Ninh Thuận - Đất 'cựa mình' sinh sôi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Điều thấy được từ Ninh Thuận hôm nay là biến nắng gió thành những lợi thế cạnh tranh. Nhưng ẩn trong những “lợi thế cạnh tranh” ấy chính là sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành cùng sự kiên trì theo đuổi đến tận cùng mục đích mà hệ thống chính trị tỉnh Ninh Thuận đã đề ra.

“Lợi thế cạnh tranh” từ nắng gió

"Giữa một vùng nắng gió cát, hơn 10 năm trước nhà máy rộng gần 2ha tại KCN Thành Hải, TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã đặt viên gạch móng đầu tiên. Đây là nơi chế biến cây nha đam lớn nhất nước của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm)", ông Nguyễn Văn Thứ - Chủ tịch HĐQT VietFarm nhớ lại.

Sau nhiều lần khảo sát, công ty định hướng đây là vùng nguyên liệu lớn nên quyết định xây dựng nhà máy.

Đến nay, sau hành trình 10 năm bền bỉ, VietFarm đạt công suất chế biến khoảng 140 tấn bẹ nha đam mỗi ngày, sản phẩm xuất khẩu đạt 40% đến 22 quốc gia trên thế giới, đến nhiều thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các quốc gia vùng Trung Đông…

Hơn 400 công nhân, toàn bộ là người địa phương, sau quá trình đào tạo đã trở thành lao động có kinh nghiệm, tay nghề với mức lương từ 6 – 10 triệu đồng/tháng. Chưa kể, VietFarm tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn nông dân địa phương trồng cấy nha đam, tạo vùng trồng nguyên liệu ở các huyện: Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn, Ninh Hải, Phan Rang – Tháp Chàm, Bác Ái.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 250 ha trồng nha đam. Nhưng, VietFarm mới chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp lớn về Ninh Thuận đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC).

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác nghe báo cáo tại địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyên Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận

Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác nghe báo cáo tại địa điểm quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyên Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận

Ông Phạm Văn Hậu – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận khẳng định, so với các địa phương khác, thời điểm này, Ninh Thuận là một trong những tỉnh có lợi thế về cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp NNCNC so với địa phương khác.

“Lợi thế cạnh tranh” theo nhận định của lãnh đạo Ninh Thuận đầu tiên là hệ thống thủy lợi hiện đại và 21 hồ chứa để Ninh Thuận làm chủ 500 triệu khối nước phục vụ sản xuất. Lợi thế thứ hai là quỹ đất còn lớn, sạch khi không bị tác động thuốc bảo vệ thực vật. Thứ ba, là địa phương có lượng bức xạ cao, nắng nhiều, độ ẩm thấp nên các vấn đề sâu bệnh được giảm thiểu. Thời tiết phù hợp cho nhiều loại cây trồng như táo, nho, măng tây, nha đam. Tất cả những yếu tố đó tạo nên sức cạnh tranh riêng cho nông nghiệp Ninh Thuận.

Kết nối kinh tế liên vùng

"Giữa tháng 10/2024, Ninh Thuận đã tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư tại Đồng Nai. Đây là dịp các nhà đầu tư giữa hai tỉnh tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư hạ tầng, sản xuất kinh doanh... tạo ra sự bứt phá cho ngành công nghiệp của Ninh Thuận", ông Trần Quốc Nam Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nói trước 100 doanh nghiệp của Đồng Nai.

Nhà máy của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm), nơi chế biến cây nha đam lớn nhất nước.

Nhà máy của Công ty Cổ phần Thực phẩm Cánh Đồng Việt (VietFarm), nơi chế biến cây nha đam lớn nhất nước.

Giới thiệu tiềm năng của Ninh Thuận trước các doanh nghiệp, ông Trần Quốc Nam cho biết, Ninh Thuận Với bờ biển dài 105km, nhiều vịnh, bãi biển đẹp, cảng biển nước sâu Cà Ná, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 300 nghìn tấn. Ninh Thuận có thế mạnh riêng để phát triển ngành kinh tế biển, du lịch, đô thị, công nghiệp, năng lượng, logistics.

Tương lai Ninh Thuận còn nhiều dự án quan trọng như sân bay Thành Sơn, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Đặc biệt, khu công nghiệp Cà Ná với quy mô 827ha đang chờ phê duyệt hứa hẹn là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh trong tương lai.

Tại hội nghị, trước sự chứng kiến của lãnh đạo 2 tỉnh, Hội doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã ký kết các biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận.

Tin vào nội lực

Câu chuyện vượt khó của Ninh Thuận đã đi đúng hướng và kiên trì với mục tiêu không chỉ là chuyện kêu gọi đầu tư hay phát triển NNCNC. Nhiều người còn nhớ, cuối 2016 Quốc hội đã dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Việc này đã phá vỡ các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: giai đoạn 2010-2020 trụ cột phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào tăng trưởng, phát triển của nhà máy điện hạt nhân.

Một góc biển thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

Một góc biển thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở xác định tiềm năng lợi thế về năng lượng tái tạo, Ninh Thuận bắt buộc phải “xoay” chiến lược, điều chỉnh sang phát triển năng lượng tái tạo để “lấp lỗ hổng”. Cộng với chính sách hỗ trợ của Chính phủ (Nghị quyết 115) dừng điện hạt nhân đã góp phần chuyển đổi kịch bản tăng trưởng của Ninh Thuận.

Đến nay sau 10 năm, trên địa bàn tỉnh có 57 dự án/3.750MW tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, biến Ninh Thuận trở thành một trung tâm hàng đầu của đất nước về dịch vụ - năng lượng tái tạo liên vùng. Biến những bất lợi về thời tiết nắng, gió trở thành lợi thế cạnh tranh và phát triển cho Ninh Thuận.

Cuối tháng 11/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ bản thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu Chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam. Ngay sau đó, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ đã đưa ra 3 quan điểm phát triển điện hạt nhân gồm: vì mục đích hòa bình, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, gắn với mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050; bảo đảm an toàn ở mức cao nhất, giảm thiểu rủi ro cho con người và môi trường; gắn với phát triển tổng thể hệ sinh thái công nghiệp năng lượng quốc gia.

Ninh Thuận hợp tác với Đồng Nai

Ninh Thuận hợp tác với Đồng Nai

Việc tái khởi động điện hạt nhân là tin vui không chỉ cho riêng Ninh Thuận, bởi lẽ nó còn mang ý nghĩa chiến lược cho an ninh quốc gia. Đây sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tiến xa hơn trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, khi công nghệ hạt nhân không chỉ dừng lại ở sản xuất điện mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Việt Nam nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi cung ứng công nghiệp điện hạt nhân.

Điều thấy được từ Ninh Thuận đó là biến nắng gió thành những lợi thế cạnh tranh. Nhưng ẩn trong những “lợi thế cạnh tranh” chính là sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, sự kiên trì theo đuổi đến tận cùng mục đích mà hệ thống chính trị Ninh Thuận đã đề ra như lời bộc bạch của doanh nhân Nguyễn Văn Thứ: “VietFarm có được thành công như hôm nay vì nhận được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo địa phương, tạo điều kiện về thủ tục pháp lý, các kết nối kinh doanh, xúc tiến thương mại quảng bá thương hiệu trong và ngoài tỉnh, không chỉ dành riêng cho VietFarm mà cho các DN khác đang đầu tư ở Ninh Thuận”. Chính những điều quý báu này đã làm ông Nguyễn Văn Thứ gắn bó hơn với cây nha đam Ninh Thuận.

Đọc thêm