Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị
Các đại biểu cho rằng, mức tăng trưởng GDP 8,02% năm 2022 là khá ấn tượng, nhất là trong bối cảnh CPI tăng thấp, 3,15%. GDP bình quân đầu người năm 2022 tương đương 4.110 USD, tăng 393 USD so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức đạt kỷ lục mới với 732,5 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD. Nhiều ý kiến địa phương cho biết, năm qua, thu ngân sách trên địa bàn có sự tăng trưởng ấn tượng.
Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, nhân tố quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự chủ động của Quốc hội; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với tư duy đột phá, hành động khẩn trương, linh hoạt, đặt hiệu quả lên trên hết; từ đó lan tỏa niềm tin, nhân lên sức mạnh đoàn kết và nhận được sự ủng hộ, đồng hành, chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết, Hà Nội đã tập trung thực hiện Đề án phân cấp quản lý Nhà nước và ủy quyền một số lĩnh vực kinh tế - xã hội, với phương châm: việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân thì giao cấp đó thực hiện. Tuy Đề án mới được triển khai nhưng đã cho thấy kết quả tích cực, thời gian giải quyết hồ sơ hành chính đã được rút ngắn hơn, bước đầu được doanh nghiệp, người dân đánh giá cao.
Còn Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP rất vui mừng trước những kết quả phát triển kinh tế - xã hội và thu - chi ngân sách năm 2022 của cả nước. Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã điều hành rất tập trung, quyết liệt để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là những dự án lớn, kéo dài. Các lãnh đạo địa phương, các cơ quan Trung ương cũng rất chủ động, kịp thời và sát thực tiễn trong ban hành chủ trương, trong phản ứng chính sách, đặc biệt là trong điều hành. Ông cũng chia sẻ một số kết quả nổi bật của TP trong năm qua. Theo đó, năm 2022, kinh tế - xã hội TP HCM phục hồi mạnh mẽ. GRDP tăng 9,03%; thu ngân sách đóng góp 26,5% trong tổng thu ngân sách của cả nước.
Để đạt được kết quả này, TP cũng như Chính phủ đã tập trung quyết liệt giải quyết những dự án đầu tư, dự án sản xuất vướng mắc kéo dài nhiều năm, từ đó khơi thông nguồn vốn, đặc biệt tạo niềm tin rất lớn cho thị trường, cho xã hội. Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, xã hội, hoạt động đối ngoại của TP phục hồi tốt. Điều này vừa góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vừa tạo niềm tin rất lớn, tạo ra năng lượng tích cực trong xã hội về khả năng phục hồi mạnh mẽ của TP, góp phần xây dựng hình ảnh của TP cũng như của đất nước sau đại dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cho rằng, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, mở cửa nền kinh tế nên đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng. “Người dân đánh giá cao việc phản ứng tình huống và các biện pháp điều hành linh hoạt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ về các vấn đề như xăng dầu, chứng khoán, bất động sản, hoạt động ngân hàng…”, ông Hiệp cho biết và khẳng định niềm tin vào sự lãnh đạo của Chính phủ ngày càng nâng lên, các địa phương được truyền cảm hứng trong chỉ đạo, điều hành. Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, ngay từ đầu năm mới 2023, tỉnh đã ban hành 3 chỉ thị đối với 3 vấn đề liên quan đến giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách và thực hiện Công điện của Thủ tướng về đẩy mạnh triển khai các dự án cao tốc để triển khai ngay từ đầu năm.
Đối với Thái Nguyên, tỉnh đã bám sát quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các sở, ban, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2022 tăng 8,59% so với năm 2021, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm (tăng 8%); thu ngân sách Nhà nước đạt 19.096 tỷ đồng, vượt 31% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thái Nguyên cũng là một trong các tỉnh dẫn đầu về triển khai Đề án 06 và đứng vị trí thứ 8/63 tỉnh, TP trong cả nước về chuyển đổi số…
Nhờ các chính sách tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển hiệu quả, hoạt động kinh tế - xã hội của nhiều địa phương trong năm 2022 có sự phục hồi ấn tượng. (Ảnh minh họa) |
Quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2023
Từ thực tiễn địa phương mình, các đại biểu đã “hiến kế” để đất nước năm nay đạt được nhiều thành tích và tiến bộ hơn năm 2022. Về kế hoạch năm 2023, theo ông Phan Văn Mãi, TP sẽ tiếp thu ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, kết luận của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện và bổ sung các giải pháp triển khai trong thời gian sắp tới với tinh thần triển khai ngay từ đầu năm và quyết tâm cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023.
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong sản xuất của các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…; vừa tháo gỡ để thúc đẩy sản xuất vừa đảm bảo việc làm, an sinh xã hội. Đồng thời, đề nghị Chính phủ quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho các dự án đầu tư, các dự án kinh doanh, trong đó có những tồn đọng của TP HCM mà TP đã báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để khơi thông nguồn vốn, tăng niềm tin cho thị trường, xã hội.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh thì khẳng định, TP Hà Nội sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023 với quyết tâm cao nhất, phấn đấu hoàn thành toàn bộ 22/22 chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Năm 2023, dự báo tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đồng thời cũng là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Kế hoạch 5 năm 2021-2025, TP Hà Nội tiếp tục lựa chọn chủ đề công tác là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, đề ra 22 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó GRDP tăng 7,0% trở lên; kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 4,5%...
Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tuấn Tuân cho biết, tỉnh xác định cần làm việc một cách rất nghiêm túc, khẩn trương, phải kêu gọi được sự đồng thuận cả trong hệ thống chính trị và trong dân. Vì vậy, những công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn đã triển khai rất tốt. Tiến độ giải phóng mặt bằng để phục vụ cao tốc đạt trên 85% và bắt đầu khởi công, chuẩn bị thi công. Ông Nguyễn Tuấn Tuân cho rằng, cần tiếp tục phát huy hiệu quả tinh thần đoàn kết, thống nhất, đồng thuận cao. Đây là yếu tố kiên quyết để quyết định phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh, năm 2023, tỉnh quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu tốc độ GRDP đạt từ 11%, tất cả các ngành, lĩnh vực phấn đấu đạt cao hơn năm 2022. Theo ông, cần phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động linh hoạt sáng tạo, sâu sát thực tế, tổ chức thực hiện nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ điều kiện bảo đảm, rõ thời gian, rõ hiệu quả, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, thường xuyên kịp thời điều chỉnh, bổ sung giải pháp cho phù hợp với diễn biến tình hình thực tiễn. Đồng thời phải khơi dậy được khát vọng phát triển, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế, các yếu tố thuận lợi, khắc phục được hạn chế, yếu kém, “điểm nghẽn” để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội…
Giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa, tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nhanh và bền vững. Tập trung ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; giải quyết có hiệu quả những khó khăn, hạn chế, yếu kém cả trước mắt lẫn lâu dài của nền kinh tế để giữ vững đà phục hồi, tăng trưởng nhanh và bền vững, thực chất hơn. Cần quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ phát triển văn hoá, xã hội, hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tổng Bí thư cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách…