Đi tìm sự thật
Công ty cán thép Tam Điệp do ông Đặng Lê Hoa nắm giữ phần lớn vốn góp là chủ đầu tư hai dự án cán thép lớn ở Ninh Bình là dự án nhà máy cán thép chất lượng cao Tam Điệp tại khu công nghiệp Tam Điệp (dự án 1) và dự án nhà máy luyện, cán thép chất lượng cao tại khu công nghiệp Khánh Phú (dự án 2). Năm 2012, ông Đặng Lê Hoa đã hợp tác với Công ty Kyoei Steel Singapore, một công ty con của tập đoàn thép Kyoei Nhật Bản, thành lập ra Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam để khai thác hai dự án này. Quá trình “hợp tác” này đã phát sinh giao dịch mà số thuế giá trị gia tăng phải nộp lên đến hơn 63 tỷ đồng.
Cụ thể, theo thỏa thuận góp vốn giữa ông Đặng Lê Hoa và Kyoei Steel Singapore, ông Đặng Lê Hoa sẽ góp vốn bằng tài sản, chính là một phần của dự án 1 và dự án 2 của Công ty cán thép Tam Điệp. Công ty Kyoei Steel Singapore góp vốn bằng tiền mặt 699 tỷ 216 triệu đồng, chiếm khoảng 70% vốn góp của liên doanh và số tiền này đã được chuyển vào tài khoản của Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam vào ngày 16/3/2012.
Ngày 15/2/2012, Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam đã ký hợp đồng mua 70% giá trị dự án 1 và dự án 2 của Công ty cán thép Tam Điệp. Giá trị 30% còn lại của cả hai dự án, Công ty cán thép Tam Điệp chuyển nhượng cho ông Đặng Lê Hoa để ông Hoa góp vốn vào Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam. Theo hợp đồng chuyển nhượng, số tiền mà Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam bỏ ra để mua 70% giá trị của hai dự án là hơn 33 triệu 600 nghìn USD, tương đương hơn 699 tỷ 216 triệu đồng.
Với các thỏa thuận trên thì thấy, Công ty cán thép Tam Điệp đã chuyển nhượng toàn bộ dự án 1 và dự án 2 cho ông Đặng Lê Hoa và Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam.
Vấn đề gây tranh cãi sau thương vụ gần 700 tỷ đồng này là số tiền thuế giá trị gia tăng sẽ phải nộp đối với các giao dịch mua bán tài sản, chuyển nhượng dự án nêu trên là bao nhiêu khi Công ty cán thép Tam Điệp không kê khai nộp thuế. Do vậy, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định áp thuế 10% đối với giao dịch chuyển nhượng tài sản này, với số thuế mà Công ty cán thép Tam Điệp phải nộp là hơn 63 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc truy thu thuế này đã bị khởi kiện và dẫn đến một bản án gây tranh cãi.
Đúng hay sai khi Tòa làm “bốc hơi” hơn 63 tỷ đồng khỏi ngân sách
Ngày 16/3/2012, Công ty cán thép Tam Điệp đã xuất hóa đơn giá trị gia tăng số 0288851 không ghi thuế suất giá trị gia tăng và gạch bỏ dòng “Tiền thuế GTGT” cho Công ty TNHH thép Kyoei Việt Nam, trong khi trên thực tế giao dịch chuyển nhượng tài sản này thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 10%.
Trụ sở TAND tỉnh Ninh Bình |
Đối chiếu với giá trị và các quy định của hai hợp đồng chuyển nhượng 70% dự án về thuế mà Công ty TNHH Kyoei Việt Nam đã trả cho Công ty cán thép Tam Điệp là 33,6 triệu USD thì tờ hóa đơn này đã không phản ánh đúng bản chất của giao dịch chuyển nhượng giữa các bên, thể hiện ý định trốn trách nghĩa vụ nộp thuế của Công ty Cán thép Tam Điệp..
Vì lý do này, ngày 27/10/2017, sau khi kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế của Công ty cán thép Tam Điệp, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định truy thu số thuế giá trị gia tăng đối với Công ty cán thép Tam Điệp số tiền thuế là hơn 63,5 tỷ đồng.
Trước quyết định áp đặt mức thuế phải nộp này, Công ty cán thép Tam Điệp đã khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu hủy bỏ việc truy thu thuế. Trong đơn khởi kiện, Công ty cán thép Tam Điệp cho rằnggiao dịch chuyển nhượng giữa Công ty Cán Thép Tam Điệp và Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam là chuyển nhượng vốn, thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Ngay sau đó, doanh nghiệp này đã sửa lý do của việc không kê khai nộp thuế là việc chuyển nhượng dự án nêu trên thực chất là chuyển nhượng vốn giữa Công ty TNHH Cán Thép Tam Điệp với doanh nghiệp nước ngoài (Công ty Kyoei Steel Singapore) nên không phải kê khai nộp thuế.
Nhìn vào diễn biến của vụ việc thì thấy, lý lẽ của Công ty cán thép Tam Điệp là không thuyết phục và thể hiện ý định trốn thuế khá rõ. Bởi lẽ, luật thuế giá trị gia tăng không liệt kê danh mục hàng hóa chịu thuế mà chỉ liệt kê danh mục hàng hóa không phải chịu thuế mà việc chuyển nhượng dự án thì không nằm trong danh mục hàng hóa, dịch vụ được miễn thuế và cho dù Công ty TNHH Cán Thép Tam Điệp chuyển nhượng dự án cho Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam hay Công ty Kyoei Steel Singapore thì giao dịch chuyển nhượng này cũng thuộc đối tượng chịu thuế suất GTGT 10%. Do đó, khi bán dự án này, Công ty cán thép Tam Điệp phải nộp thuế GTGT là có cơ sở.
Ngoài ra, nếu nói số tiền mà Công ty liên doanh Kyoei Việt Nam bỏ ra để mua 70% giá trị tài sản của dự án 1 và dự án 2 của Công ty cán thép Tam Điệp là "góp vốn" của bên nước ngoài thì rõ ràng trái với thực tế. Vì, bên góp vốn là Công ty Kyoei Steel Singapore (pháp nhân nước ngoài) còn bên nhận chuyển nhượng tài sản là Công ty Kyoei Việt Nam. Do đó, nói việc chuyển nhượng 70% dự án nêu trên là việc góp vốn của bên nước ngoài thì rõ là không đúng và bộc lộ ý đồ trốn thuế.
Song, điều kỳ lạ là tại bản án số 02/2018/HC-ST, TAND tỉnh Ninh Bình lại công nhận lý lẽ của Công ty cán thép Tam Điệp và hủy quyết định truy thu hơn 63 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng. Ngoài ra, Tòa án còn nhận định thêm, việc chuyển nhượng dự án được thực hiện giữa Công ty cán thép Ninh Bình và Công ty Kyoei Steel Singapore là để góp vốn thành lập doanh nghiệp. Nhận định này trái ngược với hồ sơ, tình tiết của vụ án là hai hợp đồng chuyển nhượng và các tài liệu liên quan khác, gây bất lợi cho bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Thép Kyoei Việt Nam, nhưng lại có lợi cho Bên chuyển nhượng (Công ty TNHH Cán Thép Tam Điệp) - người có nghĩa vụ phải kê khai, nộp thuế nhưng đã không thực hiện-.
Với Bản án gây tranh cãi này, Tòa án tỉnh Ninh Bình đã làm “bốc hơi” số tiền thuế của ngân sách nhà nước.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ thông tin tiếp về vụ việc này trong số ra tiếp theo.