 9 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp hoàn toàn gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Kon Tum, Lai Châu, Ninh Bình, Thanh Hóa, Yên Bái, Hà Giang.
Có 20 tỉnh, thành dạy học hoàn toàn bằng hình thức trực tuyến và qua truyền hình gồm: An Giang, Bạc Liêu, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hưng Yên, Kiên Giang, Long An, Quảng Ngãi, Sóc Trăng, Tây Ninh, Trà Vinh, Vĩnh Long, Hà Nam và Gia Lai
Còn 34 tỉnh, thành còn lại kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và qua truyền hình.
Thống kê đến cấp huyện, cả nước có 407/713 đơn vị đang tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình để ứng phó với dịch bệnh.
Trước đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu UBND tỉnh, thành phố căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp.
Trong đó, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình): tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao): tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định kế hoạch dạy học cho từng lớp, khối lớp; với cấp học phổ thông, ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 9 và lớp 12, bảo đảm giãn cách phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất và các điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao): căn cứ vào thực tế tình hình và tiến độ triển khai kế hoạch năm học tại địa phương để tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học...