Công viên Ngọc Uyên Đàm Bắc Kinh là nơi cảnh sắc tuyệt vời, ở bờ Bắc có biệt thự số 7 Điếu Ngư Đài mà thời giá năm 2011 là 300 ngàn NDT/m2. Theo “Tài Tân”, mảnh đất này khi mới trưng dụng được sử dụng với danh nghĩa cho dự án nghiên cứu khoa học tổng hợp trọng điểm cấp nhà nước mang tên “Quân thuẫn - 1”, một “tác phẩm” của Cốc Tuấn Sơn.
Giữ quyền phê duyệt đất đai toàn quân
Khi đó, ông ta cưỡng chế dỡ nhà dân, trưng mua với giá rẻ 125 mẫu đất (1 mẫu Trung Quốc = 666,6m2) rồi đem bán đứt một nửa cho nhà khai thác địa ốc với giá 3.500 tệ/m2, sau được xây dựng thành khu biệt thự “Số 7 Điếu Ngư Đài”, năm 2011 mở bán với giá 300 ngàn tệ/m2, lập kỷ lục đắt nhất cả nước.
Cốc Tuấn Sơn đặt ra quy ước: Nhà khai thác mua đất từ ông ta, lợi nhuận chênh lệch được chia 6/4, Sơn 6 phần. Sơn còn yêu cầu nhà khai thác giúp xây dựng 11 tòa biệt thự sang trọng ở nửa khu đất còn lại, gọi là “Số 6 Điều Ngư Đài”, trong đó 1 tòa Sơn mang biếu Từ Tài Hậu.
Ngày 15/3/2014, nhân viên điều tra đã lục soát, lôi ra từ hầm ngầm của tòa biệt thự 2000 m2 đó rất nhiều của cải mà Từ Tài Hậu vơ vét được, trong đó riêng tiền mặt đã nặng tới 1 tấn. Sau khi “quy ước 6/4” của Sơn bị vạch trần, dư luận mới ngã ngửa, “trách nào giá nhà vống lên cao thế!”
Dự án “Quân Thuẫn - 1” chỉ là phần nổi của tảng băng. Chủ sở hữu của tất cả đất đai quân đội đều là Tổng cục Hậu cần (TCHC) và Quân ủy Trung ương, quyền phê duyệt nằm trong tay Phó chủ nhiệm TCHC phụ trách xây dựng cơ bản Cốc Tuấn Sơn. Ngành nhà đất quân đội thành “bữa tiệc” thịnh soạn nhất của những “con chuột” trong quân ngũ.
Nhà báo Chung Kiên của tờ Phượng Hoàng hồi năm 2014 phỏng vấn một luật sư lão luyện ở Thượng Hải về vụ án Cốc Tuấn Sơn. Ông này cho rằng, nhà đất quân đội là một trong những tài sản lớn nhất của quân đội, có nguồn gốc phức tạp, như phần lớn được nhà nước cắt cho không bồi hoàn; một phần tiếp quản từ chính quyền và quân đội Quốc Dân Đảng sau 1949; có chỗ lại do chính phủ cấp cho quân đội trước “Cách mạng Văn hóa”, thậm chí là đất đồi, đồng ruộng và thảo nguyên quân đội trưng dụng hoặc dùng vào việc tăng gia sản xuất hồi thập niên 1960, 1970.
Dù là ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Hàng Châu, Thanh Đảo, thậm chí ở các thành phố thuộc Tân Cương xa xôi thì doanh trại quân đội đều nằm ở khu đất giá trị nhất. Sau hơn 60 năm, giá trị của những bất động sản khổng lồ đó đã tăng thêm mấy chục, thậm chí hàng trăm lần.
|
Vườn bên trong Phủ tướng quân |
Trong quá trình “quân chuyển dân” số đất đai đó, các nhà khai thác địa phương đã trả cho quân đội một khoản tiền đền bù, Cốc Tuấn Sơn phụ trách lĩnh vực xây dựng cơ bản và phê duyệt đất đai, thực tế là một trong số những người nắm quyền chi phối số tiền đền bù đó. Các quân khu, quân binh chủng muốn được cấp vốn xây dựng và sửa chữa nhà cửa, doanh trại đều phải “tiến cống” cho Sơn thì mới được ông ta hạ bút ký duyệt.
