Giữa dòng chảy thời gian, thông tin báo chí đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Với sự góp mặt của mạng eInternet và các thiết bị kỹ thuật số cầm tay, việc đọc báo, làm báo đột ngột được “nới rộng” theo nhiều chiều. Ai cũng có thể đọc được tin tức ở bất cứ xó xỉnh nào trên địa cầu; ai cũng có thể trở thành một phóng viên, có thể đưa tin, viết bài, chụp ảnh, quay clip và…xuất bản trên một tờ báo nào đó...Đó là sự thật, cũng là một áp lực vô cùng to lớn…
“Thế giới đã trở nên phẳng” - khi Thomas Friedman, một biên tập viên chuyên mục ngoại giao và kinh tế của tạp chí New York Times - thốt lên như thế, không ít nhà báo trên khắp hành tinh đã bày tỏ sự đồng cảm lớn. Toàn cầu hóa, sự thay đổi các mô hình xã hội và chính trị xã hội cực nhanh, việc tiếp xúc và trao đổi thông tin giữa các cá nhân cũng như giữa các quốc gia trở nên vô cùng dễ dàng, nhanh chóng khiến thế giới này dường như không còn “góc khuất”. Và, một khi tin tức có thể lan nhanh đến mức gần như “không tưởng”, nghề báo và những người làm báo bị đặt trước những thách thức khủng khiếp.
Xung quanh toàn... nhà báo
Đó là thực tế mà “thế giới phẳng” đem lại, cũng là thách thức to lớn đầu tiên mà nghề báo, người làm báo đối mặt. Hình ảnh một vụ tai nạn, một hành vi ứng xử thiếu văn minh, một nỗi bất bình trước hành xử của người đại diện công quyền... bắt gặp trên đường đi làm, trong công viên, ở bệnh viện hay trụ sở hành chính có thể nhanh chóng thành tin trên báo điện tử, thành bài trên báo in ra ngày mai và thành cả một “vệt” bài cho nhiều tờ báo trong những ngày tiếp sau mà “tác giả” đầu tiên hoàn toàn không phải là ký giả chuyên nghiệp. Với một chiếc smartphone, chị nhân viên văn phòng, em sinh viên, bác hưu trí... rất dễ hoàn thành 1 tin, bài cho báo mà nếu so sánh về lợi thế “độc quyền” thì cả vạn nhà báo chuyên nghiệp hoàn toàn... thua.
Xung quanh toàn “nhà báo” khiến chính các nhà báo chuyên nghiệp phải chăm chỉ, năng động, tự biến mình thành một “tòa soạn di động” thay vì chỉ đút chân gầm bàn chờ gọi, đợi mời. Họ không chỉ phải đua tay nghề, đua bản lĩnh với đồng nghiệp mà còn phải “vượt lên” nếu không muốn các cộng tác viên, các nhà báo không chuyên “che khuất”; không chỉ phải rèn giũa riêng kỹ năng viết mà còn phải hiểu và có thể hòa mình vào “cuộc chơi” công nghệ số, biết sử dụng cùng lúc nhiều kênh để tìm kiếm và kiểm chứng thông tin, nhất là “kênh” các mạng xã hội. Một tòa soạn có nhiều phóng viên, nhà báo luôn “tua tủa các kênh thông tin” chắc chắn luôn dẫn đầu về lượng thông tin mới đưa đến bạn đọc và ngược lại.
Có “lượng”, nhưng “chất” mới quyết định
Mỗi nhà báo, mỗi tòa soạn - bên cạnh áp lực về lượng thông tin nhiều nhất, mới nhất, nhanh nhất - thì yếu tố quyết định sự sống còn, uy tín của họ lại chính là chất lượng tin tức.
Làm báo hiện nay cần đúng và trúng. Đúng là đúng tôn chỉ, mục đích, nhiệm vụ chính trị của tờ báo. Đúng còn là thông tin, phản ánh, bình luận đúng để từ đó định hướng, dẫn dắt dư luận người đọc hiểu đúng, hiểu chính xác vấn đề, sự kiện mà có thái độ đúng trong hành vi ứng xử.
