Những xáo trộn khi thí sinh đổ xô vào ngành 'hot'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào đại học luôn là một bước ngoặt trong cuộc đời của học sinh. Hiện nay, để bảo đảm một tương lai có công ăn việc làm ổn định, phụ huynh, thí sinh không còn lựa chọn đại học theo “mác” trường nữa, mà dựa vào độ “hot” của ngành nghề đăng ký.
Nhiều thí sinh đăng ký ngành “hot” trong các trường đại học vì thiếu mục tiêu nghề nghiệp. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: htvc.edu.vn)
Nhiều thí sinh đăng ký ngành “hot” trong các trường đại học vì thiếu mục tiêu nghề nghiệp. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: htvc.edu.vn)

Ngành “lên ngôi”, ngành bị “hắt hủi”

Sau khi điểm chuẩn của các trường đại học năm 2023 được công bố vào cuối tháng 8, bên cạnh hàng loạt ngành hạ điểm chuẩn, ngược lại, vẫn có những ngành điểm chuẩn giữ ở mức cao. Điều đó cho thấy xu hướng chọn nghề nghiệp trong vài năm trở lại đây của thí sinh. Ngành Khoa học máy tính tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có mức là 29,42 điểm, ngành Thương mại điện tử ở Trường Kinh tế Quốc dân đạt mốc điểm chuẩn là 26,75, các ngành thuộc khối Sư phạm cũng dao động từ 23 - 28 điểm. Tuy nhiên, điều đặc biệt, không chỉ ở những trường đại học tốp đầu, mức điểm chuẩn của những ngành này mới cao. Mà ngay cả các trường tốp sau, đây vẫn là các ngành được nhiều thí sinh đăng ký.

Ngược lại, có một số ngành nghề hiện nay đã không còn được thí sinh ưa chuộng. Như ngành Công an vốn từng giữ mức điểm chuẩn “kịch trần” là 30 điểm, nay đã hạ xuống dao động từ 14,01 - 24,94 điểm. Bên cạnh một số ngành nghề giảm mạnh điểm chuẩn, còn những ngành liên tục bị các thí sinh “né tránh”. Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong khoảng 3 năm qua, các ngành nông lâm nghiệp và thủy sản chỉ tuyển sinh đạt 49,10%; khoa học sự sống 57,92%; khoa học tự nhiên 59,43%; dịch vụ xã hội 61,36%.

Hiện nay, nhu cầu của thí sinh không chỉ là “vào” đại học mà ngành học phải gắn liền với sự phát triển trong tương lai sau khi ra trường của họ. Những ngành nghề được nhiều người quan tâm là ngành Công nghệ thông tin, Khoa học máy tính, Thương mại điện tử, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng, Luật, Sư phạm… Các thí sinh lựa chọn những ngành này vì có đầu ra ổn định, dễ dàng xin được công việc tốt. Đặc biệt, đây là ngành nghề có mức lương hấp dẫn, được Nhà nước, các công ty tư nhân, liên doanh đầu tư.

Theo Vietnamwork - website tuyển dụng lớn nhất của Việt Nam, trong 3 năm vừa qua, số lượng công việc ngành Công nghệ thông tin - Phần mềm đã tăng trung bình 47%/năm. Khối ngành này đang thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, cần thêm khoảng 400.000 nhân lực mỗi năm. Hay như ngành Thương mại điện tử, là một ngành nghề đang có sức “nóng” trong hai đến ba năm trở lại đây. Vốn là một ngành “sinh sau đẻ muộn”, nhưng hiện tại, đây là ngành có tốc độ tăng trưởng lớn ở Việt Nam, cần nguồn nhân lực dồi dào, nhân viên cũng có mức thu nhập tốt. Ngay cả các ngành thuộc khối Sư phạm, dù gặp những khó khăn trong vài năm qua, nhưng đây là nhóm ngành đang có nhiều chính sách hỗ trợ cả về học phí lẫn đầu ra cho sinh viên. Hơn nữa, giáo dục là một ngành thu hút được vốn đầu tư vô cùng lớn, tại Hội nghị Hợp tác và đầu tư trong giáo dục 2022, đưa ra số liệu, đến hết tháng 6/2022, Việt Nam thu hút 605 dự án trong lĩnh vực giáo dục với tổng số vốn đầu tư lên tới hơn 4,57 tỷ USD, đến từ 33 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Ngược lại, tại những ngành khoa học cơ bản, do thời gian học lâu, cơ hội việc làm hạn chế, sau khi ra trường lại phải học lên cao, khiến nhiều thí sinh e ngại lựa chọn. PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo đại học, Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã từng chia sẻ, trong những năm qua, mặc dù nhà trường có chính sách trao học bổng và cam kết về đầu ra, nhưng vẫn không thu hút được người học. Vì thế, dù xác định các ngành khoa học cơ bản là những ngành quan trọng cho sự phát triển, nhưng trường vẫn buộc phải thu hẹp quy mô tuyển sinh.