Chung Kiên nêu ví dụ, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị (TCCT) xin TCHC cho phép mở rộng phòng tập, dự toán 80 triệu tệ, Cốc Tuấn Sơn cấp cho 190 triệu nhưng yêu cầu đưa lại 5 triệu tệ tiền mặt và 5kg vàng khối. Từ tháng 7/2009 đến 1/2011, Cốc Tuấn Sơn ký lệnh nhượng bán các khu đất vàng ở 58 đô thị như Bắc Kinh, Tế Nam, Hàng Châu, Thượng Hải, Phúc Châu, Vũ Hán…chiếm đoạt gần 30 tỷ NDT, cất giữ trong 32 tài khoản.
“Phủ tướng quân” và mấy trăm ngôi nhà
Đầu năm 2014, mạng “Tài Tân” đưa tin: “Phủ tướng quân” ở Bộc Dương là do em trai Cốc Nam Quân của Cốc Tuấn Sơn chiếm dụng 13 mẫu đất tập thể của thôn Đông Bạch Thương để xây dựng; cái tên “Phủ tướng quân” là do Sơn đặt.
Khu nhà được dân địa phương gọi là “Cố cung” này vô cùng nguy nga tráng lệ, do một kỹ sư ở Viện Thiết kế Cố cung vẽ và tổ chức thi công phỏng theo kiến trúc của Cố cung Bắc Kinh. Nhà chính (chủ lâu) 3 tầng, nhà phụ (phối lâu) 2 tầng; cổng, hành lang, trong nhà đều được chạm trổ rất tinh xảo, cũng đều được thực hiện bởi tay của các thợ hàng đầu trong Cố cung; động thổ năm 2009, đến mùa hè 2011 thì xong, thời gian thi công mất hai năm rưỡi.
Nhìn từ trên không, toàn bộ “Phủ tướng quân” trông giống như khẩu súng ngắn. Trước tòa nhà chính có hai con voi lớn bằng Hán Bạch ngọc, trước nhà phụ là đài phun nước mang hình thoi vàng Nguyên Bảo; hậu viện có đình đài, hoa viên, hành lang uyển đình; góc tường Tây Nam có một ngôi nhà làm nơi ở cho quản gia, người phục vụ.
Còn khu biệt thự Mã Giáp Hà của gia tộc họ Cốc rộng khoảng 20 mẫu đất (13.320 mét vuông) thì cực kỳ xa hoa. Tại đó có 7 biệt thự được xây, 6 cái cho 6 anh em Cốc Tuấn Sơn, chiếc còn lại người em là Cốc Hiến Quân dành để biếu tặng. Mùa thu 2011, khu biệt thự xây dựng trang trí nội thất xong, khi chuyển nhà, nhiều lãnh đạo Bộc Dương đến chúc mừng, gây nên cảnh tượng náo nhiệt chưa từng có.
Theo giới thiệu, mỗi biệt thự đều là một tòa nhà độc lập kiểu “tứ hợp viện”, nhà chính 3 tầng, cột đỏ, chạm trổ cầu kỳ; đi vào bên trong như lạc vào giữa kinh thành Bắc Kinh cổ kính. Trong sân vườn trồng rất nhiều cây gỗ quý bứng từ nơi khác về, có đầy đủ nhà xe, thang máy, khu nhà ăn, nhà cho người ở…
Trong 7 biệt thự, nhà của Cốc Hiến Quân rộng nhất và xa hoa nhất: tầng 1 có 6 phòng ngủ, phòng khách rộng 80 m2, phòng ăn hơn 30 m2. Cốc Hiến Quân ở tầng 2, phòng ngủ được trang trí theo phong cách phòng Tổng thống, có đồ gỗ Tử Đàn (gỗ Trắc) giá mấy triệu tệ. Ngày 22/11/2014, trang web của UBKTKLTW đăng tải văn bản nói về “chặn đứng nạn tham nhũng trong lĩnh vực địa ốc” lần đầu tiên phanh phui việc Cốc Tuấn Sơn có mấy trăm căn nhà.