Và làm báo, ngoài đúng, còn phải trúng, chọn trúng vấn đề, sự kiện, câu chuyện đang nổi bật, được dư luận quan tâm theo dõi; giải đáp trúng những vấn đề dư luận đang băn khoăn để giúp họ điều chỉnh thái độ, hành vi của họ. Một vụ việc, một sự kiện, một đề tài có thể được nhiều tờ báo khai thác nhưng bạn đọc đặc biệt hài lòng, thỏa mãn khi tìm đọc được những phân tích, lý giải về khía cạnh pháp lý trên tờ Pháp luật Việt Nam, bổ sung cho nhu cầu còn đang thiếu hụt mà họ khó tìm thấy hoặc chỉ thấy rất ít khi đọc các tờ báo khác chẳng hạn.
Gần đây nhất, trong khi không ít tờ báo khai thác khía cạnh đời tư của “bầu” Kiên, thì Báo Pháp luật Việt Nam đi sâu phân tích các chi tiết pháp lý, các quy định pháp luật có liên quan trước, trong và sau khi kết thúc phiên tòa.
Bạn đọc, qua theo dõi trến Báo Pháp luật Việt Nam, có thể tự mình trang bị thêm kiến thức pháp luật, tự mình “phán xét” về những hành vi “bầu” Kiên đã làm, cũng tự mình chọn lấy thái độ phản ứng phù hợp khi nghe HĐXX tuyên vụ án này. Như thế, vụ án Nguyễn Đức Kiên chính là một cơ hội, một dịp thuận tiện để giúp bạn đọc nâng cao kiến thức pháp luật về kinh doanh, các nghiệp vụ tài chính - ngân hàng... mà những bài báo, những tờ báo chuyên “mổ xẻ” đời tư, góc khuất cuộc đời... không thể có.
Một thái độ điềm tĩnh trước sự kiện; một cách phân tích, chọn lựa thông tin cẩn trọng; một sự kết hợp nhuyễn khéo giữa chuyển tải và định hướng thông tin, dẫn dắt và nâng cao trình độ hiểu biết cho công chúng... đó chắc chắn vẫn là cách làm báo có lương tâm và trách nhiệm, đảm bảo cho mỗi nhà báo, mỗi tờ báo không bị cuốn sâu và nhấn chìm trong mênh mông những thông tin thiếu kiểm chứng mà ẩn chứa vô vàn cạm bẫy rủi ro.
Cũng từ đây, bạn đọc sẽ tìm thấy những tiếng nói đồng cảm, những chỗ dựa tin cậy, những chỉ dấu đúng đắn giúp họ nhanh chóng chọn lựa tin tức thật - giả, đúng - sai và nhờ đó, tờ báo có chỗ đứng vững chắc hơn, tiếp tục được tin cậy hơn giữa “một rừng” những tờ báo và người làm báo.
Sống “đời thường” với bạn đọc
Một tờ báo, một nhà báo sẽ sớm trở nên lạc lõng, xa vời khi những chủ đề, câu chuyện tờ báo ấy, nhà báo ấy quan tâm phản ánh quá cao siêu, lý thuyết suông, không gắn với nhịp sống thường nhật của người dân.
Gặp một sự vụ oan ức, người dân tìm kiếm sự chia sẻ ở nhà báo, muốn tờ báo phản ánh giùm sự bất bình, giận dữ của mình.
Thấy một cảnh tắc đường, một chuyện mất vệ sinh, một hành vi quan liêu thiếu trách nhiệm, người dân cũng tìm đến báo chí, tìm đến phóng viên nhờ làm rõ chỉ để muốn một điều: Chấm dứt những bất bình, eo xèo, ngáng trở để bà con thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng hơn khi làm ăn, buôn bán, kinh doanh.
