Hào khí Việt Nam
Năm 248, tại vùng đất Cửu Chân, Triệu Thị Trinh cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã vùng dậy đấu tranh chống lại ách nô lệ của nhà Ngô. Người con gái mới tuổi đôi mươi đã trang nghiêm cất tiếng: “Ta muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Câu nói của Bà Triệu không chỉ đại diện cho tiếng nói của một bậc nữ lưu hào kiệt, mà thể hiện hào khí Việt Nam từ thuở xưa đến ngày nay, chí lớn vươn cao, độc lập tự chủ, không bao giờ khom lưng uốn gối làm trâu ngựa cho người.
Nước Việt, quốc gia nhỏ bé nằm cạnh Biển Đông, từ thuở dựng nước đã luôn luôn phải đau đáu “giữ nước”, bởi biết bao thế lực ngoại xâm hung tàn hăm he, dòm ngó. Nhưng cái hào khí vươn vai, thẳng gối, không chịu làm nô lệ vẫn luôn chảy mạnh mẽ trong huyết quản người Việt. Suốt hàng ngàn năm đô hộ giặc Tàu, dù cho là đội quân thiết kì mạnh mẽ vô song của nhà Hán từng khiến Hung Nô đại bại, triều đại từng là bá chủ trung nguyên, “nuốt trọn” Tây vực như Đại Đường, thế lực khiến cả thế giới khiếp sợ như Thành Cát Tư Hãn với vó ngựa Nguyên Mông... vẫn nhiều lần lùi bước trước sự quật cường của dân tộc Việt.
Mỗi một thời đất nước oằn mình dưới ách nô lệ của quân thù, người Việt chưa bao giờ thôi đấu tranh, thôi quật khởi. Những người anh hùng mang chí lớn, dấy binh khởi nghĩa đánh đuổi quân thù như Hai Bà Trưng, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Lê Lợi, Đề Thám... dẫu thành công hay thất bại, đều để lại cho hậu thế, cho Nhân dân sức mạnh của sự quật khởi, của lòng yêu nước.
Chúng ta có những danh tướng vừa có dũng, vừa có mưu như Đinh Bộ Lĩnh, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Quang Trung..., những cái tên mỗi lần cất lên như tiếng chuông vang dội, khiến quân địch phải kinh hoàng táng đảm, những chiến công phi thường khiến mỗi người dân nước Việt phải thán phục, trào dâng niềm tự hào.
Trong dòng lịch sử, nhiều sử gia thường gọi bài thơ “Nam quốc sơn hà” của danh tướng Lý Thường Kiệt là “bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam”: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (Dịch thơ: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở/Rành rành định phận ở sách trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”). Cho đến ngày nay, có lẽ không người Việt nào không thuộc nằm lòng những lời tuyên ngôn ấy. Đó là tinh thần thép của một quốc gia bé nhỏ mà ngoan cường, là khí thế ngạo nghễ của người chiến thắng trước kẻ thù mạnh, là khẳng định đanh thép của chính nghĩa trước hung tàn. Tinh thần ấy không chỉ của một vị danh tướng trong một thời đại, mà của đất nước Việt, người dân Việt hun đúc suốt chiều dài lịch sử giữ nước và dựng nước.
Năm 1428, sau khi chiến thắng quân Minh xâm lược, anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi thay lời Lê Lợi viết “Bình ngô đại cáo”, được coi là “tuyên ngôn độc lập” thứ hai của nước ta. “Như nước Đại Việt ta từ trước/Vốn xưng nền văn hiến đã lâu/Núi sông bờ cõi đã chia/Phong tục Bắc Nam cũng khác; Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương/Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/Song hào kiệt thời nào cũng có”.
Bên cạnh khẳng định chủ quyền của đất nước, áng hùng văn bất hủ ấy cũng đồng thời khẳng định một điều, rằng nước Nam ta “hào kiệt thời nào cũng có”. Địa linh sinh nhân kiệt, mảnh đất giàu tài nguyên, luôn bị kẻ địch dòm ngó ấy, từ thuở dựng nước đến nay, thời nào cũng có anh hùng, hào kiệt, thời nào cũng có minh quân, dân hiền.
Và điều đặc biệt, dù trải qua một ngàn năm Bắc thuộc, nhưng người Việt vẫn giữ trọn nền văn hóa của mình. Cùng với đó, lăm le xâm chiếm nước ta luôn luôn là những đất nước cường đại, những lực lượng quân đội hung mãnh, khiến khu vực và thế giới kinh sợ. Và rồi, hết thực dân Pháp, phát xít Nhật đến đế quốc Mỹ đều phải, hoặc trốn chạy, hoặc rút lui khỏi Việt Nam sau bao trận chiến ác liệt, bao thất bại thảm hại.