Khu vực đường Vạn Thọ, Bắc Kinh vốn là vùng đồng quê ngập nước. Sau năm 1949, nơi đây xuất hiện các khu nhà làm việc của cơ quan TCHC và các xí nghiệp quốc phòng. Từ đầu đường Vạn Thọ đi về phía Nam gần 500m rồi rẽ phải là vào đường Thái Bình, có một loạt doanh trại quân đội như Học viện Hậu cần, Cục quản lý doanh trại, Viện thiết kế…Số 22 đường Thái Bình là trụ sở làm việc của nhiều cơ quan như Viện thiết kế TCHC và Cục quản lý doanh trại…
Ngày 22/1/2014, Kiều Hy Quân, thư ký riêng của Cốc Tuấn Sơn, ra tự thú sau nhiều tháng trốn chui lủi. Tay sĩ quan quân hàm Đại tá, bậc trưởng sư đoàn ngoài 50 tuổi này sau khi Cốc Tuấn Sơn bị “song quy” (cách ly điều tra) tháng 2/2012 đã trốn biệt tăm, Bộ Công an phát lệnh truy nã hạng A, treo thưởng 50 ngàn tệ cho việc bắt được Quân, trong lệnh truy nã ghi rõ địa chỉ đăng ký của Quân là Viện thiết kế.
Trong Viện này có một hội sở bí mật của Cốc Tuấn Sơn; chếch cửa Viện, phía đối diện không xa là trụ sở TCHC, nơi Cốc Tuấn Sơn làm việc. Khi mới về Bắc Kinh, Sơn đã ở đây; sau này mặc dù có nhiều hội sở ở các nơi, nhưng Sơn vẫn thường trú bên trong Viện này.
|
Nội thất nhà riêng của Cốc Tuấn Sơn |
Viện thiết kế TCHC là một đơn vị nằm dưới sự quản lý của Sơn. Ông ta ở một góc viện vốn là một vườn hoa có đắp giả sơn. Để không gây sự chú ý, người thiết kế cho trồng các bụi tre Uyển Khẩu xung quanh nhà ở và lối đi dẫn vào nhà của Sơn.
Vốn ưa thích khí hậu ẩm ướt phương Nam, các nhà thiết kế đã phải làm một đường ống sưởi ấm phía dưới rồi mới trồng tre lên trên để giúp loài tre này sinh trưởng, khiến ngôi nhà của Cốc Tuấn Sơn kín đáo, bí ẩn, nếu không có người dẫn đường thì ít ai phát hiện ở đây có nhà ở. Cạnh ngôi nhà trong vườn tre đó là một hội sở được thiết kế kiểu lễ đường, nối thông với nhau.
Sau khi vụ án bị phát giác, cả nhà ở lẫn hội sở đều bị điều tra khám xét rồi niêm phong. Đó chỉ là một trong số rất nhiều nhà ở của Sơn ở kinh thành. Sau khi Cốc Tuấn Sơn bị bắt giữ, nhiều cơ sở mà quân đội đã và đang xây dựng ở Bắc Kinh trở nên khó xử; trong đó, có một tòa nhà ngay gần cổng Viện thiết kế, khi đó mới dựng giàn giáo, tường bao và công trình đều chưa động thổ. Cốc Tuấn Sơn định sử dụng nó làm nhà khách của TCHC cho thuê, tuy đã khởi công song lại chưa được ngành quản lý địa phương phê duyệt thủ tục; không biết sẽ xử lý ra sao…/.