Tôi yêu tiếng nước tôi…
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp” (trích bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Hội Nhà báo Việt Nam vào ngày 8/9/1962). Trước Cách mạng Tháng Tám, trong Đề cương về văn hóa Việt Nam, Đảng ta nêu nhiệm vụ “tranh đấu về tiếng nói” thành một nhiệm vụ cần thiết, chủ trương “thống nhất và làm giàu thêm tiếng nói của dân tộc”. Cách mạng Tháng Tám mở ra một giai đoạn phát triển mới của tiếng Việt. Đó là giai đoạn tiếng Việt được nâng lên địa vị ngôn ngữ chính thức của Nhà nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, phạm vi sử dụng của tiếng Việt được mở rộng một cách không hạn chế…
Trong văn học nghệ thuật, hơn ai hết những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ… là những người đã, đang góp rất nhiều công sức trong việc giữ gìn, phát huy tiếng Việt. Ngay từ thời Thơ Mới (1932 - 1945), trong hoàn cảnh nước nhà chưa độc lập, tác phẩm của hầu hết các thi nhân đương thời đều giăng mắc một nỗi buồn bàng bạc. Hoài Thanh đã tâm sự: “Bi kịch ấy họ gửi cả vào tiếng Việt. Họ yêu vô cùng thứ tiếng trong mấy mươi thế kỷ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ qua. Đến lượt họ, họ cũng muốn mượn tấm hồn bạch chung để gửi nỗi băn khoăn riêng” (trích Một thời đại trong thi ca).
Huy Cận đã bày tỏ tình yêu tiếng Việt bằng những câu lục bát mặn nồng: “Nằm trong tiếng nói yêu thương/Nằm trong tiếng Việt vấn vương một đời/Sơ sinh lòng mẹ đưa nôi/Hồn thiêng đất nước cùng ngồi bên con/Tháng ngày con mẹ lớn khôn/Yêu thơ, thơ kể lại hồn ông cha/Đời bao tâm sự thiết tha/Nói trong tiếng nói lòng ta thuở giờ” (trích Nằm trong tiếng nói). Bài hát “Tình ca” của nhạc sĩ Phạm Duy được nhiều người yêu thích cũng đề cập đến tình yêu với tiếng Việt: “Tôi yêu tiếng nước tôi/Từ khi mới ra đời người ơi/Mẹ hiền ru những câu xa vời/À à ơi, tiếng ru muôn đời…”.
Tự hào cất lên tiếng nói của quê hương
|
Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng DTTS) bằng 8 thứ tiếng dân tộc. (Nguồn: Báo DT và PT) |
Tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ của đại đa số người Việt Nam, là công cụ giao tiếp quan trọng bậc nhất trong một cộng đồng dân cư rộng lớn.Với lịch sử hình thành và phát triển rất đáng tự hào, tiếng Việt đã, đang, sẽ mãi là tài sản quốc gia quý giá. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải kế thừa những giá trị ngôn ngữ truyền thống và hội nhập như thế nào để đừng đánh mất bản sắc của tiếng mẹ đẻ.
Ngày 3/8/2022, Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 3/8/2022 phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” đã được Chính phủ ban hành lấy ngày 8/9 hàng năm là ngày tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt và “tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gìn giữ tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào và tự tôn dân tộc”.
Đề án nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng. Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình; lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài…
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao trong khuôn khổ Ngày Tôn vinh tiếng Việt 2024, cuộc thi tìm kiếm sứ giả tiếng Việt năm 2024 được triển khai tổ chức từ tháng 4 - 8/2024 đã thu hút 158 thí sinh là người Việt Nam ở nước ngoài từ 14 địa bàn tham gia, trong đó có cả thí sinh là người nước ngoài yêu tiếng Việt. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng Tủ sách tiếng Việt rất được quan tâm. Đến nay, Bộ Ngoại giao phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã cung cấp 5 tủ sách cho các địa bàn và cung cấp sách phục vụ cộng đồng tại Áo, Lào, Hungary, Slovakia, Bỉ, Qatar. Các hội đoàn người Việt ở một số quốc gia đã thành lập Ban tiếng Việt chuyên trách, thành lập các trường, lớp dạy và học tiếng Việt như Trường Lạc Long Quân (Ba Lan), Trung tâm tiếng Việt (Budapest, Hungary), các lớp tiếng Việt vui, chương trình trại hè… tạo môi trường giao lưu văn hóa, ngôn ngữ…
Đề án được triển khai trong giai đoạn 2023 - 2030, đồng thời với Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 30/11/2021. Các hoạt động hướng tới Ngày Tôn vinh tiếng Việt sẽ được triển khai trong cả năm và có thể tổ chức lồng ghép vào các dịp lễ hội, kỷ niệm các ngày lễ trọng đại của đất nước.
Hiện tại có khoảng 6 triệu người Việt Nam sinh sống ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Duy trì tiếng Việt ở cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài không chỉ là gìn giữ gốc Việt mà còn phát huy bản sắc văn hoá riêng trong xã hội sở tại, phát huy tinh thần tự hào, tự tôn về dân tộc Việt. Công tác xây dựng, phát triển phong trào dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài từ trước đó và sau khi Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030” thực hiện đã được triển khai rộng khắp.