Họ tìm mua tờ báo không chỉ là để xem câu chuyện của mình, nguyện vọng và tiếng nói của mình có được truyền tải, phản ánh không mà hơn thế, còn muốn nghe được sự đồng cảm, chia sẻ, chung tay tháo gỡ của cơ quan nhà nước, của nhân viên hành chính, của cả nền công vụ mà những người dân như họ đang đóng thuế để trả lương. Ngược lại, từ phản ánh của báo chí, cơ quan nhà nước và nền hành chính có thể biết được chính sách, cơ chế nào đang nhanh chóng cho thấy hiệu quả trong cuộc sống; chủ trương, quy định nào đang gặp sức “va đập” dữ dội khi nó được xây dựng nên mà chưa tiệm cận tối đa với mong chờ của cuộc sống và người dân.
Là “cầu nối”, báo chí không thể và không nên nghe một phía, hơn thế, còn chịu “tải trọng” gấp đôi khi phải dứt khoát khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật để đưa lợi ích chung của nhà nước đồng điệu với lợi ích riêng của mỗi người dân, quyền lợi riêng chính đáng của người dân được phản ánh, bảo vệ đầy đủ trong quyền lợi chung của cả cộng đồng, của quốc gia và dân tộc.
Câu chuyện thời sự quanh sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào đặt sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam những ngày qua là một ví dụ điển hình. Bên cạnh việc lên tiếng cực lực phản đối, báo chí phải làm cho được việc định hướng cho người dân thể hiện lòng yêu nước và ý chí bảo vệ chủ quyền một cách đúng pháp luật; phân tích, làm rõ những vô lý trong lập luận về chủ quyền của phía Trung Quốc; cổ vũ việc đấu tranh giữ chủ quyền nhưng bảo vệ hòa bình, nhẫn nhịn đến tối đa vì hòa bình, ổn định chung giữa hai nước...
Đặc biệt, báo chí phải góp phần tạo nên khối đoàn kết toàn dân tộc, tin tưởng ở sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sa vào việc kích động hận thù, cổ vũ chiến tranh, gây chia rẽ, mâu thuẫn...
Có thể nói, sự trưởng thành, lớn mạnh của báo chí Việt Nam trong sự kiện giàn khoan 981 góp phần nâng cao nhận thức, giúp người dân Việt Nam lớn mạnh, trưởng thành hơn về chính trị, không thui nhụt ý chí kiên cường nhưng điềm tĩnh, biết phân biệt phải trái và có thái độ đúng mực, đúng luật pháp, duy trì sức mạnh cho cuộc chiến đấu lâu dài không chỉ trong vụ việc giàn khoan 981 mà còn cả quá trình giữ biển, giữ đảo nói chung.
Sở dĩ nghề báo được xếp vào mục những nghề nguy hiểm chính bởi nó có quá nhiều áp lực. Nhưng tại sao các nhà báo, các báo chúng ta không “tự phản biện” rằng, những áp lực ấy - mà càng ngày càng nhiều, càng mạnh hơn - chính là “niềm vui sống” của nhà báo, của báo chí chúng ta? Áp lực càng mạnh, càng lớn thì mỗi bản tin, mỗi bài báo dường như càng lấp lánh hơn ánh hào quang của sự thật và sự tin cậy. Càng nhiều, càng mạnh áp lực thì báo chí và người làm báo cách mạng Việt Nam càng thêm tự tin, càng thêm gan góc dấn thân gánh vác trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của mình.
Có “niềm vui sống” nghĩa là sẽ còn có những bài báo hay, những nhà báo giỏi, những tờ báo vững mạnh và bởi vậy, giữa không khí tưng bừng của Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, báo chí và những người làm báo thật cảm kích mà tỏ lòng biết ơn bạn đọc, biết ơn “thế giới phẳng” bởi chính nhờ họ, nhờ mỗi ngày mỗi có thêm áp lực mới mà báo chí càng thêm trưởng thành, càng thêm lớn mạnh trên bước đường đi tới chứ chẳng như ai đó cứ thở than “đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh”...