Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đinh Xuân Thảo, trưng cầu ý dân (TCYD) đã được ghi nhận ở các bản Hiến pháp trước đây nhưng đến nay chưa thực hiện được. Với Hiến pháp 2013 quy định rõ Nhân dân thực hiện quyền làm chủ thông qua dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Nội dung nổi bật nhất của dân chủ trực tiếp là TCYD, đảm bảo quyền dân chủ trực tiếp để người dân thể hiện trực tiếp ý chí của mình bằng lá phiếu.
Trưng cầu ý dân là việc Nhà nước đưa ra trưng cầu và người dân cầm lá phiếu để quyết định lựa chọn phương án nào theo lý trí và nguyện vọng của mình. Vậy theo ông, những vấn đề nào cần được trưng cầu ý dân?
- Trong quá trình lấy ý kiến Quốc hội (QH) lần trước và lần này cũng như các cuộc hội thảo về phạm vi, nội dung, những vấn đề quan trọng để đưa ra TCYD thì xác định cũng khá rõ. Nhưng còn ý kiến băn khoăn nếu quy định cụ thể quá thì khó vì không biết vấn đề nào là đại sự quốc gia, còn nếu quy định chung chung quá thì cũng khó cho QH quyết định vấn đề cần TCYD sau này.
Trước đây, Dự thảo lấy ý kiến lần đầu, QH quyết định TCYD những vấn đề liên quan đến Hiến pháp, những vấn đề đặc biệt quan trọng khác. Nhưng sau khi chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Dự thảo Luật quy định rõ hơn như TCYD một số nội dung liên quan đến Hiến pháp hoặc toàn văn Hiến pháp. Điều này có nghĩa là Hiến pháp đang có hiệu lực, muốn sửa đổi nội dung nào đó hoặc toàn bộ thì QH quyết định khi có ít nhất 2/3 số ĐBQH tán thành. Nhưng để có cơ sở cho ĐB quyết định thì thấy cần thiết QH quyết định đưa ra TCYD. Nếu đại đa số người dân đồng ý thì QH quyết sửa, còn nếu người dân thấy như vậy không cần sửa thì không sửa. Hoặc để cho yên tâm hơn rằng việc sửa đổi Hiến pháp là ý chí, nguyện vọng của toàn dân thì đưa bản Hiến pháp sửa đổi ra TCYD. Những vấn đề được Hiến pháp quy định như vấn đề chính thể hay tên nước, Quốc kỳ, Quốc ca, thủ đô… muốn thay đổi thì phải TCYD.
Tiếp đó là những vấn đề quan trọng của đất nước như công trình rất lớn liên quan đến an ninh quốc gia, ngân sách lớn hay quyết định có đồng tiền chung ASEAN chẳng hạn thì phải TCYD. Theo Dự thảo mới nhất trình QH chuẩn bị thông qua thì cơ bản đã khá rõ khi chia ra 4 -5 vấn đề cần phải TCYD.
Như vậy sẽ có những vấn đề quan trọng của đất nước song chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến một hoặc một số địa phương. Lúc này đặt ra vấn đề về phạm vi TCYD, nên trưng cầu toàn dân hay chỉ người dân ở một hoặc một số địa phương đó để không lãng phí?
- Phạm vi trưng cầu luôn có 2 ý kiến: hoặc trưng cầu trên phạm vi toàn quốc; hoặc chỉ trưng cầu ở khu vực, địa phương. Nhưng qua thảo luận chung xác định nội hàm vấn đề TCYD là những vấn đề đặc biệt quan trọng của đất nước, cho nên trưng cầu phải trên phạm vi toàn quốc và cũng bao gồm cả một hoặc một số địa phương có ảnh hưởng.
Thưa ông, theo Dự thảo Luật thì người dân có quyền đề xuất QH TCYD về một vấn đề nào đó hay không?
- Hiện cũng có ý kiến khác nhau về chủ thể có quyền đề xuất để QH quyết định TCYD. Theo Hiến pháp, Luật Tổ chức QH thì chủ thể đề nghị là Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ tịch nước, Chính phủ, có ít nhất 1/3 tổng số ĐBQH đề xuất. Dự thảo Luật không quy định người dân là chủ thể đề xuất, nhưng nếu muốn người dân có thể thông qua ĐBQH để đề xuất. Nếu thấy cần thiết thì Mặt trận Tổ quốc vẫn có thể có văn bản gửi UBTVQH để đưa ra đề xuất TCYD.
Về nguyên lý, khi đã TCYD thì lựa chọn của người dân phải là quyết định cuối cùng. Dự thảo Luật có thể hiện như vậy không, thưa ông?
- Vấn đề này phải cân nhắc, nhất là các điều kiện để kết quả TCYD hợp lệ, hợp pháp. Dự kiến là tổng số người tham gia phải có ít nhất 3/4 tổng số cử tri đi bỏ phiếu, và có số phiếu hợp lệ quá bán. Điều này thì tùy từng nước, có nước chỉ quy định 20%, 30% trên tổng số dân đồng ý là được rồi. Nhưng Việt Nam muốn dân chủ tập trung cao thì đưa số vận động tham gia đông lên. Khi huy động được số đông tham gia thì số hợp lệ quá bán sẽ lựa chọn. Vấn đề ai sẽ quyết định kết quả cuối cùng đó là hợp lệ, hợp pháp. Dự kiến, Dự thảo Luật sẽ dành quyền này cho QH vì thực tế ở nhiều nước, quy định QH phê chuẩn thì kết quả TCYD mới có giá trị.
Trân trọng cảm ơn ông!