Để lớp trẻ không quên ngôn ngữ dân tộc
Hiện nay, tiếng nói, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đang đứng trước nguy cơ bị mai một. Học sinh rất ít khi sử dụng tiếng của dân tộc mình để giao tiếp. Do đó, việc bảo tồn, gìn giữ ngôn ngữ các DTTS là vấn đề cấp thiết, nhằm lưu giữ bản sắc văn hóa. Việc truyền dạy ngôn ngữ dân tộc vừa giúp các DTTS duy trì các giá trị văn hóa của dân tộc mình, vừa bảo đảm sự bình đẳng trong việc hưởng thụ các giá trị văn hóa và giáo dục.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng chương trình dạy song ngữ (tiếng Việt và tiếng DTTS) bằng 8 thứ tiếng dân tộc bao gồm: Thái, Mông, Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Chăm, Khmer, Hoa, Ê Đê cho các trường tiểu học, phổ thông dân tộc nội trú vùng đồng bào DTTS. Dựa trên bộ tài liệu này, hiện nay cả nước có khoảng 30 tỉnh, thành phố đang tổ chức dạy học ngôn ngữ DTTS trong nhà trường.
Nhiều địa phương triển khai thực hiện dạy tiếng dân tộc cho học sinh trong trường phổ thông và đã đạt được kết quả tốt. Tỉnh Sơn La đặt kế hoạch mỗi năm mở khoảng 9 lớp với 400 học viên; tỉnh Bình Thuận dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học 4 tiết/tuần; tỉnh Lào Cai cũng tổ chức dạy song ngữ trong một số trường học trên địa bàn...
Tại Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng (tỉnh Lào Cai) “Câu lạc bộ dạy tiếng mẹ đẻ, chữ viết” cho học sinh dân tộc Mông, Dao, Tày đã được thành lập. Các CLB học tiếng Mông, Dao, Tày thu hút rất đông thành viên tham gia. Mỗi buổi sinh hoạt xoay quanh một chủ đề và học sinh sẽ trao đổi, chia sẻ với nhau. Các em học sinh có môi trường để giao tiếp, sử dụng tiếng mẹ đẻ nhiều hơn. Theo lãnh đạo Trường PTDTNT THCS và THPT huyện Bảo Thắng, những năm qua, thế hệ trẻ phần đông không thường xuyên sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình. Do vậy, việc thành lập và duy trì hoạt động CLB là rất cần thiết và cần được tiếp tục duy trì, nhân rộng trong những năm học tới.
Không chỉ tại nhà trường, tại địa phương, nhiều người già, nghệ nhân đã tự đứng ra mở lớp dạy dạy ngôn ngữ dân tộc cho lớp trẻ, thu hút đông đảo học sinh tham gia…
Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), Mục tiêu 4 của Chương trình phát triển bền vững vào năm 2030 tập trung vào một nền giáo dục có chất lượng và việc học tập trong suốt cuộc đời của tất cả mọi người, để qua đó khuyến khích sự tôn trọng đầy đủ việc sử dụng tiếng mẹ đẻ trong quá trình giảng dạy và học tập, cũng như thúc đẩy và bảo tồn đa dạng ngôn ngữ.
“Là một phần của một phương pháp tiếp cận đa ngôn ngữ, tiếng mẹ đẻ là những thành phần thiết yếu của một nền giáo dục có chất lượng và chính là nền tảng cho việc trao quyền cho các cá nhân và xã hội. Chúng ta phải nhận ra và nuôi dưỡng sức mạnh này, để không để lại bất cứ ai ở ngoài lề xã hội và xây dựng một tương lai công bằng và bền vững hơn cho tất cả mọi người” - Tổng Giám đốc UNESCO nhấn mạnh.
Nhận thức và hành động về vấn đề này đã và đang được thực hiện mạnh mẽ ở Việt Nam. Để từ đó, mỗi người Việt Nam trên dải đất hình chữ S có thể hàng ngày cất lên tiếng nói của niềm tự hào mang tên “tiếng mẹ đẻ”…
Theo UNESCO, trong số khoảng 7.000 ngôn ngữ được nói trên thế giới, hơn 50% ngôn ngữ có khả năng bị tuyệt chủng trong vòng một vài thế hệ tới, 96% được nói bởi chỉ có 4% dân số thế giới. Chỉ có vài trăm ngôn ngữ đang thực sự có giá trị trong hệ thống giáo dục và trong các lĩnh vực công cộng và chưa đầy 100 ngôn ngữ được sử dụng trong thế giới kỹ thuật số. Năm 1999, theo quyết định của UNESCO, ngày 21/2 được chọn là Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ nhằm nhận thức rõ rệt về tầm quan trọng của sự phong phú, đa dạng về ngôn ngữ. Từ năm 2000, Ngày quốc tế tiếng mẹ đẻ được kỷ niệm hàng năm ở khắp nơi trên thế giới, nhằm thúc đẩy sự đa dạng ngôn ngữ và văn hóa cũng như đa ngôn ngữ, nâng cao nhận thức về các truyền thống ngôn ngữ và văn hóa trên toàn thế giới, truyền cảm hứng cho tinh thần đoàn kết dựa trên sự hiểu biết, khoan dung và đối thoại.