Thế giới đã phải ngả mũ trước một nước Việt nhỏ bé kiên cường. Thế giới cũng phải công nhận nền độc lập, tự chủ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam được Hồ Chủ tịch đọc lên vào thời khắc lịch sử 2/9/1945 là lời tuyên bố chính thức với cả thế giới, rằng dân tộc chúng ta là một dân tộc độc lập, chính quyền và người dân chúng ta có quyền tự quyết sinh mệnh của đất nước mình.
Dấu ấn Việt Nam trên bản đồ thế giới
Trong tiến trình đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế, xã hội đáng ghi nhận. (Nguồn: Toquoc). |
Trong 10 danh tướng thế giới được Hội đồng khoa học Hoàng gia Anh phong tặng, giữa hơn trăm quốc gia lớn nhỏ, giữa vài chục cường quốc về quân sự, Việt Nam lại có đến hai danh tướng được vinh danh: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, danh tướng chỉ huy đẩy lùi ba lần cuộc xâm lược của quân Nguyên Mông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh tối cao của quân đội nhân dân Việt Nam, bậc thầy số 1 về chiến tranh du kích, người đã chỉ huy thành công chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt “pháo đài bất khả xâm phạm” của Pháp, tổ chức Chiến dịch Hồ Chí Minh huyền thoại trong kháng chiến chống Mỹ, góp phần giành lại độc lập cho dân tộc ta.
Việt Nam chúng ta có đến 7 danh nhân văn hóa thế giới được UNESCO vinh danh gồm: Nguyễn Trãi, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Du, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Trong đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác Hồ kính yêu của dân tộc, người lãnh đạo quân và dân Việt Nam giành thắng lợi trước Pháp và Mỹ, giành độc lập cho đất nước Việt Nam. Người là “lãnh tụ vĩ đại”, là “danh nhân kiệt xuất”, vang danh không chỉ trong nước, trong khu vực, mà được người dân thế giới ngưỡng mộ, kính nể. Không ít du khách đến Việt Nam, mong được một lần đến viếng Hồ Chủ tịch, tìm hiểu con đường cứu nước, con đường cách mạng của Người.
Về thành tựu khoa học kĩ thuật, từ trước đến nay, Việt Nam có biết bao nhà khoa học đã được thế giới vinh danh bởi những cống hiến lớn lao cho nhân loại. Đó là Giáo sư Tạ Quang Bửu với công trình phát triển khoa học cơ bản, kỹ thuật rà phá bom mìn trong chiến tranh; Giáo sư Trần Đại Nghĩa, người xây dựng nền tảng vững chắc cho nền khoa học, kỹ thuật quân sự và quốc phòng của nước ta;... Những năm vừa qua, Research.com, Cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa học thế giới thường xuyên đưa ra các công bố kết quả xếp hạng các nhà khoa học có thành tích xuất sắc trong công bố khoa học và các nhà khoa học Việt Nam không bao giờ vắng mặt trong danh sách ấy.
Trong tiến trình đổi mới, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu kinh tế, xã hội đáng ghi nhận, GDP bình quân đầu người liên tục tăng mạnh, đời sống Nhân dân được cải thiện, xã hội ổn định, chỉ số an toàn cao, chỉ số hạnh phúc của người dân cao. Các hoạt động văn hóa, thể thao... đều ghi những dấu ấn tốt đẹp trong khu vực, trên trường quốc tế.
Từ một đất nước bị xâm lăng, bị đô hộ, bị vơ vét tài nguyên, đến nay là quốc gia độc lập, tự chủ, phát triển mạnh mẽ về khoa học - kĩ thuật, kinh tế - xã hội, điểm đến lý tưởng của du khách quốc tế. Tất cả những điều này đều đáng để chúng ta, mỗi một người dân Việt Nam thấy hãnh diện.
Bao năm qua, bên cạnh những tiếng nói chung, tinh thần đoàn kết, đồng thuận, thi thoảng, vẫn có những cá nhân ngược dòng lệch lạc, phản động. Đó đây, vẫn có những tư tưởng “tự nhục” một cách cực đoan, coi thường, chê trách đất nước, phủ nhận sạch trơn những thành tựu của cả dân tộc.
Có câu “con cái không được chọn cha mẹ để ra đời”. Chúng ta cũng không được quyền lựa chọn sinh ra trên quốc gia nào. Những mỗi một người Việt chúng đều được quyền lựa chọn cho mình tinh thần yêu nước, lựa chọn sống tốt, sống đẹp, cống hiến cho đất nước, cho Nhân dân.
Mỗi người Việt chúng ta lớn lên đều mang trong mình niềm tự hào của một dân tộc anh hùng, như những câu thơ trong bài “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi: “Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất/Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/Những buổi ngày xưa vọng nói về”… Chúng ta hoàn toàn có quyền lựa chọn ngẩng cao đầu tự hào là người dân nước Việt, như cha ông ta tự ngàn xưa, đã lựa chọn như thế.