Ninh Thuận: Hiệu quả tín dụng chính sách trong công cuộc giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ninh Thuận - vùng đất khô hạn nơi cuối dãy Trường Sơn từng được biết đến với nhiều khó khăn về khí hậu, tài nguyên và đời sống người dân. Thế nhưng, địa phương này đang từng bước vươn mình đổi thay, đặc biệt trong công tác giảm nghèo bền vững, nhất là tại các khu vực miền núi và vùng sâu, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ nguồn vốn tín dụng người dân mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Nhờ nguồn vốn tín dụng người dân mạnh dạn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Dòng vốn tín dụng thay đổi vùng đất khó

Tỉnh Ninh Thuận có 7 đơn vị hành chính trực thuộc (6 huyện và 1 thành phố), trong đó huyện Bác Ái thuộc huyện nghèo. Toàn tỉnh có 32 dân tộc, các dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 24,3%. Sự đa dạng này đã tạo nên một nền văn hóa phong phú từ nghi lễ tín ngưỡng, kiến trúc tôn giáo, đến lối sống thường ngày. Tuy nhiên, đời sống đồng bào cũng gặp rất nhiều khó khăn do đây là một trong những khu vực khô hạn nhất Việt Nam.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS cũng gặp không ít khó khăn do điều kiện tự nhiên khó khăn, ảnh hưởng đến khí hậu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh.

Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS theo chuẩn nghèo đa chiều còn cao. Nhưng vượt lên trên tất cả khó khăn thách thức, đời sống đồng bào DTTS ở Ninh Thuận đang mỗi ngày một đổi thay nhờ chính sách chăm lo của Đảng, Nhà nước; nỗ lực của các ngành, các cấp trong tỉnh và sự vươn lên của người dân. Trong đó đặc biệt có sự góp phần quan trọng và hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH Ninh Thuận đẩy mạnh cho vay hộ nghèo.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH Ninh Thuận đẩy mạnh cho vay hộ nghèo.

Theo đánh giá của lãnh đạo Tỉnh ủy Ninh Thuận, trong nhiều năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách không chỉ đóng vai trò “trụ cột” đối với công cuộc giảm nghèo bền vững của địa phương, mà còn thực hiện lời cam kết mạnh mẽ “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Tại thời điểm rà soát, tỉnh Ninh Thuận có 191.086 hộ hành chính 741.611 khẩu, tăng 2,12% so với cùng kỳ năm trước; Tổng hộ nghèo đa chiều là 12,411 hộ, chiếm tỷ lệ 6,49%, giảm 2,33% so với năm 2023. Trong đó: Hộ nghèo 4.971 hộ, chiếm tỷ lệ 2,6%, giảm 1,61% so với năm 2023; Hộ cận nghèo: 7.440 hộ, chiếm tỷ lệ hộ 3.89%, giảm 0,71% so với năm 2023.

Hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách đạt rõ nét bởi được triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, diện mạo đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống nhân dân, đặc biệt đồng bào DTTS được cải thiện không ngừng.

Tăng nguồn thu, nâng cao hoạt động của tín dụng chính sách

Ông Lê Minh Lộc - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Ninh Thuận khẳng định, trong cuộc hành trình của tín dụng chính sách vì an sinh xã hội, các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước và của địa phương, đặc biệt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội” ra đời như ngọn đèn hải đăng, dẫn lối cho con tàu tín dụng chính sách vững vàng vượt qua sóng gió, lan tỏa sức sống mới đến từng thôn làng nơi đây.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Minh Lộc.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Ninh Thuận, ông Lê Minh Lộc.

Ngay từ những ngày đầu thực hiện Chỉ thị 40 đến nay, các cấp ủy đảng trên địa bàn luôn quan tâm, chú trọng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo mọi hoạt động của tín dụng chính sách. Cùng đó, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách, đồng thời chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về nơi làm việc cho các phòng giao dịch, điểm giao dịch xã của NHCSXH. Nhờ vậy mà các nguồn lực tài chính ở Ninh Thuận có nguồn gốc Nhà nước được quy về một đầu mối là NHCSXH quản lý, sử dụng theo quy định.