Việc thí sinh “đổ xô” vào chọn những ngành “hot” và bỏ qua những ngành khác đang dẫn đến thực trạng “lên xuống” thất thường của các ngành nghề trong mỗi đợt tuyển sinh đại học. Khoảng ba năm trước đây, khi các ngành thuộc khối Sư phạm chưa được đánh giá cao, điểm số tại những trường như Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Vinh, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế có số điểm tương đối thấp, nhiều ngành chỉ từ 17 - 19 điểm, nhưng vẫn thiếu sinh viên theo học. Vậy mà đến năm 2023, hầu hết các ngành thuộc khối Sư phạm đều có mức điểm 26, 27, thậm chí là 28 điểm. Ngược lại, các trường thuộc khối Y Dược đã từng cán mốc 27, 28 điểm trong quá khứ, hiện nay, mức điểm chuẩn lại giảm đáng kể. Đại học Dược Hà Nội có mức điểm chuẩn dao động từ 22 - 25, đây là một số điểm khiêm tốn so với mặt bằng chung của các trường tốp đầu ở Hà Nội. Hay các học viện, đại học thuộc nhóm ngành Công an, vốn từng đạt mốc trên 30 điểm liên tục trong vài năm, vào năm 2022, đã phải giảm mạnh điểm chuẩn và tuyển bổ sung sinh viên.

Thí sinh thiếu định hướng nghề nghiệp

Ngành nghề đang là xu hướng có thể “hạ nhiệt” khi sinh viên ra trường. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: vieclam24h)

Ngành nghề đang là xu hướng có thể “hạ nhiệt” khi sinh viên ra trường.

(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: vieclam24h)

Việc thí sinh đổ dồn vào chọn ngành “hot” trong xã hội hiện nay, cho thấy nhiều em đang chạy theo tâm lý đám đông. Bởi không ít học sinh thiếu định hướng, mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai. Thậm chí, đến năm lớp 12, các em mới bắt đầu mơ hồ lựa chọn ngành nghề theo sự gợi ý của gia đình, thầy cô, bạn bè.

TS Lê Đình Nam, Phó trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội đã từng chia sẻ với báo chí, hiện có rất nhiều ngành nghề và các trường đào tạo khác nhau, nhưng không phải thí sinh nào cũng có hiểu biết đầy đủ về ngành nghề đó trước khi đăng ký xét tuyển. Giáo sư Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, Phó Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định việc thí sinh đăng ký vào các ngành “hot” là rất cảm tính, không chuẩn xác. Còn TS Kiến trúc sư Hồ Quốc Khánh, Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, thí sinh hiện nay có quá nhiều thông tin về các trường đại học, ngành nghề, khiến các em bối rối, không thể xử lý thông tin, để đưa ra lựa chọn ngành học một cách đúng đắn nhất.

Mong muốn được đỗ vào ngành đang là xu thế trong xã hội, nhiều thí sinh không xét đến năng lực, sở trường của bản thân, mà bất chấp đăng ký vào những ngành này. Dẫn đến việc các em thất vọng sau khi theo học trong trường. Như có không ít sinh viên đại học dù đỗ vào những trường tốp đầu, sau khi học, các em cũng không hiểu mục đích của ngành học. Thậm chí nhiều người phát hiện ra bản thân không hợp ngành, buộc họ phải thôi học, bảo lưu kết quả để thi lại vào một ngôi trường phù hợp hơn. Đây là thực trạng đang diễn ra trong rất nhiều năm qua. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 65,4% sinh viên năm thứ nhất chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ; 75,6% sinh viên ít thỏa mãn với nghề đã chọn, học rồi mới thấy không hợp; 32,4% sinh viên muốn được thi lại vào năm sau.

Hơn nữa, việc chọn ngành học dựa vào độ “hot” rất bất lợi cho các thí sinh. Bởi khi vào trường, có thể ngành các em chọn đang là xu thế, sau bốn, năm năm ra trường, ngành đã “hạ nhiệt”, mức độ tuyển dụng nhân lực vì vậy cũng sẽ ít đi, giảm cơ hội tìm được việc làm tốt cho các em. Đặc biệt, các ngành càng “nóng”, lại càng có nhiều người theo học, dẫn đến việc một thị trường lao động “đông đúc”, buộc những người học phải cạnh tranh với nhau để có được vị trí công việc tốt nhất.

Theo báo cáo thị trường công nghệ thông tin Việt Nam 2021 Developers Recruitment State, chất lượng sinh viên sau tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp hiện đại vẫn còn thấp. Cụ thể, trong số hơn 55.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có khoảng 16.500 sinh viên (30%) đáp ứng được những kỹ năng và chuyên môn mà doanh nghiệp cần. Đây là một con số khá chênh lệch, so với lượng sinh viên tốt nghiệp với tấm bằng Công nghệ thông tin mỗi năm.

Điều đó cho thấy, việc chọn nghề nghiệp không thể chỉ phụ thuộc vào độ “nóng” của ngành nghề, mà hơn cả đó là năng lực của mỗi cá nhân. Vì vậy, thí sinh cần lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở trường, khả năng của các em, sau đó mới là xu hướng xã hội, cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Bởi nếu một ngành nghề không cho các em phát huy được hết thế mạnh của mình, mà chỉ là một nghề dễ kiếm việc, có thu nhập tốt, thì hoàn toàn có thể khiến các em “yếu thế” hơn khi bước vào thị trường lao động trong tương lai.

Cho nên, một trong những vấn đề quan trọng ở các cấp phổ thông, trung học không chỉ là việc học tập kiến thức sách vở. Mà nhà trường cần tích cực kết hợp với các công ty, doanh nghiệp, trường đại học, để giúp học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Ngoài ra, cần hỗ trợ các em có thông tin về nghề nghiệp, để hiểu rằng, mỗi ngành nghề đều có vai trò, vị trí quan trọng trong xã hội. Từ đó hạn chế việc thí sinh “đổ xô” vào đăng ký những ngành nghề “hot” trong xã hội, mà không quan tâm liệu bản thân có năng lực thực sự phù hợp với nghề hay không.

Đọc thêm