Hàng năm UBND tỉnh và 7 huyện, thành phố trực thuộc đều bổ sung kịp thời, ủy thác sang NHCSXH vốn ngân sách để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đặc thù vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh. Tính đến 31/3/2025 nguồn vốn ngân sách địa phương là 182,1 tỷ đồng, tăng 31,7 tỷ đồng so với năm 2024, góp lực nâng tổng nguồn vốn chính sách của tỉnh Ninh Thuận lên 3.922 tỷ đồng tăng 94,9 tỷ đồng so với năm 2024.

Mạng lưới giao dịch có độ phủ kín khắp địa bàn, thông qua 62 Điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, tạo điều kiện tiện nhất cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ về tín dụng ưu đãi. Cùng với 1.662 Tổ Tiết kiệm và vay vốn cùng hệ thống Hội, đoàn thể nhận ủy thác từ tỉnh đến xã.

Mang cuộc sống no đủ, tươi đẹp cho người nghèo

Trải qua 22 năm, dòng vốn từ NHCSXH đã góp phần giúp người dân ở thành thị, nông thôn, trên miền núi, ngoài biển xa vươn lên thoát nghèo. Không có hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn nào bị NHCSXH quên lãng, không tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước.

Cán bộ NHCSXH tới thăm hộ vay vốn.

Cán bộ NHCSXH tới thăm hộ vay vốn.

Bác Ái là huyện nghèo của tỉnh Ninh Thuận. Toàn huyện có 9 xã thuộc khu vực III với 10 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào Raglai chiếm trên 87%. Để đẩy mạnh công tác giảm nghèo, NHCSXH ở huyện Bác Ái đã chú trọng đầu tư vốn, tạo việc làm, sinh kế cho lao động nông thôn và đồng bào DTTS. Đồng thời chú trọng phát triển các mô hình hợp tác xã.

Nhờ sử dụng đồng vốn chính sách, ở huyện Ninh Phước, mô hình liên kết chuỗi măng tây xanh với vai trò chủ lực của hợp tác xã An Hải và Phước Hải đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, xã An Hải là địa phương có diện tích trồng cây măng tây nhiều nhất ở tỉnh Ninh Thuận với trên 120 ha măng tây.

Còn tại huyện Ninh Sơn, gia đình chị Pi Năng Xuyến ở thôn Do, xã Ma Nới là một trong những minh chứng cho hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách. Trước đây, gia đình chị sống trong cảnh thiếu thốn, chỉ có một mảnh đất nhỏ, một con bò gầy và những bữa cơm đạm bạc qua ngày.

Cuộc sống bắt đầu đổi thay khi chị được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Với số tiền ấy, chị mua một con bò giống, chăm sóc cẩn thận như một thành viên trong nhà. “Tôi nâng niu nó từng chút một. Nhờ vậy mà chỉ sau vài năm, đàn bò bắt đầu sinh sản, kinh tế gia đình dần khấm khá hơn. Căn nhà cũng được sửa sang lại kiên cố, sạch sẽ hơn trước rất nhiều”, chị Xuyến chia sẻ.

Cán bộ tín dụng chính sách gắn bó với vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Cán bộ tín dụng chính sách gắn bó với vùng khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần khơi dậy khát vọng thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no cho đồng bào dân tộc ở Ninh Thuận. Nhờ dòng vốn này, khoảng cách giữa vùng miền núi và miền xuôi dần được thu hẹp, góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Những nỗ lực bền bỉ của cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Ninh Thuận đã được chính quyền và người dân ghi nhận, đánh giá là điểm tựa vững chắc cho sự đổi thay của vùng đất khó.

Phát huy những kết quả đã đạt được, NHCSXH tỉnh Ninh Thuận sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả Chỉ thị 39-CT/TW của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Tỉnh sẽ đẩy mạnh phong trào thi đua giai đoạn 2025 - 2030, thực hiện tốt các chỉ tiêu được Trung ương và địa phương giao, đồng thời củng cố, kiện toàn bộ máy theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp với quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.

Bên cạnh đó, NHCSXH sẽ nỗ lực giảm nợ xấu, nợ quá hạn, tập trung huy động nguồn lực tài chính và chuyển tải kịp thời vốn ưu đãi đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Qua đó, tiếp tục đóng góp tích cực vào hành trình giảm nghèo, phát triển bền vững, giúp vùng đất nắng gió cuối dãy Trường Sơn vươn mình cùng đất nước.

Đọc